14:38 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghi lễ "cất nóc" trong đời sống tinh thần của người Việt

08:36 11/08/2022

(THPL) - Từ xa xưa, “an cư” vốn là điều mà ai ai cũng mong muốn. Nếu người trẻ muốn có một mái ấm, một nơi ở ổn định để an tâm lập nghiệp thì người lớn tuổi hơn cũng muốn có ngôi nhà để thờ phụng tổ tiên, chăm nom con cháu khi về già. Và trong công cuộc tạo ra một ngôi nhà lý tưởng, ngoài phần móng thì nóc nhà cũng là một phần rất quan trọng.

"Cất nóc" là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Ảnh: Hồng Anh

Lễ thượng lương hay còn gọi là lễ “cất nóc” là một nghi lễ quan trọng khi thi công nhà gỗ với mong muốn việc làm nhà sẽ diễn ra thuận buồm xuôi gió, gia đình sẽ gặp vận may, điều lành khi sống trong tổ ấm mới. Đây là nghi lễ được tiến hành để đặt thanh nóc (thanh thượng lương) lên vào đúng vị trí đỉnh mái của ngôi nhà gỗ truyền thống. 

Nóc nhà được ví như người cha trụ cột của gia đình, người che chắn cho ngôi nhà luôn vững chãi và bảo vệ những người sống trong ngôi nhà luôn bình an, chính vì thế mà ai cũng muốn ngày cất nóc diễn ra suôn sẻ và thuận lợi. Để điều đó diễn ra thì gia chủ cần phải chuẩn bị chu đáo: Xem kĩ ngày, giờ đẹp; chuẩn bị đầy đủ đồ cúng; bài khấn cẩn thận,…

Lễ thượng lương nhà gỗ ba gian truyền thống tại Chàng Sơn

Sau khi phần khung cột của ngôi nhà đã được dựng lên, tương tự như các nghi lễ cúng cất nóc của nhiều địa phương khác, lễ cất nóc cho nhà gỗ ba gian ở Chàng Sơn (Hà Nội) được tiến hành. Từ sáng sớm, gia chủ đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, đồ cúng cần thiết để phục vụ cho nghi lễ cất nóc bao gồm: thịt gà, đầu heo, xôi, mâm ngũ quả, bánh kẹo, bình hoa,…

Chuẩn bị đầy đủ lễ vật, đồ cúng cần thiết trước khi tiến hành lễ cất nóc. Ảnh: Hồng Anh
Với những mong muốn của gia chủ, thầy cúng sẽ chuẩn bị những bài khấn và tiến hành khấn theo bài lễ đã có sẵn sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật. Các bà, các cụ cao tuổi trong gia đình cũng có mặt từ rất sớm để cùng tham gia vào buổi lễ này.  Ảnh: Hồng Anh
Thanh thượng lương trước khi được đặt lên sẽ được bọc vải đỏ và bên trong có một chút tiền lộc cầu may. Hai bên thanh được cài vào một lá vạn tuế, lá vạn tuế không chỉ mang nét đẹp khỏe khoắn mà còn được tin rằng đem lại may mắn, tài lộc, tạo sự ổn định và vững chắc trong sự nghiệp. Ảnh: Hồng Anh
Cụ Thúy là người lớn tuổi nhất, sẽ đại diện cho các thành viên trong gia đình để tiến hành nghi lễ. Ảnh: Hồng Anh 
Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi thì lễ cúng được diễn ra lúc gần 9 giờ sáng - giờ lành đã được xem trước, dưới sự tham gia của gia chủ và anh em thân cận. Ảnh: Hồng Anh
Khi lễ cúng đã xong thì cũng là lúc đồng hồ điểm 9h, thanh thượng lương được cột kỹ càng và được những người thợ kéo lên, gia chủ cùng những người thợ trèo lên phần nóc và tự tay đặt thanh nóc vào đúng vị trí. Ảnh: Hồng Anh

Các bác thợ đã đứng chờ sẵn trên mái nhà để kéo thanh nóc lên. Ảnh: Hồng Anh

Mọi người trong nhà lẫn người tham gia buổi lễ đều cầu nguyện cho việc đặt thanh thượng lương lên nóc diễn ra suôn sẻ. Ảnh: Hồng Anh

Thanh nóc được kéo lên ......
dưới sự chứng kiến của nhiều người. Ảnh: Hồng Anh

Thanh nóc đã được đặt chỉnh tề lên đỉnh mái. Trên thanh thượng lương được khắc dòng chữ “Ngày 01, tháng 12, năm Canh Tý, giờ lành xây dựng ngôi nhà mới, dựng cột, cất nóc tốt lành”. Ảnh: Hồng Anh

Sau thanh nóc là hai thanh bên cũng được kéo lên. Ảnh: Hồng Anh

Khi đã xong xuôi hết, các thanh nóc ở đúng vị trí của nó, những người thợ thả bóng bay và đốt pháo, hành động này như một lời cầu mong cho những điều mới mẻ sẽ xảy đến và xua đuổi được tà ma, cũng như một “tràng pháo tay” cho buổi lễ diễn ra thành công tốt đẹp. Ảnh: Hồng Anh

Nghi lễ cất nóc nhà ba gian tại Chàng Sơn đã diễn ra thành công tốt đẹp với những cảm xúc hân hoan xen chút “lo lắng” của những người tham gia buổi cất nóc này; dưới sự chứng kiến của anh em, hàng xóm lân cận của gia chủ.

Thắng Nguyễn - Hồng Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu