02:43 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Giang: Tạo việc làm là chìa khóa xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch lao động

Mộc Trà | 17:39 16/11/2024

(THPL) - Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp để người dân thoát nghèo nhanh và bền vững, tỉnh Hà Giang đã và đang tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho lao động địa phương.

Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc

Hà Giang - một tỉnh miền núi, biên giới với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 87,63%, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Nhất quán từ chủ trương của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã bền bỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo (XĐGN). Với phương châm “không cam chịu đói nghèo”, “biến khó khăn thành cơ hội phát triển”, nhiều chương trình, dự án lớn được triển khai thực hiện. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm từng bước được hoàn thiện…

Phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Báo Hà Giang)

Chia sẻ về công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Trước mắt cũng như thời gian tới, xoá đói giảm nghèo vẫn là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Hà Giang. Thực tế cho thấy để xoá đói giảm nghèo một cách bền vững thì vấn đề cơ bản nhất chính là tạo công ăn việc làm cho người lao động. Xác định rõ điều đó, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, các dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó giúp người dân nắm bắt thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn việc làm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành hết sức khẩn trương, quyết liệt. Trong đó, Sở đã hướng dẫn thực hiện phương án thí điểm đưa lao động Hà Giang sang Trung Quốc làm việc theo thỏa thuận; Ban hành văn bản đề nghị chuyển hàm thư trao đổi với Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội châu Văn Sơn, Trung Quốc; Tăng cường công tác quản lý hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Hà Giang và Cục trưởng Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội Châu Văn Sơn (Trung Quốc) ký Biên bản hội đàm

Trong năm 2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình tỉnh cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm cho 2 doanh nghiệp và cấp giấy phép cho 3 đơn vị đưa lao động Hà Giang sang Trung Quốc làm việc theo thỏa thuận. Tổ chức tập huấn về hướng dẫn thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2024 cho 408 người là thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; Tập huấn về chính sách lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho cán bộ cơ sở cấp xã của 5 huyện với 980 lượt cán bộ tham dự; Tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp với gần 200 điểm cầu tham dự về xúc tiến thu hút lao động trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến làm việc tại tỉnh Bắc Giang, đồng thời ban hành văn bản triển khai gửi các huyện, thành phố về việc đưa người lao động tỉnh Hà Giang đến làm việc tại Bắc Giang.

Sở còn phối hợp với các huyện đẩy mạnh hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm gắn với thị trường và kết nối cung, cầu lao động, tổ chức 9 hội chợ việc làm tại các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Mèo Vạc, Yên Minh, Quang Bình, Bắc Mê giúp người lao động tiếp cận với doanh nghiệp và thông tin việc làm để tìm kiếm việc làm. Kết quả, đã có 7.603 lượt người lao động đi làm việc tại Trung Quốc theo thỏa thuận. Tổ chức 166 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, định hướng nghề nghiệp tại các xã, cụm xã, học sinh khối 12 trên địa bàn tỉnh với 12.905 người (đạt 99,3% kế hoạch).

Đặc biệt, Sở đã giới thiệu việc làm thành công cho 890 người đi làm việc ngoài tỉnh. Tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng trực tuyến của 137 đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, hỗ trợ cho 152 người lao động đăng ký tìm việc làm trực tuyến; Ban hành quyết định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 2.734 người kết hợp với tư vấn việc làm, học nghề cho người lao động. Nhờ đó, người lao động nói chung, con em người dân tộc thiểu số nói riêng có điều kiện tham gia các lớp đào tạo nghề, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang - Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị trực tuyến điểm cầu trường trung cấp DTNT - GDTX Bắc Quang

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang Đỗ Anh Tuấn chia sẻ: Điểm mấu chốt trong công cuộc XĐGN là khơi dậy ý thức tự vươn lên của người dân, nâng cao năng lực cho người dân để họ bước qua đói nghèo bằng chính đôi chân của họ. Theo đó, giải quyết việc làm là định hướng quan trọng, thiết yếu để chương trình XĐGN đạt được tính bền vững.  Đối với tỉnh Hà Giang, nỗ lực XĐGN tập trung mạnh vào vấn đề giải quyết việc làm cho lao động địa phương, chú trọng công tác dạy nghề và hướng nghiệp cho người lao động. Mục tiêu là khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lao động nông thôn, coi đây là chiếc chìa khoá để thực hiện thành công chương trình XĐGN.

Tính đến 31/10/2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 23.378 lao động đạt 102% KH, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, làm việc tại địa phương 6.962 người, làm việc ngoài tỉnh 16.425 người (Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 147 người; Nhật Bản 93 người, Đài Loan 46 người, Hàn Quốc 02 người, Rumani và các nước khác 6 người; Lao động đi làm việc các tỉnh trong nước 16.131 người).

Ước thực hiện năm 2024 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 30.505 lao động đạt 167% kế hoạch (tăng 9,86% so với cùng kỳ năm 2023) trong đó tại địa phương là 11.488; đi làm việc ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài là 19.017 lao động. Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy lao động sản xuất của người dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với việc hỗ trợ giải quyết việc làm.

Góp phần vào sự nghiệp giảm nghèo bền vững

Xác định để giảm nghèo bền vững, trước tiên là thay đổi được tư duy, nhận thức từ chính người dân, vì vậy, Hà Giang rất quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động các hộ nghèo. Mục tiêu lớn nhất là để người dân có thể phát huy được tinh thần tự lực, có khát vọng, chủ động, nỗ lực phấn đấu và vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện giảm nghèo bền vững trong năm 2024, Hà Giang được bố trí 1.003.256 triệu đồng cho xây dựng và thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Nhờ nguồn lực này, các chương trình hỗ trợ huyện nghèo và các xã vùng khó khăn phát triển kết cấu hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hội thảo hướng nghiệp và trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh

Cùng với các chương trình hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm mới, các chính sách an sinh, bảo trợ xã hội được tỉnh triển khai kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách, như: Tổ chức mua, cấp thẻ BHYT miễn phí cho các đối tượng. Công tác trợ giúp, chăm sóc hỗ trợ đối tượng là người già neo đơn, người cao tuổi, trẻ em, người tàn tật,… được quan tâm chu đáo. Năm 2024, theo mục tiêu phấn đấu huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, huyện, xã đạt mục tiêu nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm trên 5,0% (vượt chỉ tiêu của tỉnh giao và vượt chỉ tiêu của Trung ương giao).

Những dấu ấn trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững là quá trình tỉnh Hà Giang đã đồng bộ thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đặc biệt với nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời thông qua các giải pháp đột phá về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang đã khẳng định vai trò là cơ quan tham mưu tích cực trong việc nâng cao đời sống cho người dân, giúp cho nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương từng bước hiện thực hóa mục tiêu xóa nghèo.

Mộc Trà

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu