17:48 ngày 10/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Khai mạc trưng bày 'Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn VN'

18:36 18/05/2020

(THPL) - Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), sáng 18/5/2020, tại Bảo tàng lịch sử quốc gia (Hà Nội), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo tàng lịch sử Quốc gia phối hợp tổ chức khai mạc trưng bày "Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam".

Theo báo Lao động, phát biểu tại lễ khai mạc, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là người đặt cơ sở và lý luận cho việc thành lập tổ chức công đoàn Việt Nam. Người sớm khẳng định sứ mệnh lịch sử, vai trò to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sự kiện trưng bày này không chỉ giúp công chúng, đặc biệt là công nhân, đoàn viên công đoàn hiểu biết sâu sắc hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với sự ra đời, vai trò và nhiệm vụ của giai cấp Công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam mà còn hiểu hơn về tình cảm của Bác đối với cán bộ, công nhân, tổ chức Công đoàn. Trong đó, có những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm để tiếp tục thực hiện sứ mệnh trong thời kỳ mới - hội nhập và phát triển.

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu tại khu vực trưng bày (Nguồn: Internet)

Theo tạp chí Giao thông, trưng bày gồm 3 phần: Sự hình thành và phát triển của giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; Giai cấp Công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam làm theo lời Bác.

Theo đó, tại phần đầu tiên "Sự hình thành và phát triển của giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam", những hình ảnh, hiện vật được Ban tổ chức trưng bày đã thể hiện rõ ngay từ những năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý đến chức năng bảo vệ quyền lợi cho người lao động, một chức năng quan trọng nhất của tổ chức Công đoàn. Từ những cơ sở Công hội đầu tiên trên đất Pháp, những hội tương tế mang nặng tính chất phường hội thị dân, từ những “đốm lửa” Công hội Đỏ đầu tiên của Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đầu những năm 1920, cùng với sự xâm nhập của tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào nước ta qua Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; từ những năm 1926 phong trào công nhân phát triển mạnh, đặc biệt theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc nêu ra ở Quảng Châu, những học trò ưu tú của Người như Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự đã phát động phong trào vô sản nổi tiếng, làm cho tổ chức Công hội ở Bắc và Trung Kỳ thực sự lan rộng, phát triển mạnh mẽ. Đó cũng chính là bối cảnh để Đông Dương Cộng sản Đảng giao trọng trách cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929, tại số 15 Hàng Nón, Hà Nội - là tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay.

Tác phẩm Bác Hồ nói chuyện với công nhân ngành Đường sắt Việt Nam (Nguồn: Internet)

Những hình ảnh, hiện vật bao gồm: ảnh chụp bức tranh do Nguyễn Ái Quốc vẽ trên báo Le Paria với tiêu đề Người dân mất nước và kẻ xâm lược; ảnh Công nhân dưới hầm mỏ dưới thời Pháp thuộc; ảnh Cuộc đình công của công nhân đồn điền cao su Biên Hòa chống tư bản Pháp, đầu thế kỷ XX; ảnh chụp: Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Véc Xây (Pháp) tháng 6/1919… Cùng với các hiện vật như sách "Bản án chế độ Thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc xuất bản tại Paris, Pháp, năm 1925; Đồng hồ của chủ nhà máy Xi măng Hải Phòng dùng kiểm tra thời gian sau một ngày làm việc của công nhân; Lưỡi cuốc, Dao, Công nhân Đồn điền Phú Riềng đã dùng làm vũ khí khi đi biểu tình chống thực dân Pháp, năm 1930 tại Sông Bé; Yêu sách, Công nhân Nhà máy Sợi Nam Định gửi cho chủ nhà máy năm 1930…

Phần 2 thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Sinh thời, Bác Hồ đã trải qua cuộc đời người thợ với nhiều nhọc nhằn, khổ cực. Bởi vậy, Bác có một tình cảm yêu thương đặc biệt đối với giai cấp công nhân, dành nhiều thời gian cho việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Dù bận rộn công việc, kể cả khi tuổi cao, sức yếu, Người vẫn thường xuyên đi đến các công trường, nhà máy, hầm mỏ để chuyện trò, giáo dục, hướng dẫn, dìu dắt giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn với mong muốn xây dựng một giai cấp tiên phong, tiên tiến, hiện đại, tiêu biểu cho đất nước, dân tộc…

Bác Hồ đã trực tiếp ký Sắc lệnh ban hành Luật Công đoàn, trong đó chỉ rõ: “Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”. Đồng thời, Luật Công đoàn giao cho tổ chức Công đoàn quyền quản lý, điều hành Quỹ bảo hiểm xã hội để duy trì hoạt động Công đoàn và bảo đảm lợi ích thiết thực của người lao động…

Còn ở phần 3 của chuyên đề trưng bày, các hiện vật, hình ảnh được trưng bày nêu bật thông điệp công nhân, lao động và Tổ chức Công đoàn đang cùng với toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn theo hướng trí tuệ - dân chủ - đoàn kết - sáng tạo, tạo ra động lực thực sự cho sự phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn vì quyền và lợi ích của người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Dự kiến trưng bày sẽ kéo dài trong 3 tháng.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu