22:18 ngày 18/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dự báo thời tiết ngày 23/9: Áp thấp nhiệt đới mạnh lên gây mưa dông nhiều nơi

07:19 23/09/2021

(THPL) – Áp thấp nhiệt đới hiện cách bờ biển Phú Yên khoảng 330km và tiếp tục mạnh lên thành bão, với sức gió giật cấp 9-10. Do ảnh hưởng của áp thấp, hầu hết các khu vực trên cả nước đều có mưa dông, nhiều nơi có mưa to đến rất to.

Tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp

Theo trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 04 giờ ngày 23/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên khoảng 330km, cách bờ biển Bình Định khoảng 340km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 560km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. 

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, cách huyện đảo Lý Sơn 30km, cách Quy Nhơn 150km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,5 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây Kinh Tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Nguồn: KTTV

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau là vùng áp thấp trên khu vực Trung và Nam Lào. Đến 04 giờ ngày 25/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây Kinh Tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Mưa lớn ở Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với áp thấp nhiệt đới (có khả năng mạnh lên thành bão trong 12h tới) di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và đi vào đất liền khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định trong 24-48h tới nên từ nay (23/9) đến ngày 24/9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Từ ngày 24-25/9 ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Mưa dông ở Bắc Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ

Do ảnh hưởng của áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây, từ nay (23/9) đến ngày 26/9 ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Khu vực Hà Nội: Từ nay đến ngày 26/9, có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Mưa dông xuất hiện nhiều nơi trên cả nước. Ảnh minh họa

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên chiều tối và tối qua ở ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, có nơi mưa to đến rất to (lượng mưa tính từ 13h đến 19h ngày 22/9) như: Cam Ranh (Khánh Hòa)  164.0mm, Tuy Phong (Bình Thuận) 125.6mm,  Bắc Bình (Bình Thuận) 116.8mm, Tây Sơn (Bình Định) 115.0mm, Tuy Đức (Đắk Nông) 74.6mm, Đức Trọng (Lâm Đồng) 62.0mm, Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) 84.8mm,...

Từ nay đến ngày 24/9, ở khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 40-70mm/24h, có nơi trên 100mm/24h. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước ngày và đêm 23/9:

Phía Tây Bắc Bộ: Ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ, có nơi trên 33 độ; thấp nhất 22-25 độ, có nơi dưới 22 độ.

Phía Đông Bắc Bộ: Có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ, có nơi trên 31 độ; thấp nhất 23-26 độ, vùng núi có nơi dưới 22 độ.

Thủ đô Hà Nội: Sáng có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; ngày có lúc có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ cao nhất 30-32 độ; thấp nhất 24-26 độ.

Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế: Có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ; thấp nhất 23-26 độ.

Đà Nẵng đến Bình Thuận: Ngày có mưa to đến rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ, có nơi trên 30 độ; thấp nhất 23-26 độ.

Tây Nguyên: Có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối và tối cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ, có nơi trên 30 độ; thấp nhất 19-22 độ.

Nam Bộ: Có mưa rào và dông vài nơi; chiều tối và tối cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ; thấp nhất 24-27 độ.

Các tỉnh chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

Để chủ động ứng phó với ATNĐ và mưa lũ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh, thành phố và các Bộ ngành chỉ đạo đối với tuyến biển: Theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm (vùng nguy hiểm được điều chỉnh theo diễn biến của ATNĐ tại các bản tin của cơ quan dự báo);

Quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền, đặc biệt là các tàu cá đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ; duy trì thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra;

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng đảm bảo an toàn cho hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy sản.

Đối với trên đất liền: Các tỉnh khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu