01:06 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Giang: Phát huy nội lực, tinh thần tự chủ để giảm nghèo bền vững

Trung Kiên | 20:36 18/11/2024

(THPL) - Thông qua việc triển khai hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững, tỉnh Hà Giang vừa tiếp sức, vừa khơi dậy khát vọng để người dân phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo. Từ đó góp phần làm tươi sáng bức tranh giảm nghèo, thay đổi diện mạo, vị thế Hà Giang trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

 

Cột cờ Lũng Cú nơi cực bắc Tổ Quốc nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang

Là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, Hà Giang có trên 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhằm từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp chính quyền tỉnh Hà Giang đã tập trung triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT - XH các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

 

Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền về giảm nghèo giiai đoạn 2021-2025

Đồng thời, đổi mới công tác truyền thông về chương trình giảm nghèo bền vững sâu rộng đến cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức đoàn thể; đặc biệt là các tầng lớp dân cư và người nghèo, nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy tính chủ động vươn lên của người nghèo; tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững.

Nếu trước đây bà con nông dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, thì nay đã quan tâm đến liên doanh liên kết để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa. Với việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể đã và đang giúp Hà Giang xây dựng hiệu quả các mô hình giảm nghèo bền vững để nhân rộng. Góp phần đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Nhờ mô hình HTX kiểu mới nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát huy hiệu quả từ các mô hình kinh tế tập thể

Một trong những mô hình, dự án mang lại hiệu quả rõ nét nhất trong công tác giảm nghèo đó là hỗ trợ người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thông qua mô hình kinh tế tập thể. Tại huyện Bắc Mê xuất hiện rất nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi giá trị hàng hóa như mô hình trồng chuối tại thôn Tạm Mò, xã Yên Định của Công ty cổ phần Phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang; mô hình nuôi cá chiên, cá lăng của Hợp tác xã Thượng Tân, thị trấn Yên Phú; mô hình trồng dâu nuôi tằm của Hợp tác xã Thiên Ân, xã Yên Cường… Những mô hình phát triển kinh tế hàng hoá này đã giúp người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo nâng cao nhận thức, có ý chí vươn lên. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm bình quân 2,22%/năm.

Không chỉ phát triển tốt các mô hình giảm nghèo theo hình thức phát triển kinh tế tập thể, mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang được các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang rà soát, lựa chọn, xây dựng các dự án để tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin). 

Tính đến nay, huyện Quang Bình đã triển khai 11 dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (loại hình nông nghiệp) gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng trong năm 2024, huyện triển khai 4 dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng tại các xã Tiên Nguyên, Tân Nam, Yên Bình, Nà Khương với tổng kinh phí được cấp là 2.375 triệu đồng từ ngân sách Trung ương.

Được xem là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực chăn nuôi, huyện Đồng Văn đã và đang tích cực phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế theo hướng gia trại, trang trại phù hợp với thực tế địa phương. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 54,5%. Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm qua liên tục tăng, cụ thể: Năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 6%, năm 2022 giảm 6,2%, năm 2023 giảm 7%. Năm 2024, huyện phấn đấu giảm 11% tương đương với 1.879 hộ thoát nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2024 còn 9.329 hộ nghèo đa chiều.

Hay tại xã biên giới Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc có gần 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để nâng cao đời sống của người dân, xã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các chương trình MTQG.

Gia đình ông Giàng Chù Sình, ở thôn Xín Chải là một trong 20 hộ đang được thụ hưởng dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Khi được thông báo nằm trong diện thụ hưởng, ông đã trồng thêm 0,5 ha cỏ để bảo đảm nguồn thức ăn cho vật nuôi, chuồng trại cũng được tu sửa lại. Ông Sình chia sẻ: "Từ khi được hỗ trợ bò sinh sản, gia đình tôi tập trung chăm sóc tốt để bò sinh trưởng, phát triển tốt, sớm sinh bê con. Tôi hy vọng đây sẽ là điều kiện giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo trong năm tới".

Với nguồn kinh phí được giao thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2024 là 1.003.256 triệu đồng, đến ngày 31/10, tỉnh Hà Giang đã thực hiện đầu tư 53 công trình chuyển tiếp cấp huyện, liên xã; khởi công mới 4 công
trình; duy tu 30 công trình cấp xã. Đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho 2
trường Trung cấp và Cao đẳng nghề của tỉnh. Triển khai 232 dự án hỗ trợ sản xuất do cộng đồng đề xuất, tập trung triển khai hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm với 5.524 hộ hưởng lợi. Tỉnh đã tiến hành hỗ trợ triển khai xây mới nhà ở cho 3.044 hộ, sửa chữa 1.018 hộ nghèo và cận nghèo tại 7 huyện nghèo; thực hiện thiết lập mới, nâng cấp đài truyền thanh các xã và hệ thống truyền thanh không dây các thôn bản...

Đối với 2 huyện Quản Bạ và Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đang tiếp tục triển khai kế hoạch thoát khỏi huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, phấn đấu cuối năm 2024 huyện Quản Bạ giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 7,9%, huyện Bắc Mê giảm 6% theo kế hoạch. Về chỉ tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều, năm 2024, theo mục tiêu phấn đấu
huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, huyện, xã đạt mục tiêu nông
thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm trên 5,0% (vượt chỉ tiêu của tỉnh
giao và vượt chỉ tiêu của Trung ương giao).

Có thể nói, với việc lồng ghép các chương trình, dự án và chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cùng các chính sách hỗ trợ khác đã giúp hàng nghìn hộ dân có thêm nguồn lực để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. Hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế đã góp phần tích cực khai thác tiềm năng đất đai, đa dạng cây trồng, vật nuôi. Nếu như vùng cao nguyên đá có thương hiệu bò vàng, mật ong bạc hà, tam giác mạch thì các địa phương khác có chè Shan tuyết lừng danh, cam sành nổi tiếng, gạo chất lượng cao. Bà con nông dân đang chuyển mình đến một nền sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, hội nhập sâu rộng với thị trường. Qua đó đời sống người dân ngày càng được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu, diện mạo cơ sở hạ tầng những bản làng vùng biên đang ngày càng khởi sắc.

Về phương hướng trong năm 2025, tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo cách tiếp cận đa chiều (duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4,7%/năm, giảm 8.493 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó 7 huyện nghèo giảm 6%/năm trở lên, phấn đấu 2/7 huyện nghèo tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 40%, thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn). Phấn đấu giải quyết việc làm cho 18.500 lao động, trong đó tại địa phương là 7.000 lao động, đi làm việc ngoài tỉnh 11.500 lao động (xuất khẩu 600 lao động). Đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho 13.000 người, trong đó sơ cấp và dưới 3 tháng 12.140 người; trung cấp cao đẳng 860 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh từ 60% năm 2024 lên 61,2% năm 2025… Để đạt được những mục tiêu đề ra, Hà Giang sẽ tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho các địa phương tận dụng tiềm năng, phát triển hiệu quả các mô hình, dự án giảm nghèo phù hợp thực tế ở mỗi địa phương. Tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ngành địa phương tập trung nguồn lực, tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn và triển khai đồng bộ các giải pháp để công tác giảm nghèo được triển khai hiệu quả, rộng khắp.

Với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau", giúp người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tiếp tục là động lực, tạo "cú hích" lớn, góp phần quan trọng giúp tỉnh Hà Giang "biến khó khăn thành cơ hội phát triển", khai thác các tiềm năng, thế mạnh, xây dựng địa phương ngày một tiến xa và hòa cùng dòng chảy hội nhập trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trung Kiên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu