19:15 ngày 27/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Luật Điện lực (sửa đổi): Đặt nền móng cho hệ thống năng lượng ổn định, hiệu quả

15:03 05/12/2024

(THPL) - Luật Điện lực (sửa đổi) nhấn mạnh vai trò của năng lượng tái tạo, điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong việc đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện Quy hoạch điện VIII, hướng tới mục tiêu net zero mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Ngày 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/2/2025. Đây là dự án luật quan trọng, có tác động rất lớn đối với việc phát triển nguồn năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan. Đặc biệt, Luật bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư dự án điện như: khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, chính sách mới về giá, hợp đồng mua bán điện; thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh; khuyến khích đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư…

Một trong những nội dung mới trong Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là việc xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Bộ Luật đã nhấn mạnh vai trò của năng lượng tái tạo, điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong việc đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện Quy hoạch điện VIII, hướng tới mục tiêu net zero mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Bằng cách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Luật mới góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng.

Luật Điện lực (sửa đổi) góp phần đặt nền móng cho hệ thống năng lượng ổn định, hiệu quả. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Luật Điện lực (sửa đổi) còn khuyến khích phát triển các hệ thống điện tự sản xuất và tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, mang lại tính linh hoạt và giảm áp lực lên lưới điện quốc gia.

Việc cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị trong các nhà máy điện năng lượng tái tạo cũng được quy định rõ ràng, nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành và kéo dài tuổi thọ công trình. Quy trình tháo dỡ công trình thuộc các dự án năng lượng tái tạo cũng được đưa vào, đảm bảo tính bền vững và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

Đánh giá về tác động của Luật Điện lực (sửa đổi), ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, những điểm mới của Luật không chỉ tạo ra một khung pháp lý thuận lợi cho phát triển thị trường điện mà còn góp phần nâng cao tính bền vững trong phát triển năng lượng của Việt Nam.

Theo ông Long, một trong những điểm mới quan trọng tại Luật Điện lực (sửa đổi) là việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của thế giới hiện nay.

Về giá điện, Luật cũng đưa ra các quy định mới nhằm quản lý giá điện hợp lý, công khai và minh bạch hơn, qua đó, sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy các cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế và thị trường điện.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, việc sửa đổi Luật Điện lực trong bối cảnh đất nước đang "khát điện" được đánh giá là rất cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt để phát triển ngành điện.

Theo ông Phong, luật khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay như thiếu quy định rõ ràng, để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; nhất là chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi,...

Do đó, với các quy định mới của Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ giúp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn.

Còn theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, điện mặt trời tỉnh Bình Thuận đánh giá cao việc Quốc hội sớm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) bởi câu chuyện thiếu điện với Việt Nam đang là câu chuyện nhãn tiền.

Theo ông Thịnh, dự báo về tình hình cung ứng điện năm 2025 là rất thách thức khi tăng trưởng điện năng lên tới 11,3%. Trong khi đó, các nhà đầu tư nhiều dự án điện hiện gặp bế tắc trong việc thiếu cơ chế chính sách để triển khai.

Để nhanh chóng cụ thể hóa các nội dung của luật, các chuyên gia này cho rằng Bộ Công Thương cần sớm hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp, tổ chức liên quan có căn cứ triển khai các dự án mới sau thời gian dài im ắng, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu