20:46 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

“Mảnh ghép” PC1 tại Cao Bằng: Dự án thủy điện Bảo Lạc A và Thượng Hà sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường

HUÊ MINH | 07:56 12/12/2023

(THPL) - Ngoài các dự án thủy điện Bảo Lạc B, Bảo Lâm 1, Mông Ân, Bắc Mê,… Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (HOSE: PC1) cũng đang hoàn tất thủ tục, triển khai dự án thủy điện Bảo Lạc A và thủy điện Thượng Hà trên sông Gâm. Theo dự báo, quá trình xây dựng, vận hành sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống, kinh tế - xã hội.

Các hộ dân bị ảnh hưởng và kịch bản xấu nhất

Sông Gâm là một nhánh cấp I nằm bên bờ trái của sông Lô, đồng thời là nhánh cấp II của sông Hồng, bắt nguồn từ vùng núi Vân Nam (Trung Quốc). Để khai thác hiệu lợi thế, hiệu quả dòng nước, ngày 02/8/2007 Bộ Công thương đã có Quyết định số 2704/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch bậc thang thủy điện sông Gâm. Thêm 02 dự án mới này, đoạn sông Gâm dài khoảng 60km sẽ có 06 thủy điện của Công ty cổ phần Tập đoàn PC1.

Về thủy điện Bảo Lạc A (xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc), sẽ có 28 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng (01 hộ tuyến đập, 27 hộ khu vực lòng hồ). Dự án chiếm dụng 18,191ha đất rừng phòng hộ và 7,42ha rừng sản xuất.  

Còn thủy điện Thượng Hà (xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc), có 04 căn nhà tạm của người dân phải di dời. Dọc theo sông Gâm từ vị trí công trình thủy điện Thượng Hà đến tuyến đập thủy điện Bảo Lạc B rải rác có một số hộ dân sinh sống thuộc địa phận xã Bảo Toàn và xã Thượng Hà. Khu dân cư Nà Tổng cách dự án 300m, Nà Siêu 3 cách dự án 900m.

Tại bản báo cáo đánh giá tác động môi trường được tham vấn cộng đồng, chủ đầu tư cho biết, hồ thủy điện Bảo Lạc A là hồ điều tiết ngày, khi có lũ lớn về hồ, toàn bộ lượng nước này sẽ được xả về hạ du đập. Các trận lũ có tần suất nhỏ như lũ kiểm tra và lũ thiết kế hiếm khi xảy ra, nhưng khi xuất hiện sẽ gây nguy cơ mất an toàn đập và ảnh hưởng tới hạ du. Để định lượng tác động của việc xả lũ kiểm tra và lũ thiết kế cũng như sự cố vỡ đập hồ thủy điện Bảo Lạc A tới hạ du, đơn vị tư vấn đề xuất 4 kịch bản: Trường hợp thượng lưu đập thủy điện Bảo Lạc A xảy ra lũ lớn, lũ kiểm tra với tần suất 0,2% về hồ, đập thủy điện xả nước bằng lưu lượng nước tới hồ; Trường hợp thượng lưu đập thủy điện Bảo Lạc A xảy ra lũ lớn, lũ kiểm tra với tần suất 0,2% về hồ gây vỡ đập ảnh hưởng tới hạ du; Trường hợp thượng lưu đập thủy điện xảy ra lũ lớn, lũ thiết kế với tần suất 1% về hồ, đập thủy điện Bảo Lạc A xả nước bằng lưu lượng nước tới hồ; Trường hợp thượng lưu đập thủy điện xảy ra lũ lớn, lũ thiết kế với tần suất 1% về hồ gây vỡ đập ảnh hưởng tới hạ du.

Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 cũng đưa ra nhận định về dự án thủy điện Thượng Hà trong quá trình xây dựng, vận hành, như: Ô nhiễm môi trường không khí trên khu vực do bụi, khí thải, khí độc hại, tiếng ồn, độ rung do hoạt động thi công, xây dựng và vận hành; Cảnh quan bị thay đổi do san gạt san lấp mặt bằng các công trường thi công, đào đất tại mỏ vật liệu, sự hình thành bãi thải, sửa chữa hoàn nguyên công trình hiện trạng trên toàn tuyến; Tăng nguy cơ vùi lấp đất ra ngoài phạm vi được giải phóng mặt bằng trong quá trình tập kết vật liệu và đất đá thải tại các công trường thi công, gây chết hoa màu của người dân; Tăng nguy cơ xói mòn đất cát tại các mỏ đất xuống khu vực có địa hình trũng, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt cũng như đi lại của người dân sống gần dự án; Tăng nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trong giai đoạn triển khai xây dựng, sự cố kỹ thuật; Sự cố cháy nổ tại kho chứa xăng, dầu; Sự cố do thiên tai, bão, mưa lớn; Sự cố công trình trong mùa mưa lũ, gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trong giai đoạn vận hành: Sự cố sụt lún, sạt lở mái kênh tại những khu vực có nền địa chất yếu.

Tính toán của PC1, Cao Bằng và Bộ Công thương

Để hình thành 02 dự án này, chủ đầu tư đã có đề xuất, tỉnh Cao Bằng cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Gâm.

Cụ thể, ngày 14/08/2017, Bộ Công thương đã có Quyết định số 3115/QĐ-BCT điều chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện sông Gâm. Với Quyết định số 3115/QĐ-BCT này, dự án thuỷ điện Bảo Lâm 2 có công suất 30MW được điều chỉnh thành dự án thủy điện là Bảo Lạc A với công suất 10MW và dự án thủy điện Bảo Lạc B với công suất 18MW.

Đến ngày 22/6/2020, Bộ Công thương tiếp tục có Quyết định số 1638/QĐ-BCT điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bậc thang thủy điện sông Gâm. Lần này dự án thủy điện Bảo Lạc A có công suất 10MW được nâng lên 30MW và bổ sung dự án thủy điện Thượng Hà với công suất 13MW.

Về 02 dự án này, sau khi Bộ Công thương chấp thuận, ngày 14/12/2020, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 2525/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thủy điện Bảo Lạc A. Ngày 21/1/2021 UBND tỉnh Cao Bằng có Quyết định số 108/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thủy điện Thượng Hà.

Như vậy, khoảng 60km sông Gâm có tới 06 thủy điện của Công ty cổ phần Tập đoàn PC1. Cụ thể:

Thủy điện Bảo Lạc A có công suất thiết kế 30MW (xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc), dự án đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng.

Thủy điện Thượng Hà có công suất 13MW, (xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc), cách thủy điện Bảo Lạc A khoảng 13km, dự án cũng đang trong giai đoàn hoàn tất thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thủy điện Bảo Lạc B có công suất 18 MW, (xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc), cách thủy điện Thượng Hà khoảng 8,7 km, dự án khởi công xây dựng từ năm 2018, đi vào phát điện năm 2020.

Thủy điện Bảo Lâm 1 có công suất lắp máy 30 MW (xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm), cách thủy điện Bảo Lạc B khoảng 7,8km, công trình khởi công từ năm 2014 đã đi vào vận hành phát điện năm 2016.

Thủy điện Mông Ân có công suất lắp máy 30 MW (thị trấn Pác Miầu và xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm) cách thủy điện Bảo Lâm 1  khoảng 9,4 km, công trình khởi công từ năm 2018, đưa vào phát điện năm 2020.

Thủy điện Bắc Mê có công suất lắp máy 45 MW (xã Yên Phong và Phù Nam, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang), các thủy điện Mông Ân 24km, khởi công từ năm 2014, đưa vào phát điện từ năm 2017.

Với các dự án thủy điện trên, Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 đang được ưu đãi rất nhiều, như: được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 15 năm, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Tính đến năm 2023, là năm thứ 6 hưởng ưu đãi đối với thủy điện Bảo Lâm 3, năm thứ 7 đối với thủy điện Bảo Lâm 1, năm thứ 3 đối với thủy điện Bảo Lạc B, năm thứ 4 với thủy điện Mông Ân.

Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, tại Cao Bằng, Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 còn đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, trong đó có dự án Khai thác lộ thiên khoáng sản Niken - Đồng thuộc khu vực xã Quang Trung và xã Hà Trì, huyện Hòa An.

Dự án này được UBND tỉnh Cao Bằng cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 2038/QĐ-UBND ngày 10/12/2018, điều chỉnh bằng Quyết định số 809/QĐ-UBND ngày 18/5/2021, Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 09/11/2021. UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã có các quyết định phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền thuê đất; phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, có trường hợp không chấp hành việc bàn giao đất, không đồng tình với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng buộc cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định cưỡng.  

Mới đây, Sở Công thương Cao Bằng đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Hải quan, Cục Thuế Cao Bằng làm việc với chủ đầu tư dự án với nội dung cập nhật, giám sát thường xuyên, liên tục khối lượng khoáng sản, sản phẩm vận chuyển tại dự án. Và trước đó nữa, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Công văn số 1020/UBND-CN ngày 27/4/2023 về việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trong thực hiện dự án khai thác lộ thiên khoáng sản Niken - Đồng.

Các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư, khai thác và việc tuân thủ pháp luật tại dự án khai thác lộ thiên khoáng sản Niken - Đồng này sẽ được nêu ở bài viết sau.

HUÊ MINH

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu