14:21 ngày 20/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Máy tính, điện tử và linh kiện trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu

15:01 17/05/2024

(THPL) - Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD. Đây là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (chiếm 16,2%).

Hiện nay, công nghiệp điện tử là ngành trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân, có vị trí then chốt và tác động mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Đó cũng là thước đo trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật của mọi quốc gia trên thế giới. Nắm bắt được tầm quan trọng đó, nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chú trọng vào lĩnh vực này với các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. 

Là nhóm hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Cụ thể, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2022. Đây là nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (chiếm 16,2%).

Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Hồng Kông… Một số thị trường xuất khẩu có kim ngạch tăng so với năm 2022 gồm có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt cao nhất với trị giá 17 tỷ USD; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đứng thứ hai đạt 13,1 tỷ USD; sang thị trường Hàn Quốc đạt khoảng 4,8 tỷ USD; sang thị trường Ấn Độ đạt khoảng 1,95 tỷ USD.

Máy tính, điện tử và linh kiện trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu. Ảnh minh hoạ

Cũng trong năm 2023 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt khoảng 52,4 tỷ USD. Đây là nhóm hàng đứng thứ 2 về kim ngạch trong số các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam (đứng sau nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện), chiếm 14,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác của cả nước đạt gần 43,1 tỷ USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác của khối doanh nghiệp FDI đạt gần 39,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,5% tổng xuất khẩu máy móc của cả nước.

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh là những thị trường lớn xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác của Việt Nam trong năm 2023. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 với kim ngạch đạt gần 18,2 tỷ USD, chiếm 42,2% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác của cả nước. Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác sang thị trường EU xếp thứ hai, đạt 5,54 tỷ USD. Trong đó, Hà Lan và Đức là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Trong 4 tháng đầu năm 2024 có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu) và chiếm trên 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024.

Xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, tác động lan tỏa đến phát triển các ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động, nâng cao trình độ sản xuất trong nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. 

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa …

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu