14:08 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ: Người nặng lòng với “Đất và Người” Tây Nguyên

19:23 17/01/2023

(THPL) - “Rừng Tây Nguyên che bộ đội hành quân/ Núi Tây Nguyên làm quân thù khiếp sợ/ Đất Tây Nguyên ôi hồn thiêng dân tộc/ Ánh mắt Già làng nhìn cờ Đảng rưng rưng”- Đó là một trong nhiều câu thơ của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ viết về “Đất và Người” Tây Nguyên.

Nặng lòng với “Đất và Người” Tây Nguyên

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ sinh năm 1966 tại xã Thạch Tiến (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ khi là chàng trai bước vào độ tuổi đẹp nhất của đời người thì ông đã tham gia nhập ngũ tại Sư đoàn 441- Quân khu 4.

Sau đó, ông đi học tại trường Hạ sĩ quan xe tăng II (thuộc Bộ Tư lệnh Thiết Giáp) tại Vĩnh Phúc và rồi sau này, ông chuyển qua một số trường khác, như: Pháo thủ xe tăng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1016, Sư đoàn 316 Bắc Ngầm Hoàng Liên Sơn; học văn hóa tại trường Văn hóa tại Quân khu 2; học tại trường sĩ quan kỹ thuật vũ khí đạn (Thừa Thiên Huế).

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ với tập thơ Hương Xa 

Sau này, do điều kiện sức khỏe không đảm bảo, ông đã chuyển ngành và vào định cư tại Tây Nguyên rồi ra mở công ty kinh doanh tự do. Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ năm tháng ấy, ông bắt đầu được trải nghiệm trên mảnh đất đầy nắng và gió, được tiếp xúc với chính con người Tây Nguyên chân chất mà vô cùng mộc mạc. Từ đó, trong con người ông luôn cảm thấy rực cháy mãnh liệt, tâm hồn như được gửi gắm nơi rừng núi của đại ngàn.

Bỗng từ lúc nào không hay, trong tâm hồn của ông luôn khắc khoải những vần thơ vô cùng mộc mạc về chính mảnh đất và con người của Tây Nguyên. Chắc hẳn, với sự chiêm nghiệm của chính con người ông nên cũng là nguồn cảm hứng để những câu thơ ra đời.

Tập thơ Hương Xa của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ.

Ông từng viết: “Ơi Kon Tum trùng điệp những đại ngàn/ Có phải anh say rượu ghè men lá/ Có phải trong mơ tiếng nai chiều thương nhớ/ Hay điệu cồng chiêng làm con suối bâng khuâng/ Kon Tum của lúa ngô và trái ngọt/ Hoa rừng thơm da diết mãi khôn nguôi/ Của nỗi nhớ đại ngàn thân thương che chở/ Để suốt đời anh giăng mắc với Kon Tum…”

Hay như: “Về đây thăm đỉnh Sạc ly/ Thăm núi Ngọc Linh bềnh bồng mây trắng/ Nghe tiếng suối trong veo Ya Book/ Bản nhạc linh hồn rừng núi cao nguyên/ Về cùng anh em nhé sáng nay/ Mây như tuyết mơ màng trên Núi Nhọn/ Nâng chén rượu làng Le xem Yàng đẻ trứng/ Ấm lòng người nơi rừng thẳm biên cương/ Về cùng anh thăm lại Kon Tum/ Thăm chiến trường xưa một thời đạn lửa/ Một thời bom rơi một thời máu chảy/ Nay đã thành phố núi thân thương/ Về cùng anh giữa nước biếc non xanh/ Những đỉnh dốc, suối khe in vào lịch sử/ Em có thấy cao nguyên trắng trời mây phủ/ Gió ngàn thung cuộn thổi ngang trời…”.

Đau đáu về cõi nhân sinh

Có thể thấy, từng câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ chính là nỗi nhớ khắc khoải, tiếng vọng từ thẳm sâu tâm thức, là nỗi nhớ cồn cào, da diết về chính con người và mảnh đất Tây Nguyên giản dị, mộc mạc đến nao lòng.

Thơ của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ còn là sự trải nghiệm đến bầm dập của những năm tháng tuổi trẻ nơi xứ người, là tình yêu thiên nhiên, hoa lá, cỏ cây nơi núi rừng Tây Nguyên.

Có lẽ rằng, Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ luôn trăn trở với "Đất và Người" Tây Nguyên.

Những năm tháng bươn trải của tuổi trẻ và cũng có lẽ ông xuất thân từ một người lính Bộ đội cụ Hồ nên những vần thơ, câu thơ của ông luôn dứt khoát, mạnh bạo và luôn chứa đựng sự chân thành, sâu sắc và giàu cảm xúc.

Thơ đối với Nguyễn Đăng Độ là sự cởi mở, là bộc lộ chính con người mình. Ông muốn nói rằng: “Trái tim tôi đây, nhiệt huyết, đắm đuối, đôi khi trăn trở, âu lo nhưng không bi lụy. Thơ ông nhiều nỗi niềm, đau đáu với cõi nhân sinh. Với ông cái đẹp không phải là thứ phù du, mà nó có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với chính lương tâm của nhà thơ. Nó là sự cảm thông chia sẻ với thân phận con người, là mạch nguồn quý giá của truyền thống dân tộc giữa một thời đại đầy biến động hôm nay. Ông càng ngày càng viết chắc tay hơn, mạnh bạo hơn, sâu sắc và giàu cảm xúc.

Thơ của Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ luôn giản dị, sâu sắc và giàu cảm xúc.

Lại một mùa Xuân nữa đang về trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc, Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ xin gửi tới độc giả của Thương hiệu và Pháp luật bài thơ với tựa: "Tặng Em Gái Tây Nguyên"

            Anh viết tặng em những vần thơ Tây Nguyên

Chút nắng mùa khô của miền đất đỏ

Cánh chim vút cao trên nóc nhà thành phố

Những âm vang ào ạt gió đại ngàn 

Gửi tặng em chút chiều lạnh mưa chan

Vùng đất ba zan lô cà phê ngút ngát

Gùi nếp thơm mẹ hái về trên rẫy

Ống cơm lam thơm nức bếp than hồng

Gửi tặng em xanh biếc nước dòng sông

Cô gái Gia Rai múa điệu xoang bên suối

Chóe rượu cần vít cong chiều thương nhớ

Phía ấy con đường ai da diết ngóng trông

Gửi tặng em làn sương sớm mong manh

Tiếng dế gọi nhau về hang khi chiều xuống

Mảnh đất gắn đời người bao mùa yêu dấu

Sắc trời thu khoe nắng óng lưng nương

Ngôi nhà sàn che lợp tấm tranh săng

Bóng ai phía hoàng hôn địu con về bản

Đêm bập bùng bếp lửa than cơm nướng

Khúc khích tiếng cười nghi ngút khói lồ ô

Gửi tặng em bông lan rừng chớm nở

Áo chàm thơm tinh khiết một góc trời

Kon Tum đó nơi núi non hùng vĩ

Những người con của vùng đất kiên trung

Rừng Tây Nguyên che bộ đội hành quân

Núi Tây Nguyên làm quân thù khiếp sợ

Đất Tây Nguyên ôi hồn thiêng dân tộc!

Ánh mắt già làng nhìn cờ Đảng rưng rưng

Vùng đất kiên cường nơi khởi nghiệp đời anh

Nơi nâng đỡ chở che từng bữa ăn giấc ngủ

Cơm áo chắt chiu thấm đầy nước mắt

Nắng gió đại ngàn nghĩa nặng ơn sâu

Xin tạm biệt con đường từ nơi ấy ra đi

Và xin hẹn ngày trở về nơi ấy

Tây Nguyên ơi phần đời tôi ở đấy

Hương rượu cần thấm đượm nỗi nhớ thương.

                              (Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ)

HÀN HƯNG

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu