07:53 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Người dân sẽ được hưởng dịch vụ tốt khi hoàn thiện số hóa ngành y tế

09:36 20/11/2020

(THPL) - Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong phòng chống dịch COVID - 19, đồng thời vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã công bố việc thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC - PHEED) dự kiến đặt tại Việt Nam.

Theo đó, AC - PHEED sẽ góp phần nâng cao năng lực y tế, tăng cường khả năng điều phối quốc gia và khu vực, ứng phó với dịch bệnh trong tương lai. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 đang hoành hành khắp toàn cầu, Việt Nam cần biến nguy hiểm thành cơ hội để đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng để hạn chế tiếp xúc người với người trong mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội; Tận dụng lợi thế hiện tại Việt Nam vẫn là quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, cùng nhiều chuyên gia, kỹ sư công nghệ giỏi và đặc biệt là sự tin tưởng cổ vũ của cộng đồng quốc tế.

(Hình minh họa) 

Trên thực tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp về quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, hướng tới lợi ích của người dân và doanh nghiệp, lấy việc cải cách thủ tục hành chính là trọng tâm, thông qua Chính phủ điện tử để hướng tới Chính phủ số, tạo sự minh bạch giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, cũng như sự trao đổi, chia sẻ thông tin chính xác giữa các cơ quan từ cấp cao nhất tới từng cơ sở thuộc hệ thống hành chính Nhà nước. Trong đó, Bộ Y tế đã rất tiên phong cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Đã tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, giảm chi phí và các thủ tục hành chính về đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, theo đó 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành.

Theo tổng kết hoạt động gần đây của Bộ Y tế, trong khi đại dịch tiếp tục tác động tiêu cực đến tất cả các quốc gia, ngành y tế Việt nam đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ trong chuyển đổi số, kịp thời nắm bắt thực tế để ứng dụng CNTT, kết nối, số hóa, các dịch vụ đặc biệt là khám chữa bệnh từ xa tới 1.500 cơ sở y tế. Người dân Việt Nam ở bất cứ đâu cũng đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.

Hiện tại, Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh sử dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy tại các cơ sở khám, chữa bệnh và việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh trên nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Nếu làm tốt việc này, ngay tại cơ sở y tế, người bệnh cũng không phải mang sổ khám chữa bệnh như trước đây mà vẫn được thanh toán chế độ bảo hiểm dễ dàng.

Trong việc thực hiện các dịch vụ công, Bộ Y tế đã đưa lên Cổng dịch vụ công của Bộ 100% dịch vụ công cấp độ 3, 4, đã kết nối lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 100 dịch vụ công. Đến ngày 15/11/2020 đã có 1.479 hồ sơ được tiếp nhận, xử lý, đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Y tế đã cùng với văn phòng Chính phủ tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện với người dùng trước khi kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện tại Bộ Y tế đã công khai tất cả vấn đề liên quan giá thiết bị và tới đây cũng sẽ công khai toàn bộ giá dịch vụ, đồng thời kêu gọi xã hội hóa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ngành y tế là một trong những ngành tiên phong thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch, tạo ra dịch vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho người dân để giảm đi lại, giảm chi phí không cần thiết, để người dân được hưởng những dịch vụ tốt nhất về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời cũng bảo đảm tính chính xác, kịp thời, hiệu quả và bảo vệ dữ liệu cá nhân một cách tốt nhất.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu