09:49 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Còn 6 địa phương giải phóng mặt bằng chậm

Tú Anh (tổng hợp) | 15:03 09/09/2020

(THPL) - Theo thông tin từ Bộ GTVT, đến nay, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 594,4 km/652,77km (đạt 91,1%), dự kiến cơ bản hoàn thành công tác GPMB trong quý III/2020. Tuy nhiên, hiện có đến 6 địa phương đạt tỷ lệ GPMB dưới 90%, nhiều tỉnh chưa hoàn thành khối lượng về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đánh giá của Bộ GTVT cho biết, dự án đi qua nhiều địa phương (13 tỉnh, thành), phạm vi GPMB lớn nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.

“Hiện dự án đã bàn giao mặt bằng được 91,1%. Tuy nhiên, đối với khối lượng còn lại, nếu không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể cơ bản hoàn thành công tác GPMB trong quý III/2020”, Bộ GTVT cho biết.

Theo thống kê của Bộ GTVT, các địa phương hoàn thành GPMB đạt trên 95% gồm: Quảng Trị (100%), Thừa Thiên Huế (97,4%), Ninh Thuận (96,7%), Bình Thuận (95,4%), Vĩnh Long (100%).

Các địa phương hoàn thành GPMB đạt dưới 90%, gồm: Ninh Bình (89,6%), Thanh Hóa (89,4%), Nghệ An (87%), Hà Tĩnh (82,3%), Khánh Hòa (73%), Đồng Nai (85,7%).

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Còn đến 6 địa phương GPMB chậm (ảnh minh họa)

Bộ GTVT cho biết thêm, công tác xây dựng các khu tái định cư (TĐC) của các địa phương cũng chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu, hiện mới đạt khoảng 44% khối lượng. Trong đó, một số địa phương thực hiện công tác này chậm, gồm: Nam Định (có 1 khu TĐC, chưa hoàn thành); Ninh Bình (hoàn thành 1/5 khu); Nghệ An (có 28 khu TĐC, chưa hoàn thành); Hà Tĩnh (có 2 khu TĐC, chưa hoàn thành); Khánh Hòa (có 7 khu TĐC, chưa hoàn thành); Ninh Thuận (có 2 khu TĐC, chưa hoàn thành); Đồng Nai (có 3 khu TĐC, chưa hoàn thành); Tiền Giang (có 1 khu TĐC, chưa hoàn thành).

Báo Giao thông đưa tin, liên quan đến công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, Bộ GTVT cho biết, hiện mới đạt khoảng 9% khối lượng và không thể hoàn thành trong quý III/2020.

Cụ thể, đến nay mới có tỉnh Quảng Trị đã di dời 87,5% đường điện và 100% đường cáp quang. Các địa phương còn lại khối lượng hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật đạt dưới 50%, gồm: Ninh Thuận (đã di dời 27,6% đường điện và 33,3% đường nước); Ninh Bình (đã di dời 14,3% đường điện chưa di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật khác).

Tỉnh Thanh Hóa (đã di dời 11,9% đường điện và 14% đường cáp quang); Tiền Giang (đã di dời 50% đường nước và cáp quang, chưa di dời đường điện). Đặc biệt, các địa phương, gồm: Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai và Vĩnh Long chưa có khối lượng hoàn thành về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, liên quan đến nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông, theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu đầu tư để đáp ứng các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cần khoảng 759.400 tỷ đồng; trong đó, 392.100 tỷ đồng vốn trong nước, 69.800 tỷ đồng vốn nước ngoài và 297.500 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Như vậy, với dự kiến nhu cầu vốn đầu tư này, đến hết năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu sẽ đưa vào khai thác khoảng 3.858km đường bộ cao tốc (trong đó có 2.084km đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau); hoàn thành giai đoạn I dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành cải tạo đường hạ cất cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; nâng cấp, cải tạo cơ bản tuyến đường sắt Thống Nhất; nâng tĩnh không cầu để bảo đảm khổ thông thuyền các tuyến đường thủy nội địa có lưu lượng lớn..., theo báo Hà Nội mới. 

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, nguồn vốn Nhà nước phải được ưu tiên dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm quốc gia, kết nối các phương thức vận tải, đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực khác cho đầu tư phát triển và bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Để huy động nguồn vốn xã hội hóa, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu cơ chế cụ thể để đề xuất, trình Chính phủ, theo hướng huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ, bảo đảm lãi suất thấp, lợi nhuận tốt, đem lại lợi ích cho người dân khi tham gia mua trái phiếu.

Tú Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu