12:54 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Khán giả thấy “nhói ở trong tim” khi xem đêm nhạc về Vu Lan do Tân Nhàn thực hiện

08:59 17/08/2019

("THPL) - Tứ Ân” được đầu tư công phu, kỹ lưỡng phần âm nhạc với dàn nhạc tổng hợp giao hưởng, điện tử và dân tộc cùng bàn tay tài hoa của đaọ diễn sân khấu Phạm Hoàng Giang xây dựng hình ảnh sân khấu ấn tượng, hài hoà giữa không khí linh thiêng, uy nghi của Phật Gíao và không khí rất “đời” của đời sống, đậm đà bản sắc văn hoá của người Việt … đã tạo nên một “Tứ Ân” vượt khỏi sự mong chờ của nhiều khán giả.

Tân Nhàn thể hiện ca khúc Mục Kiều Liên. 

Cùng với Đại lễ Phật Đản, Vu lan là mùa quan trọng nhất trong năm của Phật giáo. Vu lan là mùa báo hiếu, là dịp để những người con ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Đó là truyền thống đẹp đã có từ ngàn đời trong văn hóa Phật giáo, cũng như văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Cũng vì thế, báo hiếu mẹ cha là giá trị cốt lõi của ý nghĩa ngày lễ Vu lan. Tuy nhiên đây chỉ là một ân trong Tứ Ân.

Theo lời Phật dạy, ngày lễ Vu lan còn bao hàm các giá trị lớn lao mang ý nghĩa cộng đồng và giá trị tâm linh, tất cả đều nằm ở trong Tứ Trọng Ân, đó là Ơn đất nước, Ơn Tam Bảo, Ơn Cha mẹ, Ơn thiên nhiên- xã hội. Phật dạy, mỗi người sinh ra ở trên đời đều cần khắc ghi Tứ Trọng Ân để trở thành những người sống trọn nghĩa, trọn tình, tốt đời, đẹp đạo.

Đêm nhạc mở màn vô cùng ấn tượng. 

Như ca sĩ Tân Nhàn, người khởi xướng chương trình, đồng thời cũng là chủ nhiệm chương trình, biên tập âm nhạc cho chương trình chia sẻ trên sân khấu, cô nỗ lực cùng ekip thực hiện đêm diễn trong một thời gian rất ngắn, bởi: “Tháng 7 Vu Lan vô cùng ý nghĩa với những người con. Tân Nhàn là một phật tử, được thầy của mình là Thượng tọa Thích Minh Hiền khai sáng cho Tân Nhàn một điều rằng: Với vai trò là một nghệ sĩ, Tân Nhàn có trách nhiệm dùng lời ca tiếng hát của mình hoằng dương Phật pháp, lan toả các giá trị của đạo Phật.

Bởi thế mà Tân Nhàn và ê kíp trong khoảng thời gian ngắn đã dành tất cả tâm huyết để xây dựng chương trình “Tứ Ân” kết hợp giữa âm nhạc đạo và âm nhạc đời để gửi tới khán giả. Hy vọng rằng, nhiều năm nữa khán giả cũng sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc như ngày hôm nay với ý nghĩa cao đẹp của mùa Vu lan”.

“Tứ Ân” được mở đầu khá đặc biệt, bằng tiếng chuông chùa ngân vang trên sân khấu. Đạo diễn Phạm Hoàng Giang đã tái hiện sống động, uy nghiêm lầu chuông với chuông chùa hàng trăm kg được thỉnh về. Ngay sau tiếng chuông chùa vang dền giữa thánh đường nghệ thuật Nhà hát lớn, màn trì tụng Chú Đại Bi do chư tăng cùng các nghệ sĩ thể hiện như lời cầu mong nhiều phước lành đến mọi người. Trong không khí linh thiêng đó, dưới sân khấu, khán gỉa đã cùng thắp lên những chiếc đèn hoa đăng lung linh như những vì sao, tạo nên một không khí hết sức thiêng liêng.

 Chương trình “Tứ Ân” được chia làm 4 phần đại diện cho 4 ơn lớn mà mỗi người sinh ra trên đời đều cần ghi nhớ theo lời Phật dạy.

Ở phần 1 “Ơn Đất nước”, khán giả được thưởng thức các ca khúc như: Tổ Quốc gọi tên mình, Quê mẹ, Trở về, Nhớ quê qua phần trình bày của các nghệ sĩ: Tuấn Anh, Tân Nhàn, Lê Anh Dũng, song ca Thanh Quý - Linh Hoa.

Những lời ca, tiếng hát về đất nước cho khán giả cảm nhận thật rõ nét về những điều thiêng liêng của đất nước đối với mỗi người dân nước Việt. Đất nước trong các ca khúc cũng như trong trái tim mỗi người dân Việt Nam không phải điều gì đó xa xôi mà chính là mẹ, là cha, là ông bà, tổ tiên, là quê hương, là ngôi nhà, là mảnh vườn, là dòng sông, là cánh đồng xanh bát ngát, là những nụ cười hiền hậu… Đất nước trong lời hát ru của bà, của mẹ, trong tiếng nói của cha, theo tháng ngày ta lớn lên trong những gì gần gũi nhất, thân quen nhất.

Người xem đã thấy được trọn vẹn những ấm áp nơi “Quê mẹ” qua giọng ca tình cảm chứa chan của nữ ca sĩ Tân Nhàn, thấy được đất nước đầy những gian lao, vất vả nhưng luôn ôm lấy, chở che mỗi chúng ta vào lòng, luôn khiến chúng ta nhớ nhung, khao khát “Trở về”.

Nếu như Lê Anh Dũng đưa người nghe trở về với quê mẹ, với những mướt xanh của quê hương qua giọng hát ấm áp của mình, thì hai cô học trò của Tân Nhàn, ca sĩ Thanh Quý- Linh Hoa làm người xem thoáng những ngơ ngẩn vì “Nhớ quê” qua giọng hát tha thiết chuyển tải nỗi trăn trở, thương nhớ quê hương.

Để rồi từ đó, mỗi người cùng vun đắp cho quê hương Việt Nam tươi đẹp, giữ cho đất nước Việt Nam luôn ngập tràn tình yêu và sẵn sàng đứng nơi đầu sóng, ngọn gió khi “Tổ quốc gọi tên mình” như tên ca khúc được thể hiện hào sảng qua giọng ca của nam ca sĩ Tuấn Anh cùng hình ảnh Trường Sa thân thương khiến khán giả bồi hồi.

Đến với phần 2 “Ánh sáng từ quang”, khán giả được bước vào không khí linh thiêng, vừa huyền bí nói lên một trong Tứ Ân, đó là Ân Tam Bảo. 

Tam ca sao mai Lê Anh Dũng, sao mai Ngọc Ký và nam ca sĩ Minh Đức đã có phần thể hiện trọn vẹn với “Màu áo nâu sòng”, bằng âm nhạc đã đưa khán giả hiểu hơn về màu áo nâu sòng bình dị, “xoa dịu nỗi đau cuộc đời như ngàn tia nắng mặt trời, soi sáng tâm con muôn đời”. Sao mai Ngọc Ký với “Phật là ánh từ quang”, sao mai Lương Nguyệt Anh với “Nhành dương cứu khổ”, hai nữ ca sĩ Bích Hồng- Thu Hằng với “Hương mộc miên”…đã đem đến phần thể hiện đầy xúc cảm. Rất nhiều khán giả đã khẽ nhắm mắt để thưởng thức trọn vẹn từng lời hát sâu sắc của ca khúc.

Thu Hằng thể hiện ca khúc Mẹ từ bi.

Đặc biệt, ca khúc “Mẹ từ bi” do ca sĩ Thu Hằng thể hiện cùng phần dàn dựng múa Quan âm công phu trong khung cảnh sân khấu huyền ảo, linh thiêng đã gây ấn tượng mạnh cho khán gỉa. Ca khúc Phật Quang Phổ Chiếu  do ca sĩ Hương Ly trình bày cũng gây ấn tượng vì khá lạ tai đối với âm nhạc Phật Giáo khi rất cá tính chứ không mềm mại như đa phần các ca khúc thuộc thể loại này.

Các ca khúc trong “Ánh sáng từ quang” không chỉ thể hiện lòng biết ơn với Đức Phật từ bi, cứu khổ cứu nạn, soi toả từ quang đến muôn người để sống tốt đời, đẹp đạo, mà khán gỉa nhận được thông điệp: Phật luôn ở trong tim mỗi chúng ta, Phật từ bi độ lượng, chiếu soi cho tâm hồn mỗi con người trở nên đẹp hơn, giúp mỗi người làm tròn bổn phận của một người con với Quê hương, với Tổ quốc, với đấng sinh thành. Ánh từ quang của Phật lan tỏa trong trái tim chúng sinh, chiếu sáng tâm hồn mỗi con người, để mỗi người sống đẹp hơn, tốt hơn…

Nối tiếp những xúc cảm thiêng liêng qua các ca khúc âm nhạc Phật giáo, phần 3 “Ơn nghĩa sinh thành” nhằm ngợi ca đấng sinh thành dưỡng dục đã đẩy mạnh cảm xúc của người xem, để lại những dấu ấn sâu đậm về chương trình. Rất nhiều khán giả đã ngấn lệ, thấy tim mình như thắt lại xúc động khi Tân Nhàn mở đầu bằng ca khúc “Mục Kiền Liên cứu mẹ” qua giọng hát tình cảm, chất chứa những đau xót giằng xé của mình khi hát về nỗi đau của Ngài Mục Kiền Liên khi muốn đau thay mẹ. Phần dàn dựng múa công phu kể về tích truyện Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi ngục sâu tăm tối cũng là nguồn gốc ra đời của ngày Lễ Vu Lan, giúp khán giả hiểu sâu hơn về chữ Hiếu.

Trong đêm “Tứ Ân”, Tân Nhàn lại một lần nữa kết hợp với NSƯT Đình Cương thể hiện bài hát Văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” đã từng ghi dấu ấn trong liveshow “Trở về” của cô mới đây. Tình cảm và sâu lắng, sự thể hiện ăn ý của hai nghệ sĩ đã tiếp tục làm nhiều khán giả rưng rưng nhớ thương hơn Mẹ hiền.

NSƯT Đình Cương với bài chèo “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy”, nghệ sĩ xẩm Quang Long và Mai Tuyết Hoa cùng nhóm Xẩm Hà Thành tiếp tục kể câu chuyện về Ân lớn lao, trời biển của Mẹ, cha qua “Theo cha ra biển mở buồm”, và “Công cha ngãi mẹ sinh thành”. Khán giả đã vô cùng cảm kích với những bài nhạc truyền thống giản dị, mộc mạc nhưng nói lên đầy đủ, trọn vẹn tình cảm bao la của mẹ cha cùng những răn dạy mỗi người con cần sống trọn vẹn chữ Hiếu, nhắc nhở những người con đừng quên công cha nghĩa mẹ sinh thành, dưỡng dục dù có trải qua khó khăn, sóng gió đến thế nào. Chương “Ơn nghĩa sinh thành” của đêm nhạc như một nốt lặng tuyệt đẹp của chương trình, khán giả hoàn toàn chìm vào những câu chuyện về ân tình mẹ cha, về chữ Hiếu, khiến ít nhiều có những cái nhói trong tim với những người con đôi khi vì cuộc sống bộn bề, chưa kịp nhớ đến mẹ, cha luôn chờ tin, mong ngóng.

Ở phần này, một lần nữa trong vai trò Chủ nhiệm chương trình, biên tập âm nhạc, nữ ca sĩ Tân Nhàn, Phó trưởng khoa thanh nhạc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam lại cho thấy sự đau đáu của mình dành cho âm nhạc dân tộc. Đêm diễn cũng tiếp tục khẳng định sự thành công của cô khi đã “thôi miên” khán giả bằng âm nhạc truyền thống. Những tràng pháo tay không ngớt của khán giả dành cho những tiết mục nghệ thuật truyền thống là một minh chứng hết sức rõ ràng.

Sau nốt lặng tuyệt đẹp qua “Ơn nghĩa sinh thành”, khán giả phấn chấn, hào hứng và tràn đầy tình yêu với cuộc sống, với thế giới xung quanh qua phần 4 có tên “Hoà ca”.  

Đức Phật dạy rằng “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”, như thế có nghĩa, vạn vật trên thế giới này đều có mối tương quan với nhau. Bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn xã hội là bảo tồn chính chúng ta. Để tạo dựng sự thăng bằng cho xã hội, Đức Phật dạy Bồ tát hành đạo là đem nguồn vui và sự ấm no cho người nghèo. Khi chúng ta biết thương và giúp đỡ nhau, xã hội này chắc chắn được an lạc. Giáo lý của đạo Phật từ bao đời, đã thấm nhuần trong nếp nghĩ và nếp sống của người Việt, để cuộc sống này luôn tươi đẹp, để xã hội này luôn cân bằng, để con người luôn hài hòa với thiên nhiên, thì một yếu tố không thể thiếu, đó là tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật.

Ca sĩ Việt Hoàn. 

Ở chương 4 này, NSƯT Việt Hoàn với “Một rừng cây, một đời người”, Tuấn Anh và Lương Nguyệt Anh với “Đất nước tình yêu”, ca sĩ Thu Hà với “Bài ca thống nhất”, và các nghệ sĩ cùng hát lên ca khúc “Đường chúng ta đi”… thực sự khiến khán giả thấy hào hứng khi hát lên khát vọng sống hòa bình, sống hài hòa với thiên nhiên, thể hiện tình yêu bao la với cuộc sống, con người, tạo nên những dư âm đầy lạc quan và ấm áp với khán giả sau khi rời khỏi Nhà hát.

Ca sĩ Hương Ly hát Phật Quang Phổ Chiếu. 

Chương trình “Tứ Ân” mừng Vu lan báo hiếu thực sự là một bản hoà ca mềm mại đầy lôi cuốn với nhiều cung bậc cảm xúc giữa Đạo và Đời. Trước khi chương trình diễn ra, Tân Nhàn cùng ekip thực hiện cũng phải đối diện với khá nhiều nghi ngại khi mong muốn chuyển tải quá nhiều thông điệp trong một chương trình âm nhạc đó là Tứ Trọng Ân, đồng thời cũng có quá nhiều kết hợp với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Tuy nhiên, đêm nhạc đã phá tan những nghi ngại này, khiến khán giả bất ngờ về sự kết hợp khéo léo, tinh tế, uyển chuyển mà thể hiện được đầy đủ thông điệp hướng đến. Nhờ đó mà người xem thấy được trọn vẹn đạo lý “Tứ Ân” như lời Phật dạy trong dòng chảy âm nhạc của người Việt từ truyền thống đến hiện đại, để từ đây nhìn rõ ràng hơn đời sống tinh thần luôn hướng đến chữ Ân, chữ Hiếu tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn xưa.  Cũng qua “Tứ Ân”, Tân Nhàn đã cho khán giả thấy một bất ngờ khi cô “tay ngang” bước sang lĩnh vực tổ chức chương trình nghệ thuật.

Thượng Toạ Thích Minh Hiền, cố vấn nghệ thuật chương trình tặng hoa nghệ sĩ tham gia chương trình.

Ở vị trí giám đốc sản xuất chương trình, ca sĩ Ngọc Châm- chủ nhiệm chuỗi chương trình “Vàng son một thuở” chia sẻ, việc đồng hành, thực hiện những chương trình mang giá trị âm nhạc, mang ý nghĩa đời sống tốt đẹp như “Tứ Ân” và tôn vinh nghệ thuật truyền thống cũng là hướng đi trong thời gian tới của chuỗi chương trình “Vàng son một thuở”.

Photo: Hoà Nguyễn- Bình Quách

Ngân An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu