09:57 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nam Định: Trạm xử lý nước thải làng nghề trị giá gần 90 tỷ đồng bị bỏ hoang

22:03 03/06/2022

(THPL) - Trạm xử lý nước thải tập trung tại thôn Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được đầu tư thi công cách đây cả chục năm nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động.

Theo báo cáo năm 2021 của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Nam Trực, làng nghề Bình Yên có nghề cơ khí, đúc nhôm từ năm 1989. Đến nay, có 223/446 hộ, chiếm 49,7% tổng số hộ đang hoạt động với các ngành nghề gồm: Tái chế vỏ lon bia, đánh bã; cô đúc dát; cán máy, kéo và tạo hình, nhúng tẩy rửa... Lực lượng lao động của làng nghề có khoảng 2.000 người.

Trong quá trình sản xuất với công nghệ tự phát, lạc hậu, thiếu đồng bộ đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Mỗi tháng, làng nghề Bình Yên xả thải ra môi trường 7.5 nghìn mét khối nước thải có lẫn hóa chất, 300 mét khối chất thải rắn (xỉ nhôm). Lượng chất thải độc hại từ quá trình sản xuất hàng tháng lên tới 39,59 tấn. Nguồn nước thải chảy thẳng vào các con mương, sông mà không qua xử lý.

Đứng trước thực trạng đó, năm 2013, làng nghề Bình Yên đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt tổng mức đầu tư cho dự án khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường với tổng kinh phí 95,8 tỷ đồng do Sở TN-MT làm chủ đầu tư. Năm 2014, UBND tỉnh Nam Định ra Quyết định số 924/QĐ-UBND điều chỉnh tổng mức đầu tư xuống 88,9 tỷ đồng. Dự án được chính quyền gia hạn thời gian thực hiện từ ngày 23/1 đến ngày 31/12/2017 theo Quyết định số 2535/QĐ-UBND và 220/QĐ-UBND.

Tuy đã hoàn thiện nhiều năm nhưng đến nay hệ thống thu gom nước thải vẫn “đắp chiếu”

Một trong những hạng mục chính của dự án là xây dựng hệ thống thu gom nước thải; xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung với kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại địa phương. , chưa đi vào hoạt động gây lãng phí tài sản, ngân sách của Nhà nước.

Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Trưởng phòng TN-MT cho biết, Trạm xử lý nước thải tập trung chưa đưa vào sử dụng được là do thiết kế công suất chưa phù hợp, khi số lượng nước thải làng nghề cộng với nước thải sinh hoạt vượt mức công suất thiết kế 500 mét khối/ngày. Hệ thống kênh dẫn nước đến nhà máy dài 6,4km bị bùn, xỉ thải lấp đấy ngăn dòng chảy, khiến nước không đưa được vào khu vực trạm xử lý nước thải.

Ngoài ra, Trạm xử lý nước thải tập trung cũng thiếu sự đồng hành và đóng góp (trả phí xử lý nước thải) của người dân để nhà máy hoạt động. Lãnh đạo Phòng TN-MT cũng thông tin thêm, tỉnh Nam Đinh đã phê duyệt xây dựng hồ điều hòa để trữ nước thải trước khi đưa vào xử lý.

Một số máy móc, đường ống có dấu hiệu bị rỉ sét do thời gian dài không hoạt động

Tìm hiểu những lý giải của Phòng TN-MT, phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật đã đến làng nghề Bình Yên và UBND xã Nam Thanh. PV nhận thấy con kênh dẫn nước thải về nhà máy bị bùn lấp kín, nước thải tẩy rửa từ các hộ sản xuất không chảy được vào trạm xử lý, dẫn đến dòng nước chảy tràn sang các con kênh, có những doạn dòng nước bị đổi màu xanh lục. Mùi hôi của axit, nước thải sinh hoạt bốc lên nồng nặc gây khó chịu. Tại Trạm xử lý nước thải tập trung, một số máy móc, đường ống có dấu hiệu bị rỉ sét do thời gian dài không hoạt động, các phòng chứa đựng hóa chất và thiết bị đã hỏng do không có người vận hành. Người của hợp tác xã môi trường đã tân dụng cơ sở vật chất của trạm để nuôi nhốt gà.

Nói về Trạm xử lý nước thải tập trung, ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh cho biết, công trình được Sở TN-MT được đầu tư gần 90 tỉ đồng, Nhiệm kỳ trước, ông Nguyễn Văn Hoãn, nguyên chủ tịch UBND xã Nam Thanh năm 2013 đảm nhiệm chỉ đạo xây dựng công trình này, sau khi hoàn thiện công trình đã vận hành chạy thử nghiệm không quá 3 ngày và bàn giao chìa khóa, khi ông Hoãn còn làm chủ tịch. 

Ông Nguyễn Xuân Tiến cho biết thêm “Hồ điều hòa mới được xây dựng từ năm 2021, chúng tôi trực tiếp giám sát. Nước thải chảy vào hồ, lắng lại trước khi được xử lý. Tuy nhiên, nhà máy có chạy đâu mà xử lý được”, ông Tiến thẳng thắn nói.

Trao đổi với PV, một số lãnh đạo xã Nam Thanh cho biết, tại làng nghề Bình Yên đã cho xây dựng hàng nghìn mét rãnh nước thu gom nước thải xung quanh, gom nước thải công nghiệp và sinh hoạt về một mối. Vậy nhưng, khu vực đặt Trạm xử lý nước thải tập trung cao hơn so với làng nghề, nước thải không chảy đến được. Khi xây dựng hệ thống đường dẫn nước về để xử lý đầu vào, chính quyền và người dân bị đặt vào hoàn cảnh “thà không có còn hơn”.

Vấn đề hiện đang gặp phải hiện nay, ngoài thiết kế công trình, Trạm xử lý nước thải tập trung còn thiếu kinh phí hoạt động. Khi 2 nguồn nước thải do làng nghề, nước sinh hoạt được đưa chung vào một dòng chảy. Người dân chưa thể tán thành việc thu phí đồng nhất giữa 2 loại nước thải riêng biệt.

Nguồn nước các kênh mương tại làng nghề Bình Yên đang bị ô nhiễm nặng

Từ công trình ý lớn mang ý nghĩa tích cực trong việc bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống cho người dân, hoạt động của Trạm xử lý nước thải tập trung làng nghề Bình Yên hiện đang là vấn đề nan giải. Chừng nào chưa được giải quyết triệt để thì ô nhiễm làng nghề vẫn gây ra những hệ lụy xấu như lãng phí tài sản công, gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân. Vậy trách nhiệm của chính quyền ở đâu? Câu hỏi này xin dành cho Sở TN-MT tỉnh Nam Định, Phòng TN-MT huyện Nam Trực và UBND xã Nam Thanh.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này đến bạn đọc.

Trí Dũng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu