00:37 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

"Mơ Rồng": Cuộc thử nghiệm mạo hiểm tham dự Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế Hà Nội 2019

16:48 21/09/2019

(THPL)- Mơ Rồng là tác phẩm mới nhất của Nhà hát Múa rối Thăng Long hoàn thiện, tham dự Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế Hà Nội diễn ra vào ngày 24-28/9.

"Mơ Rồng" sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế Hà Nội 2019 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Vở diễn do đạo diễn Lê Quý Dương viết kịch bản và dàn dựng sẽ là một cuộc thử nghiệm sân khấu thú vị nhưng cũng đầy thách thức trong việc mở rộng không gian và khả năng diễn tả của nghệ thuật múa rối nước truyền thống.

"Mơ Rồng" sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế Hà Nội 2019 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. 

Theo đó, “Mơ rồng” kể lại giấc mơ của một nghệ sỹ tạo hình các nhân vật rối, anh chàng thiếp đi giữa những nhân vật rối dần hoàn thiện. Đó là câu chuyện của Tễu và Rồng Bay trên hành trình vòng quanh trái đất với những đồng cảm, chia sẻ và tìm cách giải quyết các vấn đề nóng bỏng của nhân loại hôm nay: Biến đổi khí hậu; Bắt cóc trẻ em; Rác thải công nghệ; Bệnh tật đói nghèo; Xung đột quyền lực; Tranh chấp đại dương.

Khán giả theo chân Tễu và rồng bay cứu rồng đất từ châu Á sau trận động đất kinh hoàng, chống trả bầy quạ dữ rồi cả ba trở thành bạn đồng hành. Họ gặp gia đình rồng vàng ở châu Âu, giúp vợ chồng rồng vàng bảo vệ đứa con khỏi nanh vuốt diều hâu và chó sói.

Chuyến hành trình còn đưa họ tới châu Phi, cảm hóa rồng lửa. Họ tới châu Mỹ phát hiện âm mưu kích động xung đột và chiến tranh giữa cá sấu và khủng long rồng gió. Ở châu Đại dương, họ cùng rồng nước chiến đấu với đàn cá mập táo tợn để bảo vệ tính mạng và vùng biển. Vở diễn kết thúc với Lễ hội Hòa Bình nơi Tễu và rồng bay mời bè bạn bốn biển, năm châu về quanh Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng Hà Nội.

Vở diễn đầu tư 1 tỷ đồng. 

Chia sẻ về Mơ Rồng, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Một thế giới không bao giờ hết vấn đề như tự thân nó không bao giờ dừng lại. Đời người quá mong manh giữa tạo hóa vĩ đại với hạnh phúc và bất hạnh của loài người tự tạo nghiệp cho chính mình.

 Cũng chỉ là một giấc mơ thôi nhưng tôi muốn kéo lên từ sâu thẳm tâm hồn dân tộc Việt Nam của tôi  một ngôn ngữ nghệ thuật có lịch sử hơn 10 thế kỷ để bày tỏ cảm xúc và khát vọng hòa bình cho một thế giới còn đầy bất công, ô nhiễm, bạo lực, chanh chấp và nỗi tuyệt vọng sinh tồn.

Tất cả muôn loài để sống vẫn đang thở, nhưng không khí đã thay đổi, không còn vẹn nguyên như thuở khai sinh của địa cầu”.

Show diễn này sẽ được trình diễn phục vụ du khách tại Nhà hát Múa rối Thăng Long từ 20/10 này vào các buổi sáng thứ 7 và sáng Chủ Nhật hàng tuần. Có 20 diễn viên tham gia Show Mơ Rồng trong toàn bộ ekip sản xuất là 30 người. Chi phí dựng show diễn hết 1 tỷ với thời gian dựng trong vòng 1 tháng, thời gian đặt mua đạo cụ mất hơn 3 tháng. Tuy nhiên, mỗi chú rối chỉ sử dụng được 3 tháng sau khi diễn.

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, khó khăn nhất khi thực hiện Mơ Rồng là các diễn viên tham gia phải phá tan lối diễn truyền thống thể hiện bằng hình thể, là sự kết hợp giữa hồn và xác và những điều bên trong cùng hòa vào âm nhạc nước ngoài… Chỉ có như vậy mới tạo ra được ngôn ngữ chung, đó là ngôn ngữ quốc tế theo đúng xu hướng phát triển của thế giới “đang xích gần lại nhau hơn”.

Với 20 năm làm việc tại nhà hát, NSƯT Lê Thu Huyền tâm sự, Mơ Rồng là vở diễn đầu tiên chị tham gia với cảm xúc rất đặc biệt bởi phải lồng ghép ngôn ngữ hình thể với biểu diễn rối trong một nền âm nhạc hiện đại để nói về thông điệp Việt Nam là đất nước của hòa bình, ưa chuộng hòa bình.

Với việc đảm nhiệm vai diễn mang hình tượng con rồng đất nặng hơn 10kg, dày đặc các cảnh cả trên cạn và dưới nước chị cũng gặp rất nhiều khó khăn. “Đó là sức nặng của đạo cụ, lần đầu tiên biểu diễn dưới nước mà không có bảo hộ. Tuy nhiên Thu Huyền rất hài lòng với vai diễn vì đã được thỏa sức sáng tạo thể hiện ngôn ngữ hình thể, hòa hợp các động tác biểu diễn rối với âm thanh, ánh sáng và tiếng động để hoàn thành vai diễn với những cảm xúc thăng hoa nhất”.

Chia sẻ thêm, NSƯT Quốc Khanh cho biết, cách dàn dựng mới mẻ của Mơ Rồng, đặc biệt là phương pháp làm việc rất mới của Đạo diễn Lê Quý Dương đã tạo nguồn cảm hứng rất lớn cho anh cùng mọi người hóa thân vào vai diễn.

“Mỗi buổi tập, đạo diễn đều cho diễn viên luyện các bài tập về cách điều khiển khớp cổ tay, chân, lấy hơi… nhằm để đưa vào các động tác hình thể được mềm mại, uyển chuyển.

Tuy nhiên, trước kia chỉ biểu diễn dưới nước nhưng trong Mơ Rồng đã mở rộng không gian biểu diễn cùng việc đòi hỏi kết hợp thể hiện hình thể là những thử thách rất lớn”.

Mơ Rồng” đồng thời cũng là cuộc thử nghiệm kết hợp táo bạo dòng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại của nhạc sĩ nổi tiếng người Úc, Darin Verhagen.

Vở diễn Mơ Rồng là một cuộc thử nghiệm đầy mạo hiểm kết hợp giữa kỹ thuật biểu diễn của diễn viên rối nước, những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre để điều khiển các nhân vật rối truyền thống, trở thành những diễn viên tràn đầy năng lượng và cảm xúc, với kỹ thuật biểu diễn hình thể hiện đại, khi hóa thân thành thể xác, lúc nhập tâm thành linh hồn của các nhân vật rối tưởng vô tri vô giác nhưng thực chất có một đời sống nội tâm và hình thể vô cùng phong phú.

“Mơ Rồng” đồng thời cũng là cuộc thử nghiệm kết hợp táo bạo dòng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại của nhạc sĩ nổi tiếng người Úc, Darin Verhagen, với nghệ thuật biểu diễn múa rối nước truyền thống của Việt Nam, dùng âm nhạc và hiệu ứng âm thanh hiện đại làm nền tảng cho tiết tấu, tạo dựng không gian và khơi dậy nguồn cảm hứng cho diễn viên biểu diễn với nhiều loại hình rối kết hợp như rối nước, rối dây, rối lốt và rối que.

Ngân An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu