04:24 ngày 30/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lạng Sơn: Gần 80.000 m3 đất tập kết sẽ phải đưa ra khỏi dự án KĐT mới Mai Pha

13:53 31/03/2022

(THPL) – Đây là lượng đất thải phục vụ dự án bờ kè trái sông Kỳ Cùng mà Công ty TNHH Hà Sơn phải bốc bốc xúc khỏi KĐT mới Mai Pha, vận chuyển ngược về bãi thải chung của dự án. Và cơ quan chức năng được giao sẽ phải kiểm soát tốt việc này để tránh tình trạng doanh nghiệp trục lợi.

Toà soạn Thương hiệu và Pháp luật trước đó đã đăng tải bài viết “Lạng Sơn: Nhiều vấn đề cần làm rõ tại dự án KĐT mới Mai Pha”, trong đó thông tin về ý kiến của người dân liên quan đến việc chủ đầu tư dự án có dấu hiệu tiến hành tập kết, san lấp khi chưa hoàn thành xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… Sau khi bài viết được đăng tải, Công ty TNHH Hà Sơn; Sở Tài nguyên và Môi trường đã có những trao đổi.

Theo ông Vũ Đình Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Hà Sơn, lượng đất, đá hiện đang tập kết trong khuôn viên dự án KĐT mới Mai Pha là dùng cho dự án kè bờ trái sông Kỳ Cùng mà phía Hà Sơn đang triển khai thi công.

Đất được tập kết tại KĐT mới Mai Pha

Được biết trước đó, Công ty TNHH Hà Sơn đã đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn đồng ý cho phép tận dụng nguồn đất dôi dư trong quá trình thi công san nền dự án khu kinh doanh dịch vụ thương mai tổng hợp tại cửa khẩu Hữu Nghị do Công ty CP Khang Việt Hà làm chủ đầu tư để làm nguồn đất đắp cho thi công bờ kè trái sông Kỳ Cùng.

Theo tìm hiểu của PV Thương hiệu và Pháp luật, ước tính nguồn đất đắp cho dự án bờ kè trái sông Kỳ Cùng cần khoảng 71.000 m3, tuy nhiên phía Hà Sơn đã đề nghị lấy 150.000 m3. Việc thiếu thống nhất giữa dự tính khối lượng của cơ quan chức năng so với đề nghị của phía Hà Sơn đã khiến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn phải đề nghị doanh nghiệp này giải trình.

Theo ghi nhận của PV, hiện tại lượng đất, đá được tập kết tại dự án KĐT mới Mai Pha là rất lớn. Bên cạnh dùng vào việc làm đường tạm để phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng, máy móc vào dự án bờ kè trái sông Kỳ Cùng, nguồn đất, đá này được tập kết nhiều nơi trong khuôn viên dự án… Cùng với việc chênh gấp đôi khối lượng đất đắp theo dự tính của cơ quan chuyên môn, sự tập kết đất, đá dàn trải này của Công ty TNHH Hà Sơn có thể là lý do khiến dư luận thêm hoài nghi về việc nhà thầu có dấu hiệu thi công trước, như Toà soạn đã phản ánh.

Bên cạnh đất, đá, còn có cả vật liệu xây dựng

Theo văn bản số 04/2020/HS-CV về việc đối chiếu, rà soát khối lượng đất đắp để thi công bờ kè trái sông Kỳ Cùng, Công ty TNHH Hà Sơn đã giải trình với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án ĐTXD tỉnh Lạng Sơn về việc chênh lệch khối lượng đất. Theo đó, phía Hà Sơn cho rằng: “Khối lượng đất đắp của dự án cần một phần khối lượng hao hụt theo quy định… , chủ đầu tư yêu cầu chất lượng đất đưa vào sử dụng làm vật liệu đất đắp cho công trình phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật… nên đơn vị thi công phải đưa về tập kết tại khu vực sân bay cũ Mai Pha (thuộc mặt bằng dự án KĐT mới Mai Pha - PV) để sàng lọc. Do đó, một phần đất không đủ điều kiện phải loại bỏ, nhà thầu sẽ tập kết cùng với loại đất thải của dự án để đưa ra ngoài bãi thải chung của dự án.”.

Nếu như đúng như phía Hà Sơn thông tin, thì tới đây, sau khi tách ra đi 71.000 m3 đất đắp dự án bờ kè trái sông Kỳ Cùng, khi dự án này hoàn thành, phía Công ty TNHH Hà Sơn sẽ phải bốc xúc, vận chuyển để đưa gần 80.000 m3 đất, đá thải ra khỏi khu vực dự án KĐT mới Mai Pha, trả lại mặt bằng ban đầu cho dự án.

Tới đây, gần 80.000 mđất, đá thải sẽ phải chuyển ra khỏi khu vực dự án KĐT mới Mai Pha

Mặc dù phía Hà Sơn khẳng định chắc chắn điều này, song hiện tại dư luận đang quan ngại việc tới đây, nếu các cơ quan quản lý lỏng lẻo trong giám sát, nhà thầu sẽ dùng chính nguồn đất, đá thải này để san lấp dự án KĐT mới Mai Pha.

Theo thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn đồng ý cho Công ty TNHH Hà Sơn lấy đất đắp phục vụ thi công dự án bờ kè sông Kỳ Cùng với khối lượng 71.000 m3 và giao Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Ban Quản lý dự án ĐTXD tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Cao Lộc, UBND TP. Lạng Sơn… theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Công ty TNHH Hà Sơn. Như vậy, những đơn vị này sẽ phải giám sát việc vận chuyển lượng đất từ dự án khu kinh doanh dịch vụ thương mai tổng hợp tại cửa khẩu Hữu Nghị về tập kết tại KĐT mới Mai Pha; đồng thời đốc thúc, kiểm tra, giám sát việc Công ty TNHH Hà Sơn phải đưa gần 80.000 m3 đất, đá thải ra khỏi dự án KĐT mới Mai Pha sau khi dự án bờ kè trái sông Kỳ Cùng hoàn thiện quá trình san, đắp đất.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan chức năng nêu trên sẽ kiểm đếm khối lượng đất tập kết về KĐT mới Mai Pha để phục vụ san lấp cho dự án bờ kè trái sông Kỳ Cùng bằng cách nào; đơn vị nào chịu trách nhiệm chính trong vấn đề kiểm đếm, có lưu sổ sách theo dõi hằng ngày hay không. Công ty TNHH Hà Sơn có tận dụng việc này để lấy thêm đất phục vụ quá trình san lấp dự án KĐT mới Mai Pha hay không… Theo nhìn nhận của một cá nhân chuyên thực hiện san lấp dự án, khối lượng đất hiện đã tập kết tại KĐT mới Mai Pha có thể đã vượt xa con số 150.000 m3 đất. Và tới đây, việc móc toàn bộ đất, đá thải đi là khó. Doanh nghiệp có thể sẽ chọn phương án san lấp đất chồng lấn lên lượng đất đá thải này, như vậy có thể tiết giảm được rất nhiều thời gian và chi phí.

Nhiều ý kiến nhận định, việc doanh nghiệp tận dụng lợi thế được chấp thuận tập kết đất để san lấp trá hình dự án KĐT mới Mai Pha có thể sẽ xảy ra nếu các cơ quan được giao quản lý, giám sát hiện nay vẫn chưa có phương án kiểm soát. Nếu để xảy ra việc này thì quả thực lợi sẽ đổ vào doanh nghiệp nhưng tổn thất thì nhà nước, cộng đồng sẽ phải gánh chịu.

Toà soạn Thương hiệu và Pháp luật tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Lâm Tới

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu