00:53 ngày 30/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dự kiến sẽ có 8 triệu liều vắc xin COVID-19 về Việt Nam trong tháng 7/2021

14:22 02/07/2021

(THPL) - Sáng ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022.

Theo đó, tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để làm sao có vắc xin về Việt Nam ngày một nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm vào thời điểm này, nên cao điểm vắc xin về Việt Nam là quý 4/2021. Dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc xin về Việt Nam.

Cũng theo Bộ trưởng Long, để triển khai chiến dịch hiệu quả và đảm bảo chất lượng vắc xin, tất cả các quy trình phải phối hợp chặt chẽ từ vấn đề bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm, ứng dụng công nghệ thông tin và cả công tác truyền thông cho chiến dịch. Đặc biệt, vấn đề an toàn tiêm chủng phải được đặt lên hàng đầu, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.

Một điểm nữa được Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nhấn mạnh là “tất cả các liều vắc xin về đến Việt Nam phải được sử dụng hiệu quả, không được phép lãng phí một liều nào”.

Chiến dịch tiêm chủng lần này có điểm khác là công tác điều hành mọi quy trình tiêm chủng được thực hiện trực tuyến (online), quản lý bằng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp quản lý công khai, minh bạch mọi hoạt động tiêm chủng.

Việc phân bổ vắc xin sẽ tiếp tục được công khai minh bạch, phân bổ cho các điểm tiêm bao nhiêu, tiêm bao nhiêu liều, còn lại bao nhiêu để người dân giám sát chặt chẽ… Dự kiến có khoảng 19.000 điểm tiêm và số lượng có thể thay đổi để phù hợp với thực tiễn.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế (Ảnh: SKĐS)

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, cũng tại cuộc họp, TS Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết để phục vụ chiến dịch tiêm chủng, Ban Chỉ đạo đã quyết định trưng dụng 8 kho lạnh thuộc Quân khu Thủ đô và 7 Quân khu vùng để thực hiện chức năng bảo quản vắc xin. Các kho này đều đảm bảo yêu cầu về chuyên môn.

Về vấn đề đảm bảo an toàn tiêm chủng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương ngay từ bây giờ phải kiện toàn các đội cấp cứu cơ động để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm khi cần. Cơ sở điều trị tổ chức tiêm cho đối tượng cần theo dõi đặc biệt: như có bệnh nền…

Trước đó báo Người lao động từng đưa tin, theo GS-TS Trần Văn Thuấn Thứ trưởng Bộ Y tế, dự kiến, trong tháng 7, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 8 triệu liều vắc-xin COVID-19 và trong tháng 8-9 sẽ có thêm 20-21 triệu liều. Số vắc-xin này chủ yếu là Astra Zeneca và Pfizer.

Ngoài ra, nước ta sẽ nhận thêm vắc-xin từ nguồn viện trợ của một số nước, một số tổ chức như Nhật Bản, Trung Quốc, UNICEF... với số lượng từ 5-10 triệu liều. Mới đây, Ấn Độ đã đồng ý bán cho Việt Nam tổng cộng 15 triệu liều vắc-xin COVID-19 trong năm 2021, trong đó 6 triệu liều sẽ về trong quý 3, số còn lại về trong quý 4.

Cùng đó, hiện Việt Nam vẫn đang đàm phán để mua 40 triệu liều vắc-xin Sputnik của Nga, nhiều khả năng 20 triệu liều sẽ về ngay năm 2021 và một nguồn 5 triệu liều vắc-xin Moderna đàm phán qua công ty Zuellig Pharma.

Tuy nhiên, theo ông Thuấn, số lượng vắc-xin COVID-19 chắc chắn về Việt Nam chỉ mang tính tương đối bởi nguồn cung vắc-xin trên thế giới từ nay đến tháng 9 vẫn còn hết sức khan hiếm. Do đó, trong điều kiện số lượng vắc-xin còn hạn chế, Việt Nam tiếp tục triển khai tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và tiêm cho công nhân trong các khu công nghiệp để đảm bảo phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép.

Liên quan đến vaccine COVID-19, rạng sáng 2/7, 400.000 liều vaccine COVID-19 trong tổng số 1 triệu liều mà Nhật Bản tặng thêm cho Việt Nam đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây là đợt tiếp nhận thứ 2 sau khi TP Hồ Chí Minh đã được tiếp nhận 800.000 liều vaccine trước đó.

Theo đó, 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được Nhật Bản dành tặng Việt Nam mà Chính phủ Nhật Bản công bố sẽ được chuyển đến Việt Nam chia thành 2 đợt. Đợt 1 là 400.000 liều đã về đến TP Hồ Chí Minh vào rạng sáng 2/7. Đợt 2 với số lượng còn lại sẽ tiếp tục được vận chuyển vào ngày 8/7.

Tính chung với lô vaccine 1 triệu liều đã về Việt Nam ngày 16/6, Nhật Bản đã tặng Việt Nam 2 triệu liều đều thuộc nhãn hiệu AstraZeneca sản xuất tại Nhật.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu