07:19 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành du lịch đẩy mạnh quảng bá, hướng đến mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế

Tuấn Minh (t/h) | 13:34 13/07/2023

(THPL) - Để đạt mục tiêu toàn ngành du lịch đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, thời điểm này, các doanh nghiệp lữ hành cũng đã chuẩn bị đa dạng các phương án như xây dựng các sản phẩm tour dài ngày, các sản phẩm du lịch mới hay xây dựng các tour liên tuyến.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 6/2023, Việt Nam đón 975.000 lượt khách quốc tế, tăng 6,4% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, ngành du lịch phục vụ 5,57 triệu lượt khách quốc tế, đạt khoảng 69% kế hoạch năm 2023 và bằng khoảng 66% cùng kỳ năm 2019...

Liên quan đến chính sách về đón khách quốc tế, mới đây, Quốc hội đã nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày và không không giới hạn số lượng nhập, xuất cảnh. Cùng với đó, thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực cũng được nâng từ 15 lên 45 ngày.

Ngành du lịch đẩy mạnh quảng bá, hướng đến mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh minh hoạ

Theo đánh giá của ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/8 sẽ là động lực lớn để hút khách quốc tế. Theo đó ông dự báo thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhất là vào mùa cao điểm cuối năm. “Khả năng cao ngành du lịch sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm nay”, ông Siêu nói.

Chính sách mới cũng được các doanh nghiệp dịch vụ kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích thúc đẩy ngành du lịch, đặc biệt là luồng khách du lịch quốc tế sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Còn theo đại diện một doanh nghiệp lữ hành, thời gian lưu trú kéo dài thêm 60 ngày, cùng với việc mở mới các sản phẩm du lịch trải nghiệm theo yêu cầu của du khách khiến mức chi tiêu của khách cũng tăng lên.

Mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, so với năm 2019, Việt Nam đón gần 19 triệu lượt khách quốc tế, hiện tại, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được mức giống như trước đại dịch. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam đang cạnh tranh với du lịch Thái Lan. Hiện, quốc gia này có nhiều chính sách ưu đãi để kích cầu du lịch, hút khách quốc tế nhằm đạt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách cuối năm nay. Do đó, Việt Nam cần có những chiến lược đột phá để tăng sức cạnh tranh và đạt được mục tiêu.

Trong nửa cuối năm, ngành du lịch Việt Nam cần đón khoảng 2,4 triệu lượt khách quốc tế để đạt mục tiêu 8 triệu lượt trong năm nay, thời điểm này, các doanh nghiệp lữ hành đã chuẩn bị đa dạng phương án như: xây dựng các sản phẩm tour dài ngày, các sản phẩm du lịch mới hay xây dựng các tour liên tuyến để hút khách quốc tế.

Hiện nay, các địa phương cũng đang đẩy mạnh hoạt động kết nối, quảng bá du lịch địa phương. Điển hình, mới đây, lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM đã thực hiện hoạt động quảng bá du lịch tại Bangkok (Thái Lan) và Phnompenh (Campuchia). Tại Campuchia, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thành phố là một trong những địa phương có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi với nước bạn Campuchia, cùng với chính sách miễn thị thực cho các thành viên của khối ASEAN. TP.HCM – Phnompenh sẽ là điểm đến quen thuộc của khách du lịch của hai quốc gia.

Và để đạt được mục tiêu 8 triệu khách du lịch vào cuối năm, Việt Nam sẽ vẫn cần phải cải thiện ở một số lĩnh vực để tối đa hóa tiềm năng của mình. Bởi, du lịch là nền kinh tế hội nhập, bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, sự phối hợp giữa các bộ, ngành phải chặt chẽ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, kể cả hệ thống đường cao tốc, đường sắt, đường bộ cũng phải đáp ứng được sự phát triển của du lịch.

Trước đó, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng có đánh giá công tác xúc tiến, quảng bá thị trường quốc tế, Bộ trưởng đề nghị ngành cần tập trung vào một số hội chợ lớn từ nay đến cuối năm ở Trung Quốc, Nhật Bản, kết nối với các bộ, ngành, địa phương để cùng tham gia, đồng thời gắn với các hoạt động văn hóa để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...

Về hoạt động du lịch trong nước, các địa phương cần tăng cường quản lý điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, quảng bá thông điệp “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”; phải xử lý nghiêm những vi phạm, tình trạng chặt chém du khách; tập trung kích cầu thị trường nội địa, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội để thu hút du khách đến tham gia, trải nghiệm.

Cùng với đó các địa phương cần tăng cường quan tâm, đôn đốc, kiểm tra, coi phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; tham mưu cho Chính phủ xem xét ưu tiên nguồn lực cho phát triển du lịch, huy động sức mạnh xã hội, đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu