15:39 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hàng vạn du khách nô nức trẩy hội chùa Tân Thanh

13:46 06/02/2017

THPL – Mùa xuân là mùa lễ hội với nhiều sự kiện được tổ chức cùng lúc tại nhiều địa phương. Nhưng ngày mùng 9 tháng Giêng năm nay, nhiều người lựa chọn trẩy hội Tân Thanh, Lạng Sơn để mùng 10 về lễ hội Mẫu Đồng Đăng. Hãy cùng chúng tôi hòa vào dòng du khách hướng về lễ hội tưng bừng bậc nhất xứ Lạng này.

Là tỉnh giáp biên giới nên Lạng Sơn là một nơi có nhiều cộng đồng dân tộc anh em cùng chung sống. Chính sự phong phú về thành phần dân tộc dẫn đến sự đa dạng về hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, tạo nên sự xuất hiện của hàng loạt các di tích kiến trúc tôn giáo ở Lạng Sơn như: đình, đền, chùa...được địa phương hoá, hoà đồng với tín ngưỡng bản địa. Đặc tính này hình thành diện mạo khá độc đáo trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Lạng. 

Ban tổ chức ước tính khoảng một vạn du khách về khai hội chùa Tân Thanh xuân Đinh Dậu 2017.

Nằm tại cửa khẩu Tân Thanh (xã Tân Thanh, Văn Lãng, Lạng Sơn) sát với biên giới Việt - Trung, chùa Tân Thanh được khởi công từ ngày 16/5/2016 với diện tích 21 ha, tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng từ nguồn phát tâm công đức Phật tử. Đến nay, ngôi Tam Bảo với diện tích 1.300 m2 đã hoàn thiện. Điện thờ Thánh Mẫu, đại bảo tháp, điện Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm đang từng bước được xây dựng.

Lễ hội Xuân xứ Lạng gắn với Lễ hội chùa Tân Thanh khai mạc với nhiều màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc xây dựng ngôi chùa Tân Thanh nơi biên cương của Tổ quốc không chỉ là nơi thờ Phật mà còn có ý nghĩa như một cột mốc văn hóa, tâm linh của người Việt Nam. Sự hiện diện của ngôi chùa nơi biên giới còn là thông điệp về sự chân thành, lòng từ bi theo tinh thần Phật giáo, tình hữu nghị, cam kết cùng phát triển của nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế.   

Đoàn đại biểu Thị xã Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sang dự khai mạc và chụp ảnh giao lưu cùng du khách. 

Lễ khai mạc Lễ hội xuân xứ Lạng gắn với Lễ hội chùa Tân Thanh năm nay, bên cạnh sự tham dự của Hoà thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam còn có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lạng Sơn, hàng vạn du khách và đặc biệt là Đoàn đại biểu Thị Bằng Tường (thị xã Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Sự có mặt của Đoàn đại biểu Thị Bằng Tường khẳng định tình hữu nghị, cam kết hợp tác cùng nhau phát triển của nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Cành đào xuân thắm tươi bung cánh hồng chào đón ngôi chùa mới nơi địa đầu Tổ quốc. 
Đông đảo bà con các dân tộc Lạng Sơn tưng bừng về dự lễ khai hội.
Các trò chơi dân tộc như ném còn, đẩy gậy, kéo co thu hút đông đảo du khách tham dự.

Đặc biệt năm nay, Ban tổ chức lễ hội tổ chức một khu vực riêng cho trò chơi Lảy cỏ, một trò chơi rất đặc trưng của đồng bào dân tộc Lạng Sơn. Trò chơi này có 2 người chơi, một trọng tài và đông đảo người chứng kiến. Luật chơi như sau, khi chơi 2 người phải đồng thanh hô và giơ ngón tay ra (tương tự như trò oẳn tù tì, nhưng còn kết hợp cả tay và miệng). Khi có 1 người chơi hô đúng tổng số ngón tay mà cả hai cùng đưa ra (và người kia hô sai) thì người hô đúng thắng lượt chơi đó.

Ai đoán sai sẽ phải uống rượu nên càng lúc trò chơi càng sôi nổi, càng thu hút đông đảo người dân các dân tộc tham dự.

Trò chơi rất sôi nổi vì 2 người chơi sẽ đoán số bằng các cụm từ đặc trưng. Khu vực chơi vang lên những tiếng đoán số rộn rã (tiếng dân tộc thiểu số). Đoán số 0: Tui, Đoán số 1 : Nhất tiểm, nhất tình đời ...  Đoán số 2: Nhỉ tảu, nhì tiểm ... Đoán số 3: Sam tiểm, sam tua sam ... Đoán số 4: Xế tài xế, xế tua ... Đoán số 5: Lẳm môn lắm... Đoán số 6: Loọc váy loọc ... Đoán số 7: Chắt chểu chắt ... Đoán số 8: Pát giàng pát, pét buồng pét.... Đoán số 9: Cẩu phái xoòng .... Đoán số 10: Hồi mã, hối lồi lồi ...

Để phục vụ cho Lễ khai hội, lực lượng chức năng đã phân luồng giao thông về cửa khẩu, khiến dòng xe container kéo dài nhiều km.

Về xứ Lạng mùa xuân, du khách cũng không nên bỏ lỡ những món ăn đặc sản nơi đây như lợn quay, thịt trâu và đặc biệt là bánh cuốn Lạng Sơn. Bánh cuốn là món ăn ưa thích của đồng bào các dân tộc thiểu số vào buổi sáng. Bánh gồm hai loại, bánh cuốn nhân thịt và bánh cuốn nhân trứng gà. Đặc biệt, khác với bánh cuốn Cao Bằng ăn như ăn bánh canh hay nước chấm bánh cuốn Thanh Trì pha từ nước mắm, nước chấm bánh cuốn Lạng Sơn được làm từ nước hầm xương và thêm nếm hàng chục loại gia vị khác nhau. Cũng từ ngần đó gia vị nhưng pha ra thì mỗi người lại tạo ra một kiểu nước chấm khác nhau nhưng nó có một điểm chung, nước chấm bánh cuốn chính là một tiêu chí quan trọng để thu hút khách hàng.

Bánh cuốn nhân thịt.
Bánh cuốn trứng.
Bà Sơn, chủ một cửa hàng bánh cuốn có tiếng xứ Lạng đang thực hiện kỹ thuật pha nước chấm gia truyền.
Con gái bà Sơn chỉ mới được truyền kỹ thuật hấp bánh chứ chưa học được cách pha nước chấm của gia đình.
Trước khi ra về, du khách không nên bỏ qua món ăn đặc trưng của xứ Lạng, lợn sữa quay với nhiều cửa hàng nổi tiếng trước cửa chợ Đông Kinh 

Sơn Tùng 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu