02:59 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ sĩ piano Trinh Hương nghẹn khóc trong đêm nhạc tưởng nhớ cha

Ngân An. Ảnh: Hòa Nguyễn | 18:22 09/12/2022

(THPL) - Đêm nhạc tưởng niệm tròn một năm ngày nhạc sĩ Phú Quang rời cõi tạm với chủ đề "Phú Quang... mới thôi mà đã một đời" diễn ra đêm qua tại Nhà hát lớn Hà Nội, lắng đọng cảm xúc, trang trọng, ấm áp và tràn niềm tiếc nhớ.

Trong sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng của Phú Quang, ông thành công ở nhiều thể loại từ nhạc giao hưởng, khí nhạc, nhạc phim và ca khúc... và đêm qua, những tác phẩm ghi nhiều dấu ấn sâu đậm, là kỷ niệm gắn bó có ý nghĩa đặc biệt với vợ, con, gia đình của nhạc sĩ được vang lên trong đêm mùa Đông Hà Nội.

Tâm nguyện của nhạc sĩ Phú Quang khi còn sống là muốn thực hiện một đêm nhạc cùng dàn nhạc giao hưởng và những người con của ông đã biến ước mơ của Cha trở thành hiện thực. Bởi vậy toàn bộ phần đầu của đêm diễn là dành cho nhạc giao hưởng và nhạc phim...

Khán giả có cơ hội được thưởng thức bản giao hưởng "Tình yêu của biển" sáng tác năm 1976 cho nghệ sĩ flute Hồng Nhung - người vợ thứ hai của ông. Tác phẩm nổi tiếng và thân thuộc với người yêu nhạc vì được chọn là nhạc nền cho chương trình văn nghệ trên làn sóng phát thanh suốt nhiều thập kỷ.

Và nghệ sĩ sáo hàng đầu Việt Nam hiện tại Lê Thư Hương vô cùng xuất sắc khi đưa khán giả đắm say vào biển cả với những câu chuyện tình muôn thuở bằng tiếng sáo tuyệt đẹp và một kỹ thuật điêu luyện.

Khán giả được nghe NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ về quá trình nhạc sĩ Phú Quang viết nhạc cho bộ phim kinh điển "Bao giờ cho đến tháng 10” - 1 trong 18 bộ phim được thế giới bầu chọn là xuất sắc nhất mọi thời đại.

Phần âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang đã chắp cánh cho bộ phim. Hôm nay lần đầu tiên nghe trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng trong sự tưởng nhớ người bạn tài hoa và đứng trong cánh gà, NSND Đặng Nhật Minh xúc động rơi nước mắt.

Ông ngậm ngùi kể lại: "Tôi mời nhạc sĩ Phú Quang viết nhạc cho phim khi anh ấy còn rất trẻ, 35 tuổi – mới tốt nghiệp trường nhạc. Tôi chiếu phim cho Phú Quang xem rồi anh nhận lời viết nhạc. Viết đến đâu anh gọi tôi đến nghe và cùng góp ý, chỉnh sửa. Tôi không nhớ biết bao lần tôi cùng Phú Quang ngồi trên căn gác chưa đầy 10m2 ở con ngõ ở phố Khâm Thiên, con phố ám ảnh bởi trận rải thảm B52 kinh hoàng...".

Hơn 500 khán giả, hầu hết là những người thân yêu, bạn hữu và fan ruột của nhạc sĩ Phú Quang chìm đắm trong niềm xúc động và nỗi nhớ thương khi hình ảnh bộ phim đen trắng tái hiện trên sân khấu, khi những giai điệu đã chắp cánh cho bộ phim bay xa và hình ảnh người đạo diễn 85 tuổi run run kể lại những hoài niệm cũ...

Và tất cả cùng "Ngoảnh lại" với tiếng cello trầm sâu day dứt của nghệ sĩ Trần Thị Mơ... rồi chợt bàng hoàng nhận ra "Ngày xa" với đầm đìa, ngổn ngang, nghẹn ứ trong trái tim của người con gái lớn - nghệ sĩ piano Trinh Hương...tất cả tích tụ thành những giọt dương cầm đổ lệ, vỡ òa rơi trong đêm Đông chạm vào đáy tim khán giả...chỉ có Trinh Hương mới hiểu ngày xa là như thế!

Cô rưng rưng xúc động tâm sự: 'Ông viết bản nhạc năm tôi 14 tuổi, khi tiễn con đi du học. Lúc ấy, ở sân bay, hai bố con cùng khóc như mưa, khiến anh nhân viên hải quan trêu: 'Đi học chứ có đi đâu đâu, phải vui lên chứ!

Ngày đó không có nhiều phương tiện để liên lạc...Hôm nay, khi chơi lại tác phẩm này thì ông lại không còn nữa. Bài hát bố viết cho mình khi chia tay còn hôm nay thì ngược lại: Con gái đánh để gửi lời chia xa Bố”.

Nữ nghệ sĩ piano tài danh làm chủ và đầy uy lực bên cây đàn dương cầm, nhưng khi đứng giữa sân khấu chia sẻ kỷ niệm quý giá về người Cha tài hoa của mình, Trinh Hương trở nên bé nhỏ, mong manh và run rẩy ...hình ảnh đó gây sự xúc động mạnh mẽ và tạo ấn tượng đặc biệt trong đêm nhạc.

Cũng trong đêm nhạc "Phú Quang...mới đây mà đã một đời" khán giả yêu mảng ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang được gặp gỡ người bạn thân thiết của ông, đó là nhà thơ Thái Thăng Long - tác giả được Phú Quang chọn nhiều bài thơ nhất để phổ nhạc, có tới 17 ca khúc, tiêu biểu là Mơ về nơi xa lắm, Chiều Phủ Tây Hồ,Chiều hoang, Muộn, Heo may, Còn trong ký ức...

“Phú Quang có tài hoa nhìn bài thơ ra nhạc, anh nhặt được những viên ngọc trong thơ để bài hát, lời thơ bay xa hơn. Tôi có gần 100 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc nhưng ở Phú Quang chúng tôi tìm đến nhau với sự đồng điệu nhất định.

Tôi và Phú Quang có nhiều kỷ niệm nhưng với riêng ca khúc Chiều Phủ Tây Hồ viết năm 1993, cả hai lúc đó đang sinh sống và lập nghiệp ở Sài Gòn cùng ra Hà Nội chơi. Phú Quang đèo tôi bằng xe máy thăm phủ Tây Hồ.

Trên chuyến bay về lại Sài Gòn tôi đã sáng tác xong bài thơ, vài ngày sau thì Quang đã phổ nhạc và chỉ 10 ngày sau nữa là NSND Lê Dung đã lên thu ngay bài hát này. Đây là bài thơ Phú Quang phổ nhạc và thu nhanh nhất trong những tác phẩm của tôi.

Năm 2018, khi lần cuối nhạc sĩ Phú Quang bay vào TP HCM, cả hai chúng tôi cùng soạn bài Còn trong ký ức. Lúc chia tay ở sân bay ôm nhau khóc. Một năm sau...Phú Quang bắt đầu ngã bệnh, và ca khúc đến nay vẫn chưa được thu âm...".

Đêm nhạc lựa chọn 2 giọng ca là Tùng Dương và Ngọc Anh chuyển tải 12 ca khúc tiêu biểu trong kho tàng ca khúc đồ sộ của Phú Quang như... Mẹ, Em ơi! Hà Nội phố, Chiều phủ Tây Hồ, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Tôi muốn mang Hồ Gươm đi, Trong giấc mơ xưa, Đêm ả đào...

Tùng Dương mang đến sự bất ngờ khi anh là người được chọn lựa giới thiệu ca khúc mới "Mai đành xa sông Thương thật thương" lần đầu tiên trên sân khấu.

Anh bồi hồi kể lại: "Sau khi đoạt giải Sao Mai điểm hẹn được nhạc sĩ Phú Quang mời hát và dặn "cháu đừng lên đồng với các tác phẩm của chú, cứ hát giản dị là được". Lần thứ 2, sau khi biểu diễn bài Mẹ, vào cánh gà nhạc sĩ Phú Quang ôm chầm lấy nam ca sĩ và khen "cháu hát rất tốt".

Câu chuyện xúc động mà nhà thơ Thái Thăng Long kể lại về ca khúc "Mơ về nơi xa lắm" có lẽ đã giúp ca sĩ Ngọc Anh có thêm nhiều cảm xúc để khi chị cất tiếng hát lên cả khán phòng như òa vỡ...

Nhà thơ Thái Thăng Long kể rằng được nhạc sĩ Phú Quang sáng tác từ tứ thơ của bài Yêu Hà Nội. ‘’Khi đọc được bài thơ của tôi, Phú Quang bảo kỷ niệm về tình yêu cũng giống như nhớ về Hà Nội. Quang viết xong thì gọi tôi đến nhà, trong chiếc áo may ô, Quang bật chiếc điều hoà cũ cho đỡ nóng và cùng tôi trao đổi về ca khúc.

Hơn 1 tiếng đồng hồ, tôi và Quang loay hoay sửa lời. Khi Quang nói với tôi rằng bài hát hoàn thành rồi đó là lúc tôi nhìn thấy nước mắt cậu ấy rơi. Phú Quang là người hay khóc. Tôi cũng là người nhiều cảm xúc nên bài hát đó chứa đựng những giọt nước mắt hạnh phúc của hai người đàn ông sau khi hoàn thành bài hát được viết chung".

Ca sĩ Ngọc Anh với chất giọng khan đặc trưng quý hiếm đã lột tả trọn vẹn cảm xúc và tinh thần âm nhạc của Phú Quang, chị vẫn là giọng hát nữ được tác giả tin tưởng và tín nhiệm tuyệt đối.

Nghệ sĩ piano Trinh Hương hiểu tâm nguyện của Cha mình. Trước khi đổ bệnh, ông viết di chúc, trao gia tài âm nhạc cho con gái cả, dặn dò cô cùng các em duy trì những đêm nhạc thường niên như khi ông còn sống. 

Và đêm qua "Phú Quang... mới đây mà đã một đời" là show diễn thứ 2 mà những người con của ông phối hợp tổ chức. Con gái cả Trinh Hương chịu trách nhiệm sản xuất. Hai em cùng bố khác mẹ với cô là Giáng Hương biên tập nội dung, Phú Vương thiết kế các ấn phẩm liên quan.



Đêm nhạc khép lại với bài hát Ngọn nến - ca khúc mà khi còn sống nhạc sĩ Phú Quang luôn lựa chọn để làm bài hát kết thúc chương trình. Và đêm qua những ngọn nến được thắp lên không mong manh như lời bài hát mà ấm áp, lung linh...trên sân khấu, tất cả những người con và các cộng sự thân thiết cùng thắp lên nỗi nhớ, lòng biết ơn Phú Quang - vì sao chính phương dải ngân hà huyền diệu.

"Dẫu một mai tình xa trong đắng cay
Sẽ còn mãi những phút giây này..."

Ngân An. Ảnh: Hòa Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu