19:19 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nhạc 2021 đậm dấu ấn cá nhân và chữa lành những tổn thương

Ngân An | 09:17 03/02/2022

(THPL) - Dịch Covid-19 kéo dài khiến cho làng nhạc Việt tưởng như đóng băng suốt năm 2021, khi nhiều liveshow ca nhạc hoành tráng phải hủy bỏ, nhiều sản phẩm sắp ra mắt cũng phải lùi lại. Giữa bức tranh ảm đạm ấy, nổi bật lên những sản phẩm âm nhạc mang dấu ấn cá nhân và những sản phẩm, chương trình âm nhạc có tính chất “chữa lành”, xoa dịu nỗi đau, giúp người nghe tin vào một ngày mai tươi sáng.

Nghỉ nhưng… không ngừng

Ở thời điểm dịch còn phức tạp, hàng loạt show diễn bị hủy ngay trước thời điểm diễn ra. Nghệ sĩ ngừng biểu diễn sân khấu suốt nhiều tháng nhưng thị trường âm nhạc vẫn có sự sôi nổi bởi những sản phẩm âm nhạc riêng. Thời gian này, các nhạc sĩ, ca sĩ liên tục ra mắt sản phẩm âm nhạc mới lấy chủ đề ca ngợi hoặc động viên tinh thần các y bác sĩ, đội ngũ tuyến đầu chống dịch như: "Ước mơ Sài Gòn" của Hồ Đắc Nhật Tân, Trần Việt Hoàng và Cao Bá Hưng sáng tác; "Sài Gòn tôi sẽ" sáng tác Thái Dương, biểu diễn Cẩm Vân - Khắc Triệu và con gái; Lê Minh MTV với ca khúc "Việt Nam stay strong"; Nguyễn Văn Chung với ca khúc "Mong sao hết dịch"; Tuấn Hưng, Khắc Việt với MV "Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn"; Xuân Trí với các ca khúc "Toàn dân đoàn kết chống dịch", “Việt Nam chống dịch vang danh”, “Nỗi nhớ hai miền”...

Các y bác sĩ cùng nghệ sĩ hát vang ca khúc "Ước mơ Sài Gòn"

Nhiều sản phẩm mới nói về nỗi lòng của những người yêu Sài Gòn thời điểm dịch bệnh "tổn thương" với đường phố vắng vẻ, lòng người lo âu, như: "Sài Gòn cố gắng lên" của ca sĩ Dee Trần (The Voice), "Lời ru nơi tuyến đầu" của ca sĩ Lê Nhung - Á quân Sao Mai 2017; "Cách ly" của nhạc sĩ Quốc An; "Ba sẽ về" của Nguyễn Phi Hùng, "Nếu anh không về" của Quán quân thần tượng Bolero Hellen Thủy và top 10 Sao Mai 2013 Tuấn Dương…

Nhiều ca khúc mang ý nghĩa cổ động, truyền tải thông điệp không khoảng cách giữa con người với con người và giữa các thế hệ với nhau, như: "Cố lên Sài Gòn"; "Cố lên Việt Nam"; "Đồng lòng Việt Nam"…

Các nghệ sĩ trẻ cũng ra mắt nhiều ca khúc mới mang tinh thần dân tộc, hay đơn giản tạo được sự đồng với người nghe trong bối cảnh chung là mọi người ở nhà nghỉ giãn cách xã hội. Có thể kể đến Miu Lê - Bùi Công Nam - GDucky kết hợp trong ca khúc "Tỏa sáng Việt Nam" với ca từ truyền cảm hứng, cổ vũ các "chiến binh áo trắng" nơi tuyến đầu chống dịch.

Hay, MV “Nói lời hiển nhiên” của Hoàng Dũng - Suni Hạ Linh - Dế Choắt thể hiện với lời ca đơn giản, gần gũi và nhắc nhớ tới những điều giản dị trong cuộc sống giữa thời điểm tình hình dịch bệnh. Nguyên Hà đem tới một bản tình ca nhẹ nhàng, tươi sáng mang tên “Cuối tuần” kể câu chuyện tình yêu bình dị, ngọt ngào của đôi bạn trẻ vào một cuối tuần Hà Nội, qua đó gửi gắm mong muốn về những ngày bình yên trở lại.

Bên cạnh những sáng tác mang gam màu tươi sáng, các ca khúc mang màu buồn cũng là liều thuốc chia sẻ, đồng cảm, đó là “Sài Gòn hôm nay mưa” của Hoàng Duyên - Jsol; Hứa Kim Tuyền với "Sài Gòn đau lòng quá", "Giữa đại lộ Đông Tây"; "Trốn tìm" của Đen Vâu; "Khi em lớn" của Orange - Hoàng Dũng…

Album phòng thu thứ 5 “Ngày ấy và sau này” của Cá Hồi Hoang gồm 10 ca khúc được ban nhạc thực hiện trong thời gian dịch bùng phát. 7 MV được phát hành trên YouTube cũng là câu chuyện kết nối, kể về hành trình tuổi trẻ của nhân vật Bin, đưa người nghe qua những miền cảm xúc khác nhau.

Có thể nói dịch Covid-19 kéo dài không làm suy giảm năng lượng sáng tạo của nhạc sĩ. Giãn cách là thời gian các nhạc sĩ - ca sĩ ở nhà nghỉ nhưng không ngừng, họ vẫn luôn tìm được nguồn cảm hứng sáng tác và ra mắt những sản phẩm âm nhạc chất lượng.

Liều thuốc tinh thần xóa khoảng cách, xoa dịu những tổn thương

Không thực hiện được những chương trình ca nhạc trên các sân khấu hoành tráng, các nghệ sĩ đã tìm cách thực hiện những đêm nhạc đặc biệt và cùng nhau xuất hiện trên những sân khấu đặc biệt - ngay tại bệnh viện dã chiến, nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.

Gây ấn tượng đặc biệt với công chúng đó là đêm nhạc không tên hồi tháng 8 diễn ra một cách hi hữu trên mảnh sân nhỏ nằm giao ở bệnh viện dã chiến số 3 tại TP.HCM trong vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ. Nhóm nghệ sĩ Phương Thanh, nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn, Quốc Đại, Ái Phương, Ngọc Linh... trình diễn say mê qua chiếc mặt nạ N95.

Sân khấu đặc biệt của saxophone Trần Mạnh Tuấn là sân bệnh viện dã chiến 

Nghệ sĩ saxophone đeo kính chống giọt bắn cùng khẩu trang được khoét lỗ để thổi lên giai điệu bài “Quê hương” (Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân), “Diễm xưa” và “Còn tuổi nào cho em” (Trịnh Công Sơn). Anh tâm sự rằng: "Tôi từng biểu diễn không biết bao nhiêu sân khấu lớn, nhỏ trong cuộc đời hoạt động âm nhạc. Tuy nhiên, tôi không thể nào quên được giây phút đứng trước khán giả gồm hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế và hơn 10.000 bệnh nhân F0".

Ca sĩ Ngọc Linh tham gia chương trình với các nhạc phẩm: “Rồi từ đây” (nhạc ngoại, lời Việt: Quang Huy), “Tình thơ” (Hoài An)... Đây là một trong các hoạt động ý nghĩa của đội tình nguyện gồm nhiều nghệ sĩ do MC Quỳnh Hoa khởi xướng. Hàng trăm nghệ sĩ đăng ký, trong đó có 80 người hoạt động thường xuyên như: Phương Thanh, Quốc Đại, Nguyễn Phi Hùng, diễn viên Peter Phạm, người mẫu Hoàng Phi Kha...

Cũng trong tháng 8, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM thực hiện chuỗi chương trình văn nghệ và tư vấn tâm lý - sức khỏe phòng chống dịch Covid-19 với chủ đề "Khúc ca đồng lòng" để phục vụ khán giả trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Trong chương trình này, ngoài phần tư vấn sức khỏe, tâm lý cho bệnh nhân của bác sĩ thì các tiết mục văn nghệ chính là liều thuốc chữa lành những tổn thương tinh thần.

Những đêm nhạc, những chương trình như thế liên tục được tổ chức liên tục trong thời gian TP.HCM cũng như cả nước chiến đấu với dịch bệnh. Chương trình không có kịch bản, nghệ sĩ không tập luyện trước nhưng đã hát bằng cả niềm đam mê và tình cảm của mình, còn khán giả cũng thưởng thức chương trình bằng cả trái tim. Khoảnh khắc ấy, cả nghệ sĩ, y bác sĩ, bệnh nhân… đều thấy nhẹ nhõm, dễ chịu, vơi đi những nỗi lo, những gánh nặng. Âm nhạc đã vượt qua những khoảng cách, kết nối tình cảm giữa người với người bởi không chỉ có những người xem trực tiếp mà hàng triệu người xem clip ở mọi miền đất nước đều thấy xúc động với phần biểu diễn của nghệ sĩ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, âm nhạc đã phát huy tối đa hiệu quả xoa dịu của mình. Ngoài tính giải trí, định hướng và giáo dục, âm nhạc còn có tính chữa lành, xoa dịu những tổn thương, gieo vào lòng người nghe những cảm xúc, thôi thúc họ nhìn cuộc sống lạc quan, tích cực hơn. Hơn hết, âm nhạc khiến mọi người chung sức, đồng lòng, đoàn kết với nhau để vượt qua những khó khăn, thử thách và cả những nỗi đau từ đại dịch.

Ngân An

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu