22:20 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Người nông dân làm giàu từ nghề “luyện” siêu phẩm hoa hồng

Hào Hiệp | 10:28 23/09/2023

(THPL) - Không ngừng nỗ lực, đi tắt đón đầu xu thế thị trường, anh Phạm Đức Tài (sinh năm 1970) đã mạnh dạn cải tạo gần 1ha đất trồng hoa cắt cành sang gây giống hồng bonsai, mang lại nguồn lợi kinh tế cao ở làng nghề trồng hoa huyện Mê Linh (Hà Nội).

Choáng ngợp trước quy mô và hiệu quả mang lại từ mô hình kinh tế nông nghiệp của nông dân tiêu biểu Phạm Đức Tài (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội), chúng tôi không khỏi khâm phục tấm gương người nông dân thời hội nhập có tư duy dám nghĩ - dám làm, góp phần thúc đẩy nông nghiệp làng nghề của Thủ đô phát triển toàn diện và bền vững. 

Anh Tài cho biết: Thừa hưởng những tinh hoa của làng nghề truyền thống trồng hoa hồng cắt cành của huyện Mê Linh nên ngay từ nhỏ anh đã đam mê với nghề “lấy công làm lãi” này. Chẳng thế mà khi mới bắt tay vào lập nghiệp gặp rất khó khăn từ thiếu vốn, kinh nghiệm và cả diện tích đất gieo trồng.

 

Anh Phạm Đức Tài (sinh năm 1970) đã mạnh dạn cải tạo gần 1ha đất trồng hoa cắt cành sang gây giống hồng bonsai mang lại kinh tế cao ở làng nghề trồng hoa huyện Mê Linh.
Khu vườn của anh Tài có hơn 4.000 gốc hồng bonsai ngoại, 500 gốc hồng cao từ 2,5m trở lên, 3.000 gốc hồng thân gỗ, 2.000 gốc hồng bụi…

Theo anh Tài, nghề trồng hoa hồng cắt cành yêu cầu kỹ thuật trồng và chăm sóc rất cao. Chỉ cần sơ suất một khâu cũng có thể dẫn đến cả vụ hoa đổ sông để bể, chưa kể đến ngày bao hoa lại tất bật ngoài đồng, để hoa nở tự nhiên thì không đều và đẹp.

Nhận thấy nghề “lấy công làm lãi” không giá trị kinh tế, đầu ra phải cạnh tranh rất nhiều và đối mặt với mất mùa, sâu bệnh… Năm 1991, anh chủ động “đi tắt, đón đầu” trong việc lai tạo, nhân giống hoa hồng bonsai từ các loài quý hiếm như hồng cổ, hồng ngoại, hồng bụi…anh Tài trở thành một nông dân thời hội nhập chính hiệu, thay đổi bộ mặt kinh tế nông nghiệp của nghề trồng hoa hồng truyền thống Mê Linh.

Để có được sự chuyển mình mang lại hiệu quả rõ rệt này, anh Tài đã “khăn gói” đi dọc Bắc - Nam suốt nhiều năm, hễ vùng nào nổi tiếng trồng hoa hồng anh lại tới để xin học hỏi kinh nghiệm. Khi trở về Mê Linh, anh Tài đã có một khu vườn có hơn 4.000 gốc hồng bonsai ngoại, 500 gốc hồng cao từ 2,5m trở lên, 3.000 gốc hồng thân gỗ, 2.000 gốc hồng bụi…Trung bình mỗi năm, nhà vườn của anh xuất ra thị trường khoảng 15.000 chậu hồng các loại, mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho 13 lao động thường xuyên, 25 lao động thời vụ tại địa phương. 

Bằng kinh nghiệm quý báu của mình, anh Tài đã thành lập Tổ Hợp tác hoa hồng thế với 25 thành viên và Tổ Hợp tác hoa lan với 54 thành viên. Các hội viên đều được anh Tài giúp đỡ về kỹ thuật trồng cũng như quảng bá thương hiệu hoa Mê Linh. Hơn 80 hộ khó khăn của các huyện, tỉnh lân cận cũng được anh Tài hướng dẫn, vươn lên đổi đời từ việc trồng hoa.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng hoa hồng bonsai, anh Tài bộc bạch: “Trồng hoa cắt cành đã khó, tạo dáng cho hoa hồng bonsai còn vất vả hơn rất nhiều, đòi hỏi người thợ phải thực sự công phu, tỉ mỉ không thể nóng vội hay đốt cháy giai đoạn. Cho dù là người mới hay người đã có kinh nghiệm, người làm nghề phải thật sự cẩn thận chính xác tuyệt đối lấy vỏ bào của thân ghép sao cho độ dày vừa chạm thân gỗ, không được nông hoặc sâu quá. Tiếp đó, chọn mắt ghép thật đẹp tạo nên thành phẩm hoàn hảo, giúp cây phát triển, nếu sai sót sẽ phải trả giá bằng việc toàn bộ cây ghép thất bại”.

 

Không thụ động ở bài toán đầu ra, anh Tài cùng người nông dân Mê Linh đã chủ động tìm tới khách hàng
Mô hình của anh Tài được Hội Nông dân tới tham quan 

Bắt kịp xu thế thời đại, anh Tài đưa cơ giới hoá vào hệ thống tưới tiêu tự động. Nhờ đó, vườn hoa hồng bonsai có thể được duy trì độ ẩm, cung cấp nước cho hoa ở trạng thái tốt nhất ở từng thời điểm trong ngày. Không thụ động ở bài toán đầu ra, anh Tài cùng người nông dân Mê Linh đã chủ động tìm tới khách hàng. Bằng sự mộc mạc, giản dị trong từng video giới thiệu sản phẩm nên họ đều mang về rất nhiều đơn hàng. 

Giờ đây, kinh tế nông thôn nghề truyền thống của huyện Mê Linh đã được chuyển mình vượt bậc, có giá trị cao. Từ manh mún, nhỏ lẻ chuyển thành tập trung, chuyên sâu, giá trị tăng cao. Vì vậy, lợi nhuận mang về cho người nông dân ngày một lớn hơn, cuộc sống của họ vì thế đầy đủ, sung túc hơn.

Tháng 5/2023, anh Tài được Hội Nông dân thành phố Hà Nội trình Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho hộ nông dân có mô hình kinh tế hiệu quả vìnhững thành tích trong phát kinh tế và tham gia công tác xã hội. Cùng với đó là rất nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận sự nỗ lực cố gắng như: Đạt thành tích trong 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2018; Thi đua sản xuất và kinh doanh giỏi giai đoạn 2015-2019; Mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định, giúp đỡ tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022…

Nói về nông dân tiêu biểu Phạm Đức Tài, bà Đào Thúy Phượng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mê Linh cho biết: Nông dân tiêu biểu Phạm Đức Tài là niềm tự hào của Hội Nông dân huyện Mê Linh. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Tài đã cùng với địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nghiên cứu, tìm tòi, đột phá trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh tế nông nghiệp truyền thống.

Hào Hiệp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu