13:40 ngày 11/12/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Diều sáo làng Bá Dương Nội - sức sống trường tồn của văn hóa dân gian

11:13 02/05/2023

THPL - Cụ Nguyễn Hữu Kiêm sinh năm 1948 (năm nay 76 tuổi) ở Cụm 04 xã Hồng Hà, Đan Phượng (Hà Nội) mới được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân nhân dân về diều sáo. Cụ là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thả diều truyền thống của xã Hồng Hà.

Hiện nay, câu lạc bộ diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng là một trong những địa chỉ văn hóa của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, một địa chỉ đẹp thu hút sự quan tâm của những người yêu quý môn nghệ thuật dân gian truyền thống này. CLB diều làng Bá Dương Nội đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Cụ Nguyễn Hữu Kiêm kể về tuổi thơ gắn với cánh diều quê hương. Ngay từ lúc bé mọi người trẻ trong làng đều biết chơi diều, chậy diều và đều biết làm diều cả. Nhưng có người đam mê. Tôi ngay từ lúc 7-8 tuổi đã theo các cụ chạy diều rồi. Cái kỹ thuật làm diều của các cụ thì mình cũng học tập được, sau này cũng tiếp thu và phát triển, hướng dẫn anh em trong câu lạc bộ và mọi người cách thức để làm diều. Riêng ở đây có cái tục là thi diều, diều lên cao là đứng, muốn thi diều thì phải chuẩn bị 1.500 - 2000 mét dây, chơi diều nó cả một nghệ thuật.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm và những cánh diều.

Tuy ở tuổi 76 cụ Kiêm vẫn sôi nổi, nhanh nhẹn. Mặc dù đang rất bận việc gia đình. Cụ Kiêm chia sẻ câu chuyện sôi động về những cánh diều, cách làm diều, làm sáo diều, và các cuộc thi thả diều trong nước và quốc tế mà cụ và các nghệ nhân, hội viên CLB diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, Đan Phượng đã từng tham gia.

Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, Đan Phượng quê cụ có truyền thống làm diều, chơi diều, thả diều đã bao đời nay. Cụ Nguyễn Hữu Ngọ thân sinh ra ông Kiêm là một người nổi tiếng xa gần về kỹ thuật làm sáo diều hay, làm diều đẹp và nghệ thuật thả diều. Cụ Kiêm được thụ hưởng từ bố những kinh nghiệm hay về làm diều, thả diều và làm sáo diều, rồi ông lại tiếp tục truyền lại cho con cháu trong gia đình. Tính đến nay gia đình ông chơi diều đã là 5 - 6 đời. Thú chơi diều và những kinh nghiệm quý học được từ bố và những nghệ nhân chơi diều cùng thời đã theo đuổi ông từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành. Cụ công tác ở ngành điện lực Việt Nam nên có may mắn được đi nhiều địa phương trong cả nước, gặp gỡ các cụ cao niên tại các vùng quê có truyền thống chơi diều để tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý. Người ta thấy cụ Kiêm mỗi dịp về nghỉ tại quê lại miệt mài say sưa với những cánh diều, cụ đã nghiên cứu, tính toán một cách khoa học tìm ra được công thức chuẩn để đơn giản hóa các công đoạn làm diều, để diều bay cao hơn, tiếng sáo hay và vang xa hơn.

Nói về nghề làm diều và thú chơi diều, lễ hội thả diều ở nước ta rất hay. Chuyện kể rằng ngày xưa trời và đất giao hoà, vạn vật sống trong cảnh thanh bình, yên vui hạnh phúc, bỗng một ngày trời long đất lở, muôn loài lâm vào cảnh điêu tàn, tối tăm, cảnh vật, con người cực khổ, bi ai.Trời thì cứ cao dần lên cách xa mặt đất, gây bao nỗi nhớ thương giữa những người ở hạ giới và bầy tiên trên trời, thế là những cánh diều xuất hiện, là cầu nối giữa bầu trời và mặt đất. Con người đã gắn những ống tre để gió thổi vào tạo ra những âm thanh trầm, bổng như lời mời gọi thiết tha những bầy tiên trên trời mau trở về mặt đất.

Câu chuyện về sự xuất hiện của cánh diều ở làng Bá Dương Nội còn lưu truyền đến nay gắn với sự tích về Thành hoàng làng và miếu thờ thần Châu thổ, đại ý từ xa xưa đám trẻ chăn trâu nhiều lần ngắm nhìn những đàn chim bay lượn trên trời, bỗng nảy sinh trò chơi lấy nan tre uốn thành hình con chim rồi dán giấy, buộc dây chờ gió, tung lên không trung và gắn những ống tre rỗng tạo ra những âm thanh sáo diều vi vu khắp cánh đồng bãi ven sông Hồng. Để biết được cánh diều nào bay cao, bọn trẻ bàn nhau đưa diều về khu đất trống cao ở đầu bãi để thi, rồi bàn nhau lấy cây que dựng một ngôi miếu nhỏ, trước khi thả diều chúng vào làm lễ, cầu mong thần linh bản thổ phù hộ để diều bay cao nhất, không ngờ tâm nguyện ấy đã được thần linh phù trợ, từ hôm có miếu, cứ mỗi lần bọn trẻ thả diều là có cơn gió nhẹ thổi lên nâng những cánh diều bay lượn trên bầu trời. Cứ như vậy năm nào có gió cả, diều lên cao là năm ấy mưa thuận gió hòa, người dân làng Bá Dương Nội nhất tâm xây cất một ngôi miếu thờ thần linh bản thổ to đẹp hơn, ngôi miếu ấy hoàn thành vào 15/3 âm lịch được đặt tên là Miếu Diều, hiện còn tồn tại đến bây giờ. Từ đó cứ tới 15/3 âm lịch hàng năm dân làng lại cúng tế thần linh và mở hội thi diều, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đó cũng là khát vọng của người xưa về một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Trải qua nhiều đời, hội diều truyền thống của làng Bá Dương Nội vẫn còn mãi với thời gian, minh chứng cho sức sống trường tồn của những giá trị văn hóa dân gian quý báu.

Những người đam mê và có sở thích về thú diều.

Câu lạc bộ thả diều truyền thống xã Hồng Hà, Đan Phượng ra đời hàng chục năm qua, do ông Nguyễn Hữu Kiêm làm Chủ nhiệm, đã thu hút đông đảo những người tâm huyết với diều, góp phần gìn giữ di sản văn hóa cha ông. Năm 2005 cụ Nguyễn Hữu Kiêm vinh dự được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2015 cụ được Chủ tịch nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và là một trong những nghệ nhân tiêu biểu nhất của CLB thả diều truyền thống làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Nhiều năm liền, ông được Ban tổ chức liên hoan diều quốc tế mời đích danh tham gia các cuộc thi thả diều, đưa những cánh diều độc đáo, tiếng sáo diều độc nhất vô nhị của Việt Nam cùng lá cờ đỏ sao vàng của nước ta tung bay, gây tiếng vang trên bầu trời quốc tế.

Đức Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu