16:36 ngày 20/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Huyện Quỳnh Nhai – Sơn La: Quyết tâm xây dựng nông thôn mới

23:45 19/12/2024

Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua diện mạo nông thôn huyện vùng cao Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La ngày càng khởi sắc, đổi mới toàn diện. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Đổi thay trên vùng đất mới

Đến Quỳnh Nhai, chúng tôi được nghe câu chuyện lịch sử về “sự tích miền quê” bên lòng hồ sông Đà từ người dân bản địa, nơi đây từng là những bản làng, thị trấn, là những cánh đồng, những bến sông,...câu chuyện về những người dân dứt áo, rời quê, nhường đất cho công trình thế kỷ.

Nhìn về phía lòng hồ sông Đà, giờ đây đã trở thành biển hồ mênh mông, kì vĩ như Vịnh Hạ Long giữa vùng cao Tây Bắc,  đó là minh chứng của sự đoàn kết, đồng lòng vì dòng điện của Tổ quốc, là niềm tự hào của bao thế hệ nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói chung, huyện Quỳnh Nhai nói riêng.

Lòng hồ thủy điện sông Đà giờ đây đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn của huyện Quỳnh Nhai.

Đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng ký ức về cuộc đại di dân vì dòng điện của Tổ quốc vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi người dân nơi đây. Hàng chục nghìn người dân của tỉnh Sơn La đã rời quê hương bản quán, nhường đất để thực hiện kế hoạch ngăn sông Đà, xây dựng Thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam.

Trong cuộc đại di dân lịch sử, tỉnh Sơn La di chuyển 12.584 hộ, 58.337 nhân khẩu, ở 169 bản của 17 xã thuộc 3 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, đến tái định cư tại 70 khu, 276 điểm tái định cư tập trung nông thôn, đô thị và xen ghép thuộc 8/12 huyện, thành phố trong tỉnh.

Riêng huyện Quỳnh Nhai phải di chuyển gần như cả huyện lỵ, với 8.435 hộ, 36.000 nhân khẩu thuộc 9 xã, 99 bản, xóm ra khỏi vùng ngập, chiếm 2/3 tổng số dân di chuyển trong toàn tỉnh.

“Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, “Muốn di dân phải chuyển được lòng dân”, “Cùng ăn, cùng bàn, cùng làm, cùng ở, cùng nói một thứ tiếng”,… là phương châm hành động của cấp ủy, chính quyền cùng hàng chục đoàn công tác, hàng trăm cán bộ của tỉnh, của huyện tăng cường về cơ sở, tuyên truyền, vận động, giúp nhân dân chuyển đến nơi ở mới.

Trước lời hiệu triệu của Đảng, Nhà nước, đồng bào nhân dân đã đồng thuận nhường “nơi chôn nhau cắt rốn”, mang theo ký ức về miền quê thương nhớ đến các điểm tái định cư mới.

Sau gần 2 thập kỷ thực hiện di dân tái định cư thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai từ một vùng đất còn khó khăn bộn bề trong sắp xếp dân cư, di dân nay đã có những phát triển khởi sắc, trở thành miền quê trù phú bên hồ thủy điện trong xanh.

Khi ý Đảng lòng dân hòa làm một

Năm 2010, huyện Quỳnh Nhai hoàn thành di chuyển 100% số hộ trong diện di chuyển khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La đến vùng đất mới an toàn. Sau khi hoàn thành, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai tập trung tìm hướng đi, cách làm phù hợp để ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho nhân dân, cùng với đó là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lò Thanh Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: “Xây dựng nông thôn là có điểm bắt đầu, không có điểm dừng và không có điểm kết thúc. Đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo, tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực cho nhân dân đảm nhận vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.”

Đến nay, với quyết tâm cao trong xây dựng nông thôn mới, Quỳnh Nhai phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2025, xây dựng xã Mường Giàng thành thị trấn của huyện; xã Chiềng Khoang và Chiềng Bằng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023. Còn 4 xã: Cà Nàng; Mường Sại; Nặm Ét; Chiềng Khay sẽ đạt chuẩn NTM vào năm 2024.

Tại các xã người dân đã tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và điều kiện sinh hoạt, từng bước chuyển  hóa phong trào từ tự phát thành tự giác, từ chăm lo cho gia đình, cá nhân sang lo việc chung của cộng đồng, thôn xóm.

Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM tiếp tục được phát huy hiệu quả. Các phong trào thi đua như: Phong trào “Phụ nữ Quỳnh Nhai chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Tuổi trẻ Quỳnh Nhai chung tay xây dựng nông thôn mới”; Hội Cựu chiến binh huyện tuyên truyền thực hiện phong trào thi đua “Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động " Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Duy trì hoạt động 97 mô hình xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” với 7.654 thành viên tham gia sinh hoạt.

Cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư khang trang, sạch đẹp.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn, lồng ghép các nguồn vốn nhằm phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; trú trọng đầu tư nâng cấp, xây mới hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo và an sinh xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái.

Vượt khó xây dựng nông thôn mới

Từ đầu năm đến nay, huyện Quỳnh Nhai đã nỗ lực huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tuy nhiên thực tế triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, thử thách cần tiếp tục tập trung tháo gỡ để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Diện mạo trung tâm huyện Quỳnh Nhai.

Thời gian qua, huyện đã vận động trên 300 hộ sửa chữa nhà ở, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ; hơn 36 hộ đưa vật nuôi ra khỏi gầm sàn và xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường; trên 2.000 hộ thực hiện trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc; trên 300 hộ xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; đóng góp hơn 11.400 ngày công triển khai các công trình, dự án như: thủy lợi, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa…; trồng được hơn 9.000 cây xanh, 6.090m đường hoa; duy tu bảo dưỡng 43,1km đường giao thông; vận động 1.221 người tham gia.

Điển hình tại các xóm 1, xóm 2, xóm 3, xóm 4 xã Mường Giàng người dân đã dự nguyện đóng góp hơn 300 triệu đồng để chỉnh trang cảnh quan trên các tuyến đường (lắp đèn led, đèn trang trí) với tổng chiều dài tuyến đường gần 2km.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và đồng lòng của nhân dân, đến nay xã Mường Giàng đã đạt 6/9 tiêu chí, 48/52 chỉ tiêu xây dựng đô thi văn minh. Bên cạnh đó, xã Mường Giàng đã hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu đề ra, dự kiến cuối năm 2024 xã được công nhận tiêu chuẩn NTM nâng cao, tạo động lực để thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị văn minh trong tương lai.

Huyện Quỳnh Nhai nhìn từ trên cao, lung linh sắc màu về đêm.

Về xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, Quỳnh Nhai đã đạt 4/9 tiêu chí gồm: Giao thông; thủy lợi và phòng chống thiên tai; Điện; Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công). 5/9 tiêu chí còn lại đang được tích cực thực hiện.

Có thể nói, xây dựng NTM ở huyện Quỳnh Nhai, các tiêu chí NTM chưa đạt đều là tiêu chí khó và đòi hỏi cần nhiều nguồn lực, trong khi chất lượng đời sống nhân dân còn rất thấp. Do đó, dù chương trình xây dựng NTM đã tuyên truyền mạnh mẽ đến từng hộ gia đình, được người dân nhiệt tình hưởng ứng, nhưng trước những khó khăn đến từ nhiều phía.

Huyện Quỳnh Nhai luôn chú trọng đến môi trường sáng - xanh – sạch – đẹp.

Để tháo gỡ khó khăn, huyện Quỳnh Nhai đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí. Huy động và phân bổ kịp thời các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn như đường giao thông, trường học, điện, thủy lợi, nhà văn hóa, trụ sở của các xã, bản vùng nông thôn. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp. Xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa... Trong đó, tập trung hoàn thành các công trình phục vụ phát triển kinh tế, đời sống sinh hoạt của nhân dân và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

Hiện huyện Quỳnh Nhai có 1 Nghệ nhân nhân dân, 8 Nghệ nhân ưu tú cùng các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công nhận, như: Lễ hội Kin Pang Then, Lễ hội gội đầu, Tết Xíp xí của dân tộc Thái trắng; Lễ hội Xé Pang Á của dân tộc Kháng; Lễ hội Xên Pang Ả của dân tộc La Ha. Việc công nhận các di sản và vinh danh nghệ nhân đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, là động lực để bà con tích cực gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Việc nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa và sự hưởng thụ văn hóa của nhân dân được coi là yếu tố quan trọng có tính “mở đường” cho việc thực hiện và đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2025, huyện tiếp tục thực hiện các mô hình chuyển đổi kinh tế hiệu quả như: Nuôi cá lồng bè lòng hồ sông Đà; trồng cây ăn quả như: Cam, Nặm Ét; nhãn, Chiềng Bằng; dứa, xoài, trám đen, Chiềng Ơn, Mường Giôn và chăn nuôi đại gia xúc nhốt chuồng, trại ... gắn với các mô hình trồng dược liệu xen ghép...

Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại du lịch, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, du lịch nông thôn; công nghệ thông tin gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực; quan tâm công tác đào tạo nghề ... để phát huy được các giá trị đặc trưng của vùng và góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Một số hình ảnh về huyện Quỳnh Nhai – Sơn La:

Huyện Quỳnh Nhai khoác lên mình diện mạo mới.
Du lịch lòng hồ Quỳnh Nhai – Điểm đến du khách.
Nuôi cá lồng bè trên sông Đà.
Du lịch Quỳnh Nhai – Hội nhập và phát triển. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hải
Lòng hồ thủy điện sông Đà – Quỳnh Nhai như “Vịnh Hạ Long” giữa vùng cao Tây Bắc.

Văn Sang - Nguyễn Kiên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu