08:38 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lịch sử thành môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT 2025

Ngọc Long | 20:54 30/03/2023

(THPL) - PGS. TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực, có sự phân hóa phù hợp.

Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 trở đi, thí sinh sẽ bắt buộc làm 4 bài thi: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Lịch sử. Lý giải về thay đổi trên, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, trước khi quyết định đưa môn Lịch sử là một trong bốn môn thi bắt buộc, Bộ đã cân nhắc rất kỹ và xin ý kiến đa chiều.

Đây cũng là nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội khóa XV với yêu cầu “thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”.

Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến đồng thuận với phương án trên, đặc biệt từ thầy cô giáo giảng dạy và học sinh trong trường phổ thông. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần thay đổi nhiều hơn cách ra đề cho môn học này.

Học sinh lớp 12 học Lịch sử. (Ảnh minh hoạ)

Nhìn chung đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 trở đi sẽ bám sát chương trình phổ thông mới, chú trọng đánh giá năng lực học sinh, có sự phân hóa phù hợp để bảo đảm vừa để xét công nhận tốt nghiệp và kết hợp đạt nhiều mục tiêu khác nhau. "Bộ GD&ĐT vẫn sẽ công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh chủ động trong quá trình dạy học và ôn thi", ông nói.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết thêm, 3 điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Thứ nhất, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Thứ hai, thông qua các môn thi tự chọn giúp các em sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích.

Thứ ba, theo lộ trình từ năm 2025 - 2030, Bộ GD&ĐT từng bước sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.

Theo ông Chương, Bộ GD&ĐT kỳ vọng phương án thi này vừa đáp ứng được yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp; đánh giá chất lượng dạy - học theo sự tiến bộ của người học. Đồng thời kết quả thi đủ độ tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo xét tuyển sinh, học sinh được định hướng nghề nghiệp ngay từ sớm.

Về kiến nghị Bộ GD&ĐT "trả" kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 về cho địa phương tổ chức, Cục trưởng nhấn mạnh, mỗi tỉnh, thành phố có năng lực ra đề thi, tổ chức đánh giá, xây dựng đề thi khác nhau, khó bảo đảm được tính đồng đều về chất lượng, phổ quát. Do đó, để đáp ứng tính đồng bộ, Bộ GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm ban hành quy chế thi, ra đề thi, thanh tra, kiểm tra, còn các công việc khác (coi thi, sao in đề thi, chấm thi...) địa phương hoàn toàn chủ động và chịu trách nhiệm.

Ngọc Long

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu