17:38 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngày thứ 23, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng

08:17 25/09/2020

(THPL) - Sáng 25/9, Việt Nam tiếp tục không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến nay đã 23 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng.

Tính đến 6h ngày 25/9: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca. Tính từ 18h ngày 24/9 đến 6h ngày 25/9: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Về tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 991 bệnh nhân COVID-19/1.069 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 4 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 14 ca, số ca âm tính lần 3 là 12 ca.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này chúng ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Ngày thứ 23, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng (ảnh minh họa)

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 21.842, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.653; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.586 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 6.603.

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, liên quan đến vấn đề kiểm soát dịch bệnh tại nước ta, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều qua, các chuyên gia cho rằng hiện nay Việt Nam tiềm ẩn 4 nguồn có nguy cơ lây nhiễm lớn nhất. Cụ thể gồm: Đối tượng nhập cảnh trái phép, đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh.

Trong đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhận định nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ đối tượng nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.

Ở trong nước, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu như vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người. Bên cạnh đó, tâm lý trong xã hội lại bắt đầu xuất hiện có sự chủ quan, lơ là sau khoảng 3 tuần nước ta không ghi nhận ca nhiễm mới.

Về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đến sáng 25/9, thế giới đã ghi nhận trên 32,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 986.000 người đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 với hơn 7,1 triệu ca mắc và trên 207.200 người tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận hơn 33.400 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới.

Đứng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á về số ca mắc COVID-19 là Ấn Độ với hơn 5,8 triệu trường hợp. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã có thêm gần 86.000 ca nhiễm mới. Hiện trên 92.300 người đã thiệt mạng vì dịch bệnh tại quốc gia này.

Trong khi đó, tại tâm dịch lớn thứ 3 thế giới Brazil, trên 4,6 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó gần 30.000 trường hợp đã không qua khỏi. Trong ngày qua, Brazil đã ghi nhận hơn 29.900 ca mắc COVID-19 mới.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu