00:38 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gia Lai: Người dân “tố” 2 lò gạch nung “khủng” không có mỏ đất sét

HÀN HƯNG | 09:58 20/07/2022

(THPL)- Người dân “tố” 2 lò gạch nung “khủng” tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) hoạt động gần 10 năm nay song chưa có mỏ đất sét để làm nguyên liệu. Những lò gạch này tự ý khai thác đất sét trái phép, thỏa thuận mua của người dân khiến tài nguyên bị thất thoát. Nhưng điều bất ngờ, mặc dù chính quyền địa phương biết nhưng vẫn “nhắm mắt” cho qua.

Theo người dân tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) phản ánh, trên địa bàn xã này có 2 lò gạch lớn là Lò gạch Nguyễn Hiệp đặt tại Thôn 4 và Lò gạch Hậu Lộc. Mặc dù 2 lò gạch “khủng” này đi vào hoạt động gần 10 năm nay, nhưng trên thực tế lại không được cơ quan chức năng cấp giấy phép mỏ đất sét để làm nguyên liệu.

Người dân còn cho biết, 2 lò gạch Nguyễn Hiệp và Hậu Lộc chủ yếu khai thác đất sét trái phép. Bên cạnh đó, họ còn tự thỏa thuận, mua gom từ các tổ chức, hộ dân khi thực hiện nạo vét dự án thủy lợi. Thậm chí, các lò gạch này còn ngang nhiên khai thác đất sét trái phép ngay phía sau lò gạch để có nguyên liệu sản xuất gạch.

Hàng nghìn mét khối đất sét được khai thác trái phép và tập kết ngay phía sau khu phân xưởng của lò gạch (Ảnh: HÀN HƯNG/THPL).

Tìm hiểu của phóng viên Thương hiệu và Pháp luật được biết, mỗi lò gạch trên địa bàn xã Ia Lâu trung bình mỗi ngày sản xuất ra 50.000-60.000 viên và cung cấp khắp nơi tại huyện Chư Prông, Đăk Đoa, Chư Sê, TP.Pleiku...

Điều đáng nói, các lò gạch này được xây dựng trái phép ngay sát khu dân cư, không có kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm và gây ô nhiễm môi trường. Chính vì không được cấp phép mỏ đất sét, gần 10 năm qua, 2 lò gạch này vô tư “đánh cắp” tài nguyên khoáng sản và làm thất thoát tiền thuế của Nhà nước.

Nhiều vị trí phía sau lò gạch bị "đánh cắp" một khối lượng lớn đất sét (Ảnh: HÀN HƯNG/THPL).

Ghi nhận của phóng viên, tại phía sau khu phân xưởng của 2 lò gạch này tập kết hàng nghìn m3 đất sét để làm nguyên liệu, nhiều vị trí có dấu hiệu máy múc đào bới để lấy đất sét. Phía trong khu phân xưởng của 2 lò gạch, hàng chục công nhân đang tất bật việc đốt lò, nung gạch. Còn tại phía ngoài, hàng triệu viên gạch nung được xếp ngay ngắn để chờ đi tiêu thụ.

Theo tìm hiểu, ngày 18/10/2017, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 736/QĐ-UBND, quy định về lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò Hoffman trên địa bàn tỉnh và kế hoạch tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu không nung đến năm 2020.

Theo lộ trình, UBND tỉnh Gia Lai cho phép tồn tại đối với nhà máy gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lò vòng cải tiến với nhiên liệu đốt là phế liệu nông nghiệp và phải có nguồn đất sét được khai thác hợp pháp, tuy nhiên, đến năm 2020 phải chấp dứt hoạt động.

Sau khi đất sét bị "đánh cắp", một hố sâu được tạo ra phía sau lò gạch Hậu Lộc (Ảnh: HÀN HƯNG/THPL).

Triển khai theo Quyết định 736, tại các huyện, thị xã, công trình xây dựng khi phê duyệt thiết kế bản vẽ phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung, đến năm 2022 phải sử dụng 100%.

Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Pháp luật, ông Hoàng Văn Long- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, cho biết: “Trước đây tôi làm bên Hội Nông dân và mới chuyển qua Phó chủ tịch xã được một năm nay, 2 lò gạch này tồn tại trước kia lâu rồi, thời đó là thời của lãnh đạo xã cũ và bây giờ thì chuyển công tác hết rồi”.

Hàng triệu viên gạch đang được chờ vào lò nung (Ảnh: HÀN HƯNG/THPL).

“Năm 2017 họ có đề xuất vùng nguyên liệu tại cánh đồng Bắc Thái, thuộc xã Ia Lâu, nhưng việc đăng kí, đấu giá để cấp mỏ thì đến tận bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Họ cũng có 1 đề xuất mong muốn hỗ trợ, tạo điều kiện để được đăng kí cấp quyền khai thác mỏ”, ông Long cho hay.

Lý giải về nguồn gốc nguyên liệu mà 2 lò gạch sử dụng gần 10 năm qua, vị Phó Chủ tịch xã Ia Lâu, khẳng định: “Về nguồn đất, qua kiểm tra họ không được cấp phép mỏ nguyên liệu. Tuy nhiên, họ tự thỏa thuận với người dân để cải tạo ruộng lúa cho dân. Đổi lại, họ lấy nguồn đất sét để làm nguyên liệu”.

Trong khi các ngành chức năng tỉnh Gia Lai đang ráo riết và quyết tâm để “xóa bỏ” các lò gạch nung, thì ngay tại xã Ia Lâu, chính quyền địa phương lại đang “làm ngơ” cho 2 lò gạch Nguyễn Hiệp và Hậu Lộc ngang nhiên “đánh cắp” tài nguyên khoáng sản để làm nguyên liệu sản xuất gạch nung và làm thất thoát tiền thuế của Nhà nước?

HÀN HƯNG

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu