19:02 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Khai hội chùa Hương Tích, Hà Tĩnh

08:46 30/01/2023

(THPL ) - Sáng 29/1 (tức ngày mùng 8 Tết Quý Mão), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Tĩnh phối hợp với huyện Can Lộc long trọng tổ chức khai hội chùa Hương Tích, mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2023.

Lễ hội chùa Hương Tích là một nét đẹp văn hoá truyền thống, một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng . Lễ hội đã thành thông lệ mỗi độ xuân về, du khách khắp mọi miền đất nước lại nô nức về trẩy hội chùa Hương Tích - Thiên Lộc - Can Lộc..

Theo các tài liệu lịch sử, chùa Hương Tích nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh (thuộc địa phận xã Thiên Lộc) được xây dựng từ đời nhà Trần (thế kỷ XIII). Chùa nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những đỉnh núi đẹp nhất trong số 99 đỉnh núi Hồng - thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa Hương Tích được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, được xếp vào hàng 21 thắng cảnh nổi tiếng nhất của nước Nam xưa. Nơi đây gắn với truyền thuyết tu hành đắc đạo của công chúa Diệu Thiện.

Theo truyền thuyết, chùa Hương Tích là nơi thờ công chúa Diệu Thiện, con của Vua Trang Vương nước Sở, đi tu hóa Phật. Trên thực tế, Hương Tích là một quần thể di tích văn hóa - tôn giáo cổ truyền, gồm: chùa, am, tháp, đền, miếu, thờ Phật, thờ thần, thờ tín ngưỡng nông nghiệp, thờ mẫu và gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết. Đến với Chùa Hương, du khách không chỉ đến một chốn tâm linh huyền bí mà còn được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình.

Chùa Hương Tích nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh, thuộc địa phận xã Thiên Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh).Ảnh: Phan Châu

Tổ chức lễ khai hội chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh là dịp quảng bá hình ảnh con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Hà Tĩnh. Du khách thập phương, các tăng ni phật tử về đây hội tụ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, ấm no...

Với sự linh thiêng huyền thoại, sự hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên, những năm qua, lượng du khách và đạo hữu đến với chùa Hương Tích ngày càng tăng. Năm 2022, chùa Hương Tích thu hút 80.000 lượt du khách.

Cùng với đó, việc tôn tạo, bảo vệ di tích cũng được tỉnh Hà Tĩnh, các nhà hảo tâm, bà con nhân dân, các tăng ni phật tử góp công, góp của, góp sức, từng bước xây dựng hệ thống hạ tầng để bảo tồn, gìn giữ, trùng tu tôn tạo, để chùa trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách.

Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giong trống khai hội chùa Hương Tích 2023. Ảnh: Phan Châu 

Phát biểu khai hội, ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhấn mạnh: Hoạt động du lịch đã có những khởi sắc đáng mừng. Đây là cơ hội đồng thời cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với ngành du lịch nói riêng và tỉnh nhà nói chung.

Để phát triển tiềm năng, lợi thế, thu hút du khách đến với Hà Tĩnh, tại lễ khai hội chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Can Lộc, Sở VHTT&DL theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa của di tích, lễ hội; tuyên truyền, quảng bá xúc tiến để kích cầu và khôi phục phát triển du lịch với nhiều giải pháp hiệu quả.

Đông đảo đại biểu và nhân dân tham dự khai hội chùa Hương Tích. Ảnh: Phan Châu

Tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các hạng mục công trình tại khu di tích để từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và du khách. Đặc biệt, trong những ngày diễn ra lễ hội, huyện Can Lộc chỉ đạo BQL Khu di tích chùa Hương Tích và các địa phương, tổ chức có liên quan làm tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội; quản lý tốt cơ sở hạ tầng, cảnh quan, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, vệ sinh môi trường...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân, du khách tham gia các hoạt động dịch vụ tại đây nhận thức rõ, thực hành lối sống văn minh, xây dựng lễ hội chùa Hương Tích - Hà Tĩnh trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc, là một địa chỉ luôn được Nhân dân, du khách mong muốn tìm đến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, bám sát và thực hiện hiệu quả các chủ trương chính sách phát triển du lịch của Trung ương, của tỉnh. Tiếp tục quan tâm sâu sát hơn nữa sự nghiệp phát triển du lịch của ngành, địa phương; các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm để đưa du lịch tỉnh nhà ngày càng phát triển, tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng.

Ngày khai hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc ca ngợi về quê hương, đất nước, mừng Đảng, mừng xuân và về chùa Hương; các giải thể thao, trò chơi dân gian như: bóng chuyền nam, chạy, leo núi, giải vật cổ truyền, đua thuyền, đẩy gậy, kéo co, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, hội thi mâm ngũ quả...ngoài các phần lễ, tế lễ, dâng hương chiêm bái cúng Phật và tham quan du ngoạn cảnh đẹp, du khách còn được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, truyền thống,

Đấu vật một trong các trò chơi dân gian, truyền thống tại lễ hội .Ảnh: Phan Châu

Không gian lễ hội kéo dài từ cầu Hạ Vàng (quốc lộ 1) qua xã Thiên Lộc đến chùa Thượng, trong đó, các điểm chú trọng gồm: Hạ Vàng, khu vực xã Thiên Lộc, khu vực Ban quản lý (BQL) Khu du lịch chùa Hương Tích, bến thuyền, ga cáp treo, miếu Cô, miếu Cậu, khu vực chùa chính, chùa Thượng.

Thanh Huyền – Phan Châu

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu