07:38 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ma trận mỹ phẩm được “nổ” như thuốc chữa bệnh

14:51 02/11/2021

(THPL) - Thực trạng quảng cáo “nổ” quá đà công dụng các sản phẩm mỹ phẩm qua nhiều hình thức, chiêu trò gây ngộ nhận cho người dùng đã đến mức báo động. Nhiều doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng bất chấp quy định pháp luật, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông với nhiều thông tin về chức năng quá tầm sản phẩm.

Sản phẩm mỹ phẩm có nhiều công dụng “thần kỳ”

Do điều kiện kinh doanh không quá khắt khe nên đối tượng kinh doanh mỹ phẩm rất đa dạng. Đặc biệt, ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm thông qua nhiều loại hình phân phối khác nhau, nổi bật là trên môi trường mạng internet.

Với điểm tích cực của việc kinh doanh online là kết nối giữa người mua và người bán nhanh chóng thì thời gian qua cũng xảy ra nhiều hành vi gian lận, bán hàng giả, hàng kém chất lượng gây không ít thiệt hại cho người tiêu dùng thông qua hình thức mua bán này.

Gõ từ khóa trị mụn, trị nám, trị viêm loét,...trên Google, sẽ có vô vàn hình ảnh quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm bắt mắt hiện lên và thu hút người tiêu dùng kèm thông tin quảng cáo “trị mụn tận gốc”, “trị nám không tái phát”, “tinh chất từ thiên nhiên”, “hết viêm loét”, “hết hôi miệng”, “bài thuốc cổ truyền,...

 

Quy định nghiêm ngặt của pháp luật

Theo quy định, những từ như "trị", "điều trị"… không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên cho sản phẩm mỹ phẩm. Các chuyên gia pháp lý cho biết, Luật Quảng cáo năm 2012 đã có quy định cấm đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng 'điều trị' để quảng cáo cho người tiêu dùng.

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố.... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Đã có không ít trường hợp quảng cáo mỹ phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh bị xử phạt. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tại Khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo gian dối, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 với các hình thức như: phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ tùy theo mức độ vi phạm.

Để không rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang”, hãy là người tiêu dùng thông thái, tìm hiểu và lựa chọn kỹ càng đối với hàng trăm nghìn sản phẩm đang được chào bán. Để đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp, quyền và lợi ích của người tiêu dùng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, quản lý cần đốc thúc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm để bảo vệ người tiêu dùng.

 

Mai Anh - Ngọc Tân

TAG:
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu