06:56 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nậm Rốm khúc tráng ca tuổi trẻ Điện Biên

Theo báo Tuổi trẻ | 14:34 16/07/2020

Nhân 70 năm thành lập lực lượng TNXP (15-7-1950 - 15-7-2020), chúng tôi trở lại một trong những công trường mang nặng dấu ấn của lực lượng thanh niên xung phong, gặp lại những chàng trai, cô gái năm xưa rời thủ đô lên với vùng Tây Bắc. Nay họ đã thành những cụ ông cụ bà tuổi gần đất xa trời, nhưng nhắc tới thuở "hai bàn tay ta làm nên tất cả", ánh mắt ai cũng sáng lên, ngỡ như đang trở về thời mười tám đôi mươi và nồng nàn lý tưởng tuổi trẻ.

Hơn 50 năm trôi qua, đại thủy nông Nậm Rốm - công trình thủy lợi lớn thứ hai ở miền Bắc, công trình mang đậm dấu ấn sức trẻ của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) tại Điện Biên vẫn ngày đêm đưa nước về tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh.

Đã có một thời từ hậu phương lớn miền Bắc, thế hệ trẻ chia đôi, một nửa đi ra chiến trường chiến đấu giành tự do độc lập, một nửa lên với Tây Bắc xa xôi khai mở những chân trời. Sự hy sinh nơi hòn tên mũi đạn chiến trường là lớn, nhưng hy sinh trong công cuộc dựng xây không phải nhỏ.

"Tháng 10-1963, công trường đại thủy nông Nậm Rốm khởi công, khi đó Điện Biên đang còn là một huyện thuộc tỉnh Lai Châu. Ngoài đồng bào bản địa, lực lượng xây dựng Điện Biên "biến chiến trường thành nông trường" hầu hết là anh em bộ đội tham gia giải phóng Điện Biên, rồi ở lại.

Khi xây dựng công trình thủy nông Nậm Rốm, trung ương Đoàn kêu gọi và huy động lực lượng thanh niên các tỉnh đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội lên đường, góp sức trẻ dựng xây cuộc sống mới", vừa dẫn đường đưa chúng tôi ra thăm đập đầu mối Nậm Rốm, ông Trần Công Chính, chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên vừa hồi tưởng những ngày đầu gian khó, mà chính ông, một chàng trai 17 tuổi ngày ấy đã lên đây, bám trụ và sống cùng mảnh đất này từ bấy đến nay đã hơn nửa thế kỷ.

"Để bước đầu tạo dựng hình hài của "mạch sống Điện Biên", công việc của chúng tôi làm đầu tiên là xây dựng đập chính dâng nước. Khó khăn nhất là phải ngăn dòng, chặn đứng dòng chảy cả một dòng sông Nậm Rốm với sức nước mạnh và hung hãn, trong khi việc thi công lại hoàn toàn thô sơ, thủ công và liên tục bị bom đạn của kẻ địch bắn phá.

Doanh trại của các tổ, đội phải sơ tán vào rừng khu vực bên trong hồ Huổi Phạ (suối Trời) để tránh máy bay, pháo sáng của địch oanh tạc. Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mọi người thiếu thốn vô cùng, khi cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, mùa đông của núi rừng Tây Bắc lạnh đến nhức buốt chân tay. Liên tục nhiều tháng liền trong năm, anh em TNXP phải ăn măng đắng, rau rừng và ngô (bắp).

Tuy nhiên, lực lượng tham gia xây dựng công trình đã quyết tâm thực hiện khẩu hiệu "ba bù" (bù mưa, bù ốm, bù phòng không) để tăng ca, đẩy giờ làm việc lên đạt từ 10 đến 12 giờ lao động/ngày. Để làm đập chính, thời điểm đông nhất có tới trên 500 TNXP. Sau gần 3 năm mới xong cái đập chính", ông Chính bồi nhớ lại.

Ông Nguyễn Duy Khang (80 tuổi, P.Nam Thanh, TP Điện Biên), một cựu TNXP tháng Tám thủ đô, bồi hồi: "Khi đó mới khoảng 22 tuổi, đang là công nhân cơ khí của Xí nghiệp cơ khí 37 La Thành, nghe tiếng loa kêu gọi, tôi tình nguyện viết đơn tham gia. Khi đó tôi là anh cả, dưới tôi còn 5 em nhỏ nữa, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi vì khí thế sôi sục lắm, chúng tôi thanh niên trai tráng cũng háo hức lắm.

Khi tôi được chọn, nhiều đứa bạn vẫn thắc mắc không hiểu sao tôi nhà ngay Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lại dám rời xa gia đình, xa thủ đô để đến vùng "ruồi vàng bọ chó, gió Tây Trang". Tại công trường khi đó, cứ ban ngày, khi có máy bay địch, chúng tôi sơ tán vào rừng, ban đêm, từ khoảng 8h tối, chúng tôi đập đá dăm thủ công, gánh đất... đến tận sáng hôm sau.

Ngày đó, hầu hết anh chị em chúng tôi phải lấy quần áo quấn vào đòn gánh, cho đỡ đau vai, nhưng vai và bàn chân rơm rớm máu. Đêm ra suối, chúng tôi phải tắm bằng lá cơi, lá xoan để chống lại với các loại bệnh như hắc lào, mẩn ngứa, ghẻ lở. Nhiều đêm mưa, nằm ngủ trong lán, nhiều anh em đã bị vắt xanh bu quanh bụng, hút máu chảy loang, thấm ướt áo quần."

Ông Khang kể khi đó làm việc tất cả chỉ thủ công bằng tay, chưa có máy móc gì. Trong lao động thanh niên xung phong tự mày mò sáng kiến cải tiến công cụ sản xuất để tăng năng suất lao động, như chọn làm cán xẻng phải cong khoằm để cào đất vào sọt nhanh hơn; dùng cẩu bằng cây tre dài để di chuyển đất đá từ vị trí cách nhau 10m mà không phải gánh bộ; dùng ròng rọc động để vận chuyển đất từ đỉnh đồi xuống thấp cho năng suất vượt tới 300%; đóng máng gỗ để tuồn đất, đá, bêtông vào vị trí xây dựng...

Những câu chuyện về chế độ cho TNXP hy sinh chúng tôi cũng đã từng chứng kiến khi thực hiện loạt bài về cung đường Hạnh Phúc ở Hà Giang. Những TNXP hy sinh trên cung đường Hạnh Phúc phải hơn nửa thế kỷ sau mới được công nhận là liệt sĩ, đến mức có liệt sĩ được nhận bằng Tổ quốc ghi công nhưng không tìm ra thân nhân để thờ tự, tấm bằng tri ân sự hy sinh ấy được địa phương đem về treo ở trụ sở UBND xã.

Bởi thế, khi thắp nén nhang trong khuôn viên - nơi an nghỉ của những anh chị em TNXP hy sinh khi xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm chúng tôi vẫn khấn thầm có một ngày, thay cho những thủ tục rườm rà, những người hy sinh trên công trường này xứng đáng được công nhận là liệt sĩ.

Theo báo Tuổi trẻ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu