01:36 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nâng cao hiệu quả hoạt động lấy lời khai của lực lượng công an cấp xã trong hoạt động điều tra hình sự

Trung tá, TS Đỗ Thị Phương Thanh | 20:35 18/11/2024

(THPL) - Trải qua gần 73 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Công an xã luôn thể hiện vai trò bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn, tham mưu, giải quyết tốt những vụ việc phức tạp về ANTT ngay từ cơ sở không để phát sinh phức tạp.

Trải qua gần 73 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Công an xã luôn thể hiện vai trò bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn, tham mưu, giải quyết tốt những vụ việc phức tạp về ANTT ngay từ cơ sở không để phát sinh phức tạp. Đặc biệt, từ khi Chính phủ, Bộ Công an triển khai đưa Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã và Bộ luật Tố tụng Hình sự được sửa đổi, bổ sung năm 2021 xác định Công an xã có thẩm quyền tiếp nhận, xác minh sơ bộ ban đầu đối với tố giác, tin báo về tội phạm để kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm ngay từ sớm. Trong đó, lấy lời khai là một trong những hoạt động điều tra rất quan trọng được tiến hành thường xuyên, đối với mọi loại tội phạm và được thực hiện ngay từ giai đoạn ban đầu. Trong bài viết, tác giả phân tích, làm rõ về hoạt động lấy lời khai của Công an xã, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động lấy lời khai của Công an xã trong thời gian tới.

Trung tá, TS Đỗ Thị Phương Thanh

Khoa nghiệp vụ điều tra hình sự - Học viện Cảnh sát nhân dân

Lực lượng Công an xã ra đời khi Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Nghị định số 438 NV/NĐ ngày 10/10/1950 về “Tổ chức Ban Công an xã”. Hiện nay, Công an xã được xác định là một cấp Công an trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân theo quy định tại Điều 17 Luật Công an nhân dân năm 2018. Về thẩm quyền của Công an xã trong hoạt động điều tra hình sự theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 sửa đổi , bổ sung năm 2021 quy định cụ thể như sau:

Khoản 3, Điều 146 quy định: “Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận, tố giác, tin báo về tội phạm”. Điều 111 quy định: “Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”. Khoản 3, Điều 112 quy định: “Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”. Đây là những nội dung được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm xây dựng tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công an xã. Khoản 3, Điều 111 quy định lực lượng Công an xã đã và đang trực tiếp tham gia hoặc phối hợp với cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra hình sự như: Tổ chức tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, ngăn chặn tội phạm tiếp tục xảy ra, tổ chức cấp cứu người bị hại, bảo vệ hiện trường; rà soát, lấy lời khai người bị bắt, người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...; thu giữ, bảo quản vật chứng; phối hợp rà soát, xác minh các thông tin cần thiết, hỗ trợ Cơ quan điều tra tiến hành triệu tập người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác, thông báo các lệnh, quyết định tố tụng hình sự, bảo đảm tình hình ANTT tại địa điểm Cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra, các biện pháp ngăn chặn; tham gia tích cực vào công tác truy nã bị can, truy tìm người, vật chứng phục vụ có hiệu quả cho hoạt động điều tra vụ án hình sự. Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, lực lượng Công an xã là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nắm tình hình và giải quyết tình hình an ninh, trật tự nhanh nhất tại địa bàn cơ sở, đóng vai trò rất quan trọng trong các mặt công tác Công an, trong đó có hoạt động điều tra hình sự.

Thực hiện chủ trương của Bộ Công an theo Phương án số 01/PA-BCA ngày 10/7/2023 về triển khai tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân và bảo đảm nguồn bổ nhiệm Điều tra viên xác định: “Trước mắt bố trí 01 Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã, tiến tới bố trí từ 02 Điều tra viên trở lên là Phó trưởng Công an cấp xã hoặc cán bộ Công an cấp xã”. Như vậy, thời gian tới căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có thể xác định vai trò của lực lượng Công an xã trong hoạt động điều tra vụ án hình sự là rất quan trọng, mang tính toàn diện, trực tiếp tham gia các hoạt động điều tra ban đầu và có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm về sau. Trong các hoạt động đó, lấy lời khai của những người tham gia tố tụng hình sự là một trong những hoạt động điều tra được tiến hành phổ biến, thường xuyên, ngay từ giai đoạn ban đầu, được sử dụng một hoặc nhiều lần trong quá trình điều tra, xác minh đối với mọi loại tội phạm nên cần được đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị kỹ lưỡng cho lực lượng Công an xã.

Có thể hiểu, lấy lời khai những người tham gia tố tụng hình sự của lực lượng Công an xã là hoạt động được tiến hành bằng cách thu thập theo trình tự tố tụng hình sự lời khai của những người tham gia tố tụng hình sự về những tình tiết của vụ án, vụ việc đang được điều tra, xác minh và những thông tin, tài liệu khác mà người tham gia tố tụng hình sự biết, có ý nghĩa đối với hoạt động điều tra, xác minh và phòng ngừa tội phạm. Theo quy định tại điều 55Bộ luật TTHS có 20 người tham gia trong tố tụng khác nhau. Tuy nhiên, dưới cả góc độ lý luận và thực tiễn, diện người tham gia tố tụng mà Công an xã thường tiến hành lấy lời khai bao gồm: Người tố giác, báo tin về tội phạm; người bị tố giác, người bị bắt, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vụ việc, người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Để hoạt động lấy lời khai đạt hiệu quả thì trước khi tiến hành cán bộ lấy lời khai cần xác định được những vấn đề cần phải chứng minh, làm rõ và khả năng hiểu biết của người được lấy lời khai về nội dung, diễn biến và các tình tiết có ý nghĩa đối với việc làm rõ tội phạm. Từ đó xác định phạm vi những vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình lấy lời khai, lựa chọn và áp dụng những biện pháp thích hợp để khai thác mọi sự hiểu biết của người tham gia tố tụng về những tình tiết của vụ án, vụ việc đang được điều tra, xác minh. Quá trình lấy lời khai phải được thu thập, ghi chép, kiểm tra, đánh giá hết sức thận trọng, khách quan theo đúng trình tự tố tụng hình sự đảm bảo cả ba thuộc tính của chứng cứ để sử dụng trong quá trình chứng minh, làm rõ sự thật của vụ án, vụ việc đang được điều tra, xác minh. Khi phát hiện vấn đề còn mâu thuẫn, chưa được làm rõ thì cần tập trung khai thác, đấu tranh để làm rõ các nội dung, tình tiết có liên quan đến vụ án, vụ việc đang được điều tra, xác minh. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, xuất phát từ trình độ đào tạo, năng lực công tác và kinh nghiệm trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an xã chưa đồng đều, ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ được giao nhiệm vụ. Do đó hiệu quả hoạt động lấy lời khai của lực lượng Công an xã vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như: Chưa làm rõ được những vấn đề phải chứng minh, chưa có tính logic, khoa học, chưa đấu tranh, khai thác triệt để các nội dung, diễn biến, tình tiết liên quan đến vụ án, vụ việc mà người tham gia tố tụng biết... Để nâng cao hiệu quả hoạt động lấy lời khai người tham gia tố tụng của lực lượng Công an xã đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu của hoạt động điều tra vụ án hình sự trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

 - Một là, tăng cường lực lượng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã.

Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, Chính phủ và Bộ Công an về việc kiện toàn, sắp xếp lại mô hình tổ chức, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an nhân dân các cấp với phương châm: “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Từ năm 2019 đến nay, Công an các địa phương đã đồng loạt triển khai thực hiện chủ trương đưa Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Lực lượng Công an xã ngày càng được quan tâm bổ sung về số lượng và đào tạo nâng cao chất lượng, trang bị các phương tiện nghiệp vụ đảm bảo phục vụ có hiệu quả hoạt động điều tra hình sự. Đặc biệt là, nhiều đồng chí có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm điều tra của cơ quan điều tra đã được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng, Phó Công an xã và làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại Công an xã. Tuy nhiên, xét về biên chế và chất lượng cán bộ của Công an xã chưa đồng đều, nhiều đồng chí chưa được đào tạo nghiệp vụ Công an, kinh nghiệm còn ít, trình độ nghiệp vụ còn thấp, chưa có ý thực tự học, tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, khối lượng công việc của Công an xã rất lớn khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị tại địa phương, thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, cấp mã định danh điện tử và nhiều nhiệm vụ khác đã gây ra tình trạng quá tải về công việc nên việc đơn vị tổ chức bố trí thời gian dành riêng cho CBCS Công an xã thường xuyên, chuyên tâm học tập nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ là không khả thi. Trình độ chuyên môn, năng lực truyền đạt kinh nghiệm của lãnh đạo, chỉ huy còn hạn chế, nhất là đối với các tội phạm có phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Điều đó, đòi hỏi cần phải tăng cường lực lượng, bổ sung biên chế cho Công an xã, thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn để nâng cao trình độ cho cán bộ chiến sĩ về công tác điều tra hình sự nói chung và lấy lời khai nói riêng để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ lâu dài, phù hợp với giai đoạn hiện nay. Căn cứ vào tình hình thực tế, Công an các đơn vị, địa phương cần phối hợp với các Học viện, nhà trường tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cho lực lượng Công an cấp xã; trong đó tập trung vào các kỹ năng: Xác định phạm vi hiện trường, bảo vệ hiện trường; xác định, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng; phát hiện, thu thập, bảo quản vật chứng; phát hiện, vận động, bắt giữ đối tượng truy nã tại địa bàn. Đồng thời, phải thường xuyên tập huấn cho lực lượng Công an xã hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động điều tra vụ án hình sự thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Việc hướng dẫn cho Công an cấp xã phải cụ thể, trực tiếp với phương châm “dễ hiểu, dễ thực hiện và thực hiện được ngay”, tránh chung chung, khó khăn trong quá trình thực hiện.

 - Hai là, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động điều tra hình sự nói chung, hoạt động lấy lời khai người tham gia tố tụng nói riêng cho lực lượng Công an xã hoạt động lấy lời khai người tham gia tố tụng nói riêng.

Theo quy định trước đây, nhiều cán bộ Công an xã chưa nhận thức hết trách nhiệm trong hoạt động điều tra hình sự nói chung. Nhưng sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, Công an xã có thẩm quyền “tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ” đối với tin báo trước khi chuyển Cơ quan điều tra, tương đương với nhiệm vụ của Công an phường. Và tới đây sẽ bổ nhiệm chức danh Điều tra viên cho một số cán bộ Công an xã. Tức là khi có vụ việc xảy ra có dấu hiệu tội phạm, Công an cấp xã có quyền thực hiện các biện pháp điều tra, xác minh ban đầu như: Lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, bị hại, người làm chứng và những người có liên quan; xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả, thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, sau đó chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp tục điều tra trong thời hạn không quá 07 ngày. Các tài liệu do Công an cấp xã thu thập được sử dụng làm căn cứ để chứng minh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Điều đó cho thấy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an xã trong hoạt động điều tra hình sự ngay từ ban đầu.

 Lực lượng Công an xã cần phải có nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động lấy lời khai, nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu, chứng cứ đã thu thập được về vụ án, vụ việc đang được điều tra, xác minh. Từ đó phân tích, xác định những vấn đề cần phải làm rõ khi lấy lời khai, nghiên cứu và nắm vững các tình tiết phản ánh về đặc điểm nhân thân, tính cách, sở thích,... những yếu tố có tác động tới tâm lý người được lấy lời khai. Trên cơ sở những thông tin, tài liệu đã nghiên cứu, tiến hành xây dựng kế hoạch lấy lời khai chi tiết, cụ thể, xác định các phương pháp, cách đặt câu hỏi trong từng trường hợp để đảm bảo tính chủ động khi tiến hành lấy lời khai. Trong quá trình lấy lời khai cần đảm bảo tuân thủ đúng theo trình tự, thủ tục của pháp luật cũng như cần phải cẩn trọng, kỹ lưỡng, tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội mà không chi tiết và cụ thể hóa, tránh thái độ không nghiêm túc, thiếu trách nhiệm, dẫn đến tồn tại những thiếu sót trong công tác chuẩn bị, làm buổi lấy lời khai không đạt kết quả như mong muốn. Trong trường hợp người tham gia tố tụng không hợp tác hoặc khai báo gian dối cần phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thái độ khai báo đó của họ để có những biện pháp tác động tâm lý, thuyết phục động viên họ hợp tác khai báo thành khẩn hoặc sử dụng chứng cứ để đấu tranh, làm rõ những nội dung còn mâu thuẫn. Chỉ huy Công an xã cần quan tâm sát sao, có sự hướng dẫn cụ thể đối với những cán bộ trẻ, ít kinh nghiệm để lấy lời khai đạt hiệu quả cao nhất.

- Ba là, cần sớm ban hành luật Công an xã và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Công an xã

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Công an xã như: Luật Công an nhân dân năm 2018; Pháp lệnh Công an xã năm 2008; Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Công an xã... Các văn bản này quy định chung về vị trí, vai trò, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và nhiệm vụ của Công an xã đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, chưa thống nhất, đồng bộ. Như vậy, rõ ràng, địa vị pháp lý của Công an xã đang bị chồng chéo bởi nhiều quy định khác nhau, lại chưa thống nhất. Do đó, những hạn chế, vướng mắc này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở địa bàn xã, trong đó có hoạt động điều tra hình sự nói chung và lấy lời khai nói riêng của Công an xã.

Luật Công an xã khi được ban hành sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tổ chức hoạt động của lực lượng này, đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm tại các địa bàn cơ sở trong tình hình mới.

- Bốn là, tăng cường các điều kiện về vật chất, kỹ thuật cho Công an xã, thực hiện tốt chế độ chính sách, chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với lực lượng Công an xã.

Trong thời gian tới cần nghiên cứu đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền đầu tư hơn nữa cho lực lượng Công an xã về trụ sở làm việc; công cụ, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng nhằm hỗ trợ, phục vụ tích cực cho hoạt động điều tra hình sự như: Trợ lý ảo cho Công an xã, phần mềm điều tra hình sự... Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, cuộc thi về lý thuyết và thực hành cho Công an xã trong hoạt động điều tra hình sự nói chung và lấy lời khai nói riêng. Đồng thời, để cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng này có thể yên tâm công tác, phát huy tinh thần được tầm quan trọng của lực lượng Công an cấp xã trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ngay tại cơ sở; kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội, thu thập tài liệu, điều tra ban đầu của Công an cấp xã sẽ góp phần quan trọng trong quá trình giải quyết vụ việc, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện phức tạp kéo dài, gây mất ổn định tình hình ANTT. trách nhiệm, tập trung cao độ vào công tác chuyên môn, cần kiến nghị cấp trên quan tâm chế độ thi đua, khen thưởng và đáp ứng kịp thời nhu cầu vật chất, tinh thần cho lực lượng Công an xã dựa trên quy định của Nhà nước, ngành Công an./.

Trung tá, TS Đỗ Thị Phương Thanh 

Khoa nghiệp vụ điều tra hình sự - Học viện Cảnh sát nhân dân

Tài liệu tham khảo:

[1] Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
[2] Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021.
[3] Phương án số 01/PA-BCA ngày 10/7/2023 của Bộ Công an về triển khai tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân và bảo đảm nguồn bổ nhiệm Điều tra viên.

Trung tá, TS Đỗ Thị Phương Thanh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu