09:38 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Người dân Đà Nẵng không ra khỏi nhà sau 20h ngày 27/9

Tuấn Minh (t/h) | 14:52 27/09/2022

(THPL) - Do diễn biến phức tạp của bão số 4, thành phố Đà Nẵng yêu cầu người dân (trừ lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h ngày 27/9 cho đến khi có thông báo mới.

Báo Chính phủ đưa tin, theo dự kiến, bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Trung Bộ từ chiều tối 27/9. Để đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có văn bản yêu cầu người dân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h ngày 27/9 cho đến khi có thông báo tiếp theo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố.

Tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu cá, lán trại tạm công trình đang xây dựng từ 14h ngày 27/9 cho đến khi có tin cuối cùng về cơn bão số 4. Trong trường hợp người dân không chịu di chuyển sẽ cưỡng chế, sơ tán đến nơi an toàn.

Tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vùng ven sông, ven suối, ven biển, các vùng trũng thấp, ngập úng đến nơi an toàn. Hoàn thành trước 14h ngày 27/9.

Người dân Đà Nẵng không ra khỏi nhà sau 20h ngày 27/9. Ảnh minh hoạ

Dự kiến, trong ngày 27/9 TP. Đà Nẵng sẽ khẩn cấp sơ tán hơn 80.800 người. Trong đó, sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép (sơ tán tại chỗ đến nhà lân cận kiên cố hơn) 54.932 người. Hiện đã có hơn 800 tàu cá neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang, hơn 220 tàu cá neo đậu ở các vị trí khác (vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ Đông, Tây Sông Hàn,…), 66 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ.

Theo báo Kinh tế và Đô thị, trước đó để chủ động ứng phó bão số 4, ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại TP Đà Nẵng để chỉ đạo ứng phó với bão số 4.

Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phó Trưởng ban: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban thường trực.

Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ban chỉ đạo tiền phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng nhân dân, hạn chế thiệt hại do bão; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai) chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan bảo đảm công tác hậu cần, bố trí phương tiện, trang thiết bị, thông tin liên lạc phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.

Ban Chỉ đạo tiền phương tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin, hồi 10 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 310km về phía Đông.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Đến 10 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4. 

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu