23:44 ngày 21/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Giới trẻ dùng tiếng ''lóng'' để bắt trend hay đang lạm dụng như một phát ngôn thiếu văn hóa?

07:00 01/01/1970

Việc "lạ hóa'' tiếng Việt trong ngôn ngữ, đối với giới trẻ chỉ đơn thuần là vui nhưng đối với thế hệ trước đó là biểu hiện của sự suy đồi văn hóa. Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa hai luồng suy nghĩ trái chiều này?

Ngày nay, những từ như "mlem mlem'', ''vãi'', ''cmnr'', ''dis'',... được giới trẻ sử dụng trong các cuộc giao tiếp hàng ngày. Không ít người mới đầu nghe đã không khỏi giật mình và khó chịu vì họ không thể hiểu được những người trẻ đang nói gì? Và ngay cả khi biết được ý nghĩa thật sự của những ngôn từ này họ cũng lắc đầu ngao ngán vì quá thô tục. Việc lạ hóa tiếng Việt trong ngôn ngữ có lẽ đối với giới trẻ chỉ đơn thuần là vui, thậm chí họ cứ hùa theo sử dụng cho hợp trend chứ cũng chẳng biết ý nghĩa của nó là gì? Còn trong suy nghĩ của những thế hệ trước việc giới trẻ "sính" dùng ngôn từ lạ lẫm này chỉ thể hiện một sự suy đồi văn hóa. 

Khi hai tư duy của hai thế hệ không cùng điểm giao đã có nhiều những tranh cãi xoay quanh vấn đề này. Liệu giới trẻ sử dụng từ lóng là để bắt trend hay đang lạm dụng nó như một phát ngôn thiếu văn hóa mà người lớn vẫn nghĩ? 

Trước hết ta cần tìm hiểu thế nào là từ lóng? Từ lóng là những cụm từ lái nghĩa, thường được sử dụng trong văn nói, giao tiếp suồng sã và thân mật. Việc sử dụng từ lóng của giới trẻ khiến cuộc trò chuyện giữa hai người trở nên thú vị, sôi nổi, thân thiết hơn và câu nói sẽ không bị quá nghiêm trọng. 

Với xu hướng ngày càng hiện đại, giới trẻ sử dụng từ lóng như một câu phát ngôn cửa miệng. Việc đăng tải một dòng trạng thái lên facebook cũng chiêm đệm một vài từ lóng trong bài đăng của mình. Giới trẻ sử dụng từ lóng trong nhiều mục đích biểu lộ cảm xúc khác nhau, khi vui cũng chửi nhau "vãi nồi'', khi giận cũng chửi nhau ''vãi nồi'', khi bàn luận cũng đệm vào từ ''vãi nồi'',... Vì họ cho rằng phải thêm thắt những từ ngữ này vào thì câu nói mới hài!

Những từ lóng thông dụng nhất mà giới trẻ thường sử dụng trong phát ngôn của mình như ''vãi'', ''cmnr'', ''dis'', ''cà khịa'', ''trẻ trâu'', ''lầy'',... Đa số những từ này đều được xem như trào lưu của giới trẻ, chỉ cần một người phát ngôn (chủ yếu là người nổi tiếng có sức ảnh hưởng đến giới trẻ) và điều đó trở nên thú vị thì ngay lập tức nó lan rộng như một hiệu ứng domino.

Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng từ lóng, giới trẻ còn đua nhau ''biến thể'' các câu ca dao tục ngữ làm sai lệch ý nghĩa gốc với mục đích gây hài: ''Đánh người chạy đi không ai đánh người chạy bộ'', “Gần mực thì đen, gần có người yêu thì giật mình tỉnh giấc” hay “Voi chín ngà, gà chiên nước mắm”,... Các bạn trẻ còn thành lập hẳn một group có tên là ''Trại tâm thần đa ngôn ngữ'' với hơn nửa triệu thành viên, để chia sẻ với nhau về từ lóng và những câu nói đùa phổ biến nhất hiện nay. Điều đáng nói, cách sử dụng từ lóng gây nhiễu loạn tâm trí người đọc này lại thu hút lượt tương tác một cách khủng khiếp, những bài đăng có thể lên đến vài chục nghìn lượt like, bình luận và chia sẻ. Có thể hiểu, giới trẻ tỏ ra thích thú trước cách sử dụng từ lóng này chỉ đơn thuần vì nó ''vui''. Nhưng việc sử dụng từ lóng quá nhiều và biến nó trở thành một trào lưu như thế thì không thể không kể đến tác động lan truyền ''vũ bão'' của mạng xã hội.

Ngày nay, chỉ với ước tính 15s, một cái clip Tik Tok có thể làm rung chuyển tất cả các trang mạng xã hội. Hay chỉ cần một dòng status là vài tiếng sau phủ đầy bảng tin người dùng và các mặt báo. Chẳng hạn, chỉ trong một vài giây ra mắt, lập tức câu hát ''cơm sườn hay cơm tấm chứ anh đừng cơm sườn em anh nhé'' nổi lên như một cơn lốc với việc chế lại lời ngụ ý chế giễu bài hát Cắm Sừng Ai Đừng Cắm Sừng Em của nữ ''ca sĩ'' Phí Phương Anh. Hay chỉ trong một buổi livestream bán hàng của Kem Kabi, câu nói vô thưởng vô phạt ''gái Nhật đó'' bỗng trở nên hot hơn bao giờ hết. 

Việc sử dụng từ lóng trong giao tiếp như thế đã trở thành xu hướng phổ biến, thậm chí nhiều người còn quan niệm phải biết thì mới hợp thời, còn không biết thì đúng là … người tối cổ!

Khi mạng Internet chưa phát triển, thì báo in, báo đài là phương tiện truyền thông phổ biến đối với thế hệ X, Y. Họ chính là những bậc phụ huynh của Gen Z bây giờ, họ lớn lên trong thời đại của những trò chơi dân gian chứ không phải những game điện tử trên điện thoại, máy tính. Thậm chí đến tận bây giờ, khi họ đã cầm được trên tay một chiếc smartphone, được tiếp xúc với thông tin từ Internet thì lối tư duy và sử dụng mạng của họ cũng còn bị bó hẹp trong tâm tưởng ''cũ kỹ'', khó mà đổi mới được. Còn Gen Z - thế hệ tư duy đột phá hơn so với các thế hệ trước kia. Họ yêu thích những cái mới và sẵn sàng đón đầu các xu hướng. Vì từ khi sinh ra họ đã sống - ăn - ở cùng Internet, bằng chứng là giới trẻ ngày nay có thể vừa ăn cơm, vừa học online, vừa xem YouTube, họ yêu thích sự đa tương tác các phương tiện truyền thông bởi sự tiện lợi của nó. 

Chính vì thế, mạng xã hội bây giờ trở thành một công cụ để gắn kết mọi người lại với nhau. Đây được xem là nơi đông nhất của những kết nối. Học sinh, sinh viên, những người làm việc đều cập nhật thông tin thông qua các nhóm trên Zalo, Facebook,... Ở trong một lớp đại học có 100 bạn thì cũng có đến 100 tài khoản Facebook để làm thông tin liên lạc. Hầu như việc sử dụng mạng xã hội là điều bắt buộc đối với người trẻ chứ không đơn thuần là việc họ thích thì mới dùng. Điều này đã làm các hiện tượng mạng như trên ăn sâu vào trong đời sống của giới trẻ.

Mạng xã hội chính là công cụ thúc đẩy biến việc sử dụng từ lóng trở thành trào lưu. Việc giới trẻ cảm thấy hào hứng trước những từ ngữ, câu nói viral thì họ đổ xô nhau sử dụng làm nó lan truyền một cách không kiểm soát. Tâm lý giới trẻ còn là chuyện nếu mình không bắt kịp trend thì sẽ trở thành “người tối cổ”, mình nhất quyết phải tham gia vào cuộc vui đó. Thậm chí họ còn cảm thấy khá bứt rứt khó chịu khi không nghĩ ra được gì hay ho để bắt trend cho kịp với luồng sóng ngoài kia. 

Khi có quá nhiều người sử dụng ngôn từ lóng theo hiệu ứng đám đông kiểu “ai sao mình vậy” thì những từ ngữ đó vô tình được giới trẻ cho rằng không có gì gọi là sai trái, họ chỉ cảm thấy “vui”, thế thôi! Nhưng đối với thế hệ trước, họ không tiếp xúc thường xuyên với mạng xã hội, họ không hề biết đến những cuộc vui đó, họ không được trải nghiệm và hiểu ý nghĩa của những từ lóng này bắt nguồn từ đâu, được hình thành như thế nào. Chính vì thế, khi bất chợt nghe thấy, họ lập tức nhăn mặt vì cảm thấy phản cảm và xem đó như một phát ngôn thiếu văn hóa! 

Trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, từ xưa ông bà ta đã rất quan trọng lời ăn tiếng nói, ''Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe''. Lời ăn tiếng nói được xem như là thước đo nhân cách của con người, thước đo ấy phải được sử dụng mọi lúc mọi nơi. Thế nhưng, do nếp sống ngày càng cởi mở nên giới trẻ ngày càng thoải mái hơn trong những phát ngôn của mình mà quên mất việc “giữ kẻ”.

Các bạn trẻ mặc sức sử dụng từ lóng như câu cửa miệng và nó bị lạm dụng như một phát ngôn quen thuộc trên mạng xã hội. Việc sử dụng nhiều những từ lóng lâu ngày sẽ hình thành thói quen. Chính vì thế khi giao tiếp ở ngoài đời họ hay ''bị liệu'' và ''vạ miệng'' từ lóng ở mọi lúc mọi nơi, cả trong trường học, gia đình và thậm chí khi nói chuyện với những người cần phải đáng kính. Người trẻ vô tư đùa nhau nói những lời mà những người lớn cho rằng là thô tục và thiếu văn hóa. Thế nhưng đặt trong trường hợp các bạn trẻ, các bạn lại nghĩ đây là những từ lóng vô cùng bình thường và không ảnh hưởng đến văn hóa giao tiếp.

Việc thường xuyên sử dụng từ lóng trong giao tiếp có thể làm ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp của văn hoá giao tiếp. Giới trẻ ngày nay đa phần trao đổi hay trò chuyện với nhau thông qua mạng xã hội. Các bạn ngại giao tiếp cộng thêm việc hay sử dụng từ lóng nên hiệu quả giao tiếp đôi khi không đạt. 

Hơn nữa, việc biến tướng các câu ca dao tục ngữ như ''học ăn, học nói, học gói, học bài'', ''một câu nhịn, chín câu chửi'' hay ''lời nói, gói đại'',... đã làm lệch lạc đi ý nghĩa vốn có của nó. Có không ít bạn trẻ bình luận rằng: “Đọc xong những câu này mình quên mất luôn câu gốc như thế nào”. Việc sử dụng quá nhiều tiếng lóng và những câu từ biến thể không chỉ làm chính các bạn trẻ bị mất đi kiến thức văn học mà còn làm xấu đi vẻ đẹp và những lời dạy ý nghĩa của ông cha ta ngày trước.

Suy cho cùng, chúng ta không chắc chắn được rằng người trẻ sử dụng từ lóng là những người thiếu văn hóa. Bởi lẽ, ở mỗi thế hệ sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá về mặt văn hóa khác nhau. Sử dụng từ lóng không xấu, nhưng chúng ta cần sử dụng đúng nơi, đúng chỗ và đúng lúc. Vì thế, là một người trẻ, là công dân của thế hệ “iEverything”, chúng ta hãy phát ngôn một cách văn hóa và thận trọng.

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu