17:50 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Tĩnh: Người dân gia cố ao nuôi, chằng néo cây “đặc sản” trước bão Kompasu

09:21 14/10/2021

(THPL) - Theo Đài khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, đến ngày 15/10, Hà Tĩnh có mưa rất to và giông, lượng mưa phổ biến 200-300 mm, có nơi 350 mm. Nhà chức trách cảnh báo vùng núi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực đồng bằng, ven sông đô thị đề phòng ngập úng.

Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 8, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành lệnh cấm biển. Các ngư dân Hà Tĩnh đã chủ động đưa tàu vào vị trí an toàn, người nuôi tôm cá dùng lưới quây quanh ao để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra mưa bão. Hà Tĩnh hiện có 2.000 tàu thuyền đã vào bờ trú bão.

Người dân chủ động phòng chống trước khi bão về.

Để chủ động phòng ứng phó với mưa lũ, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè tại xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh), xã Hộ Độ (Lộc Hà) đã chuyển cá vào các ao nuôi trong đê, để tránh bị sốc nước khi mưa lớn. Hiện tổ hợp tác nuôi cá lồng bè tại đây có hơn 30 hộ tham gia, với khoảng 100 ô lồng.

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh cũng tiến hành gia cố bờ ao, thực hiện các biện pháp ứng phó cơn bão Kompasu. Chính quyền và ngành chuyên môn các địa phương nhanh chóng rà soát lại diện tích nuôi trồng; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở nuôi thực hiện các biện pháp trước và sau bão để đảm bảo an toàn trong mưa bão.

Theo Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 6.539 ha diện tích đang nuôi thuỷ sản với sản lượng ước khoản 3.113 tấn chưa thu hoạch; trong đó, diện tích nuôi tôm khoảng 1.662 ha, sản lượng 1.273 tấn. Ngành chuyên môn khuyến cáo, trước tình hình mưa bão, người nuôi tôm cần lưu ý nạo vét kênh mương; kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, bờ bao; chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu cần thiết để chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống ao hồ, hạ tầng…

Người dân chủ động bảo vệ tài sản trước cơn bão

Tại khu vực miền núi, người dân huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê cũng tranh thủ  chằng néo, chống đỡ cành, bảo vệ quả cho những vườn cam đang vào vụ thu hoạch. Đồng thời chủ động tìm cách tiêu thoát nước tránh tình trạng ngập úng lâu ngày dẫn đến thối rễ chết cây.

Huyện Hương Sơn cũng đã xác định được 20 vùng có nguy cơ sạt lở đất với 437 hộ/1.485 nhân khẩu. Đặc biệt, nguy cơ cao tập trung ở các xã: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, Sơn Lâm, Sơn Giang, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Hàm... “Địa phương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thời tiết, nhận định đúng tình hình để lên phương án, kế hoạch; phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng vùng, từng hộ dân và chuẩn bị lực lượng, phương tiện để tổ chức sơ tán dân khi cần thiết”, ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn thông tin.

Trước dự báo, Hà Tĩnh sẽ có các đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 8, Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh cũng tiến hành xả tràn 5 hồ chứa nước nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Trước lúc xả tràn, đơn vị đã thông báo cho các huyện, thị xã, thành phố và các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp do xả lũ, khẩn trương thông báo, đôn đốc và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra.

Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, dung tích các hồ chứa trên địa bàn đang phổ biến đạt từ 75% - 95% dung tích thiết kế. Riêng các hồ chứa lớn như: Ngàn Trươi, Kẻ Gỗ hiện nay mới đạt 46% đến 64% dung tích thiết kế.

Anh Tuấn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu