14:40 ngày 04/12/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giá bán điện sẽ theo cơ chế thị trường, tiến tới xoá bù chéo

22:57 02/12/2024

(THPL) - Một điểm nhấn quan trọng của Luật Điện lực (sửa đổi) chính là việc giá bán điện sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường và tiến tới xoá bù chéo trong giá điện.

Ngày 30/11/2024, với 91,65% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua còn 81 điều, giảm 49 điều so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội. Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư xây dựng dự án điện lực và phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

Một điểm nhấn quan trọng của Luật Điện lực (sửa đổi) chính là việc giá bán điện sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường và tiến tới xoá bù chéo trong giá điện. Đây là những vấn đề luôn được doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm. Đây là những quy định không mới và đã có trong quy định tuy nhiên không được thực hiện đầy đủ.

Theo quy định, giá điện và giá dịch vụ về điện sẽ được bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý. Theo đó, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh và giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.

Giá bán điện sẽ theo cơ chế thị trường, tiến tới xoá bù chéo. Ảnh: EVN

Luật Điện lực (sửa đổi) cũng có quy định về thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định. 

Về hỗ trợ tiền điện của Nhà nước, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; Chính phủ ban hành phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp có sự cố, thảm họa theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự để ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm mới khác của Luật Điện lực (sửa đổi) đó là thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng công trình nguồn điện.

Tại Điều 5, chương I quy định: “Nhà nước ban hành các chính sách phát triển, đầu tư xây dựng ngành điện bảo đảm yêu cầu là ngành công nghiệp hạ tầng quan trọng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia”.

Theo đó, Nhà nước độc quyền trong các hoạt động vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đồng thời, Luật Điện lực (sửa đổi) cũng nêu rõ: “Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật”.

Đánh giá về Luật Điện lực (sửa đổi), PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trước khi sửa đổi, thị trường điện Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cạnh tranh, dẫn đến tình trạng độc quyền và thiếu sự minh bạch trong việc phân phối điện. Luật sửa đổi đã có những quy định rõ ràng về việc mở rộng và phát triển thị trường điện, đặc biệt là xây dựng các cơ chế cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia.

"Trong thời gian qua, sự phát triển của năng lượng tái tạo (như điện mặt trời, điện gió) tại Việt Nam gặp không ít khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ rõ ràng và hiệu quả. Luật Điện lực sửa đổi đã tạo ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, như xây dựng cơ chế giá hợp lý, hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo và thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp tăng cường nguồn cung năng lượng tái tạo, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc", PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.

Vị chuyên gia cho rằng, trước khi sửa đổi, việc quản lý giá điện còn gặp khó khăn, thiếu sự linh hoạt và chưa minh bạch. Điều này đôi khi dẫn đến sự không công bằng giữa các nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc dự báo và lập kế hoạch kinh doanh. Luật sửa đổi đã đưa ra các cơ chế quản lý giá điện linh hoạt hơn, giúp điều chỉnh giá điện phù hợp với cung - cầu thị trường.

Một trong những nghẽn lớn là sự phát triển không đồng bộ của hạ tầng điện, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Các khu vực này thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn điện, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển hạ tầng điện tại các khu vực này, từ đó đảm bảo việc cung cấp điện ổn định và công bằng cho mọi khu vực trên cả nước.

Với nhu cầu điện ngày càng tăng và sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, vấn đề an ninh năng lượng là một thách thức lớn. Luật sửa đổi đã có những quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm thiểu các nguy cơ gián đoạn cung cấp điện từ các yếu tố bên ngoài.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu