17:13 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Du xuân 3 miền: Trải nghiệm nét đẹp đặc trưng Tết Bắc - Trung - Nam

14:02 27/01/2020

(THPL) - Du xuân xa nhà hiện đang là xu hướng của nhiều người Việt để tận hưởng những nét đẹp rất đặc trưng của phong tục đón Tết 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Hiện nay, ngày càng có nhiều gia đình đón Tết theo phong cách hiện đại, năng động mà lại ý nghĩa. Bởi ai ai cũng đều có cùng mong muốn cả nhà được du xuân, đón một kỳ nghỉ đáng nhớ và thư giãn sau những ngày làm việc vất vả. Dưới đây là những điểm khác biệt hết sức thú vị trong cách ăn Tết của người dân của 3 miền đất nước mà khách du lịch chắc chắn sẽ được trải nghiệm khi du xuân xa nhà.

Miền Bắc – Đủ đầy và cầu kỳ

So với hai miền Trung và Nam, việc chuẩn bị cho ngày Tết ở phía Bắc có phần cầu kỳ, tỉ mỉ hơn. Khi Tết đến, xuân về, nhà nhà đều phải có ít nhất một cành đào. Ngoài ra, các gia đình thường chưng thêm cây quất xum xuê, tượng trưng cho sự trù phú, tài lộc.

Ngoài đào và quất, mâm ngũ quả cũng là thứ không thể thiếu trên bàn thờ cúng tổ tiên của người dân Bắc bao gồm năm loại quả tượng trưng cho ngũ hành, sự đơm hoa kết trái, viên mãn, tròn đầy.

Ngày Tết là dịp để các gia đình đoàn tụ, sum vầy. (Ảnh minh họa)

Mâm cơm Tết của miền Bắc cũng có phần “đề huề” hơn. Một mâm cơm điển hình không thể thiếu các món như bánh chưng, giò, thịt gà, nem, canh măng, dưa hành... được bày biện đẹp đẽ, tinh tươm, thể hiện mong ước về một năm mới no đủ, thịnh vượng.

Giao thừa luôn là thời điểm khiến người ta trông mong nhất. Mọi người trong gia đình sẽ tề tựu bên nhau, cùng nhau đi hái lộc đầu năm. Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm mâm xôi đậu xanh, con gà luộc hoặc đầu heo, bánh chưng và cau trầu rượu. Ngày xưa cúng giao thừa xong, người miền Bắc còn có tục đeo xâu bủa nêu ở trước cửa nhà.

Ngoài những phong tục đặc biệt, có lẽ miền Bắc là vùng có nhiều điều kiêng kị nhất cả nước trong dịp Tết, như kiêng quét nhà, đổ rác, làm vỡ bát đĩa, mai táng…. Người miền Bắc rất coi trọng và tuân thủ chặt chẽ những điều không được làm ngày Tết với hy vọng nhận được nhiều may mắn trong năm mới.

Miền Trung – Giản dị và chân thành

Với đặc điểm địa lý nằm giữa đất nước, miền Trung là điểm giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam Bắc, cùng nhiều truyền thống độc đáo. Người miền Trung có thể trưng mai vàng hoặc đào thắm, không câu nệ. Mâm ngũ quả thường là có gì cúng nấy, chủ yếu là thành tâm dâng kính tổ tiên.

Người miền Trung cũng cúng bánh chưng, nhưng khi ăn thì thường chọn bánh tét. Đĩa bánh tét dẻo thơm là một phần không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Đối với một số tỉnh, đặc biệt là Thừa Thiên Huế, mâm cơm Tết khá cầu kỳ với đầy đủ sơn hào hải vị. Tuy nhiên, phần lớn các gia đình ở tỉnh khách thường chọn những món ăn đơn giản mà vẫn đủ đầy như gà, giò, miến nấu, dưa muối, các món cuốn, xào...

Người miền Trung thường thoải mới hơn trong những ngày Tết. Tuy nhiên họ vẫn kiêng các món chế biến từ tôm, trứng vịt lộn và thịt vịt.

Ở miền Trung cũng có tục “xông đất “như người Bắc vào sáng mồng một. Thường gia đình sẽ nhờ người lớn tuổi, còn mạnh khỏe, có vai vế và uy tín trong xã hội hoặc những đứa trẻ thông minh, hoạt bát, vui vẻ đến “xông đất” đầu năm. Sáng mùng một, cả nhà thường được đánh thức bởi niềm vui năm mới, ai cũng dậy sớm để bày biện bánh kẹo đón người xông đất. Ngày đầu tiên của năm mới, mọi người thường đến thăm và chúc Tết bà con họ hàng gần xa. Mồng hai mồng ba, hàng xóm, láng giềng khắp nơi sẽ đến chúc Tết nhà mình.

Miền Nam – Trù phú và phóng khoáng

Với người miền Nam, Tết là dịp để vui chơi, gặp gỡ, quây quần. Do đó, người dân không nặng nề về hình thức, chủ yếu là hướng đến không khí tưng bừng, vui tươi, cho năm mới nhiều tài lộc, thuận hòa. Với khí hậu nắng ấm gần như quanh năm, người miền Nam thường trưng mai vàng rực rỡ mỗi độ Tết đến, xuân về. Màu vàng tươi sáng của hoa mai là biểu tượng của sự vinh hiển, thành đạt và tài lộc.

Với tâm hồn phóng khoáng, người miền Nam thường bày các loại quả chính là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đọc chệch thành “cầu vừa đủ xài”, với mong muốn có một năm mới nhiều tài lộc. Các gia đình còn cúng thêm quả sung - tượng trưng cho sự sung mãn về sức khỏe, tiền bạc. Ngoài ra, mâm còn có thêm các loại quả đẹp mắt như dưa hấu, táo, đào tiên...  

Mâm cơm Tết của người miền Nam đơn giản hơn, nhưng vẫn không kém phần đủ đầy, ngon miệng. Phần lớn các món thường được nấu sẵn, trong đó không thể thiếu thịt kho tàu, bánh tét, chả nem và khổ qua dồn thịt. Những người phụ nữ trong gia đình thường không tốn quá nhiều công sức cho viêc nấu nướng, thay vào đó, họ dành thời gian làm đẹp, vui chơi, quây quần bên gia đình..

Theo quan niệm của người Nam Bộ mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cúng tế, đốt pháo là để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới. Đêm 29-30 là thời khắc vui nhất, mọi người cùng thức đón giao thừa, chơi tú, ăn uống... rất huyên náo. Ba ngày tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm đó là mọi người đều chỉ dành cho nhau những lời hay, ý đẹp, gặp nhau vui mừng, hy vọng mọi điều như ý. Bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi.

Dọn cỗ ngày Tết tại Nam Bộ vào những ngày Tết nếu có khách đến nhà dù bất kể giờ giấc nào thì gia chủ cũng dọn cỗ mời ăn uống. Khách không được từ chối, kể cả đang no thì cũng phải nhấm nháp một chút.

Du xuân ở các vùng miền khác nhau, trải nghiệm các phong tục với những nét đẹp đặc sắc, chắc chắn sẽ đem lại những trải nghiệm không thể nào quên cho du khách.

Hải Đăng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu