00:18 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Kỳ lạ một công trình có nhiều cái “không” ở Hà Tĩnh!

15:33 05/06/2020

(THPL) - Tại hiện trường, không bảng biển báo hiệu, không cán bộ kỹ thuật, không có đơn vị giám sát, vật liệu không đạt chất lượng và thi công không đúng thiết kế,… là những cái “không” đang xuất hiện ở công trình “Đường giao thông nội đồng thôn Trung Đại Lâm”, thuộc xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Công trình không bảng biển, vắng cán bộ kỹ thuật và đơn vị giám sát

Không kỹ thuật, không giám sát?
Một công trình có nguồn vốn ngân sách nhà nước mà thi công chỉ với 2 nhân công, nghe qua có vẻ lạ lùng, nhưng thực ra là có thật tại công trình mà phóng viên đang nhắc đến. Hai người đó là một người lái máy ủi và một người lái máy lu.
Sáng ngày 3/6, Phóng viên TH&PL có mặt tại một công trình đường giao thông nội đồng để xác minh thông tin phản ánh việc thi công không đúng thiết kế.
Nền đường lổm nhổm nhiều đá khó đạt chuẩn kỹ thuật
Có mặt tại công trường, PV không thấy một cán bộ kỹ thuật nào, cũng không gặp đại diện của đơn vị giám sát, hay là giám sát cộng đồng của địa phương. Tại đây, cả công trường chỉ có hai công nhân lái máy. Công trường không có bảng biển báo hiệu thi công, không có bảng biển về thông tin dự án,… phóng viên không thể biết được về thông tin dự án như thế nào.
Ngay sau đó, liên hệ với UBND xã Lâm Trung Thủy, PV được biết, đây là dự án đường giao thông nông thôn nội đồng thôn Trung Đại Lâm, do UBND xã là chủ đầu tư, đơn vị thi công là công ty TNHH Quốc Toản, đơn vị giám sát thi công là công ty CP Tư vấn và Xây dựng Hưng Thịnh Phát. Tất cả các công ty này đều có trụ sở tại huyện Đức Thọ. Theo quyết định phê duyệt dự án, công trình có tổng chiều dài hơn 350m, có mức đầu tư gần 1 tỷ đồng, bề mặt đường bê tông 3m.
Nền đường thế này liệu có đạt chuẩn chất lượng?
Thi công sai thiết kế, không đúng quy trình!
Tại hiện trường, theo quan sát của phóng viên, nền đất do đơn vị thi công đắp chứa nhiều tạp chất đá. Mặc dù có lu lèn, nhưng đá không vỡ, hiện rõ trên mặt đường. Đáng ngại hơn, theo thiết kế, nền đường đất theo quy định phải đạt chuẩn K95, nhưng bằng mắt thường thấy rõ, nhiều đoạn còn gập gềnh, “lượn sóng”.
Việc nền đường chưa đạt chuẩn, nhưng đơn vị thi công đã cho rải "cấp phối đá dăm", san gạt, lu lèn, có dấu hiệu để dấu diếm, che khuất yếu kém của nền đường.
Việc rải đá dăm cấp phối khi chưa nghiệm thu phần nền có đúng quy trình?

Khi PV đặt câu hỏi với chủ đầu tư đã nghiệm thu phần nền đất chưa? Nếu chưa, tại sao đơn vị thi công đã rải "cấp phối đá dăm"? ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy có vẻ ngạc nhiên: “Anh cũng không rõ đạt độ K bao nhiêu, phải coi lại hồ sơ. Hôm bữa mới giải phóng mặt bằng mà, giờ họ đang làm nền, đã nghiệm thu gì đâu. Anh sẽ cho anh em kiểm tra lại”.
Một công trình sử dụng nhiều vật liệu kém chất lượng, lại được quản lý sơ sài, không sát sao thì làm sao đạt chất lượng tốt được? Dự toán xây dựng và quản lý xây dựng được các bên liên quan liệt kê rất nhiều khoản chi phí và được rút từ ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế, trên hiện trường được sử dụng bao nhiêu chi phí đó? Những câu hỏi này, rất cần sự vào cuộc để có câu trả lời xác đáng từ cơ quan chức năng huyện Đức Thọ và tỉnh Hà Tĩnh.
Quốc Khánh

Quốc Khánh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu