20:15 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Độc đáo phiên chợ “bỏ con bỏ cháu không bỏ mùng 6 chợ Chuộng”

Duy Duẩn | 09:14 30/01/2020

(THPL) - Phiên chợ càng “choảng" nhau nhiều càng may mắn, được diễn ra duy nhất trong năm vào mùng 6 Tết Nguyên đán. Những chàng trai, cô gái xứ Thanh có dịp dùng hoa quả, trứng thối “choảng nhau” để cầu cho một năm mới nhiều tài lộc và may mắn. Phiên chợ này được người dân ví "bỏ con bỏ cháu không bỏ mùng 6 chợ Chuộng".

Mới là dịp đầu năm nhưng không phải là hình ảnh thanh tịnh, nhẹ nhàng khi đi đền chùa miếu mạo cầu may dịp đầu năm, tại chợ Chuộng (có địa chỉ tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, giáp ranh với huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa) người dân đến đây cầu may “choảng" nhau bằng cà chua, táo và trứng thối… Đây là một nét văn hóa truyền thống, nét đẹp của người dân xứ Thanh.

Đến hẹn lại lên, cứ vào đúng mùng 6 Tết (âm lịch), hội chợ Chuộng lại diễn ra ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, bắt đầu từ lúc sáng sớm. Mỗi năm chỉ có một phiên chợ duy nhất để mọi người (nhất là nam, nữ thanh niên) tụ tập để được ném nhau tơi bời cầu may cho một năm mới.

Các nam thanh niên là tâm điểm của việc "choảng" nhau tại phiên chợ.

Các tiểu thương buôn bán các loại quả mang đến chợ bán cho người đi chợ, dù đắt hay rẻ họ đều bán cho người già, trẻ nhất là các nam thanh nữ tú khi có nhu cầu. Khi bán hết thì họ ra về xem như là một năm buôn bán thành công, còn nếu không bán hết họ dùng số lượng hoa quả đó để “choảng” vào mọi người để cầu may mắn cho năm mới được hanh thông.

Vì vậy, chợ Chuộng còn được biết đến bằng nhiều tên gọi khác như: chợ choảng, chợ ẩu đả, chợ đánh nhau, chợ giải xui, chợ ân oán được đông đảo người dân tứ xứ biết đến.

Toàn cảnh phiên chợ với các trò chơi thu hút các bạn trẻ.

Không chỉ riêng người dân xã Đông Hoàng mà hàng nghìn người dân từ các huyện lân cận như Đông Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Hóa… đều kéo nhau về đây. Từ bao đời nay, người dân đã truyền tai nhau câu nói: “Bỏ con, bỏ cháu, không bỏ mùng 6 chợ Chuộng”.

Điều đặc biệt của người đến chợ Chuộng dù là không quen biết, nhưng hễ gặp nhau là họ… “choảng" nhau bằng cà chua, táo, trứng thối, thấy thích ai là ném túi bụi vào người đó.

Người bị ném co chân chạy nhưng miệng vẫn cười toe toét vì theo quan niệm: “càng bị ném nhiều, năm đó càng gặp nhiều may mắn; năm nào đánh nhau càng to thì năm đó nhân dân trong vùng làm ăn càng phát đạt”.

Lực lượng an ninh đảm bảo cho buổi họp chợ diễn ra an toàn.

Những mặt hàng được bày bán ở chợ chủ yếu là những nông sản đặc trưng của vùng và những món ăn dân gian truyền thống như: bánh đa gấc, bánh cuốn, táo, rau các loại… Trong đó, cà chua là một loại hàng hóa đặc biệt được bán rất nhiều để làm… vũ khí ném nhau.

Chợ Chuộng có vị trí nằm ở một địa thế khá đẹp, là một dài đất rộng nhô ra ven sông Hoàng, nơi giáp ranh giữa ba huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và Triệu Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây hàng năm được người dân bản địa chọn làm phiên chợ duy nhất trong năm để người dân đến đây "choảng nhau".

Để đảm bảo an ninh trật tự, phiên chợ diễn ra có sự ra quân, vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như lực lượng công an xã và huyện nên hiện tượng “choảng nhau” quá đà đã bị hạn chế phần nào. 

Tuy nhiên, đến cuối buổi của phiên chợ (tầm 10 giờ đến 10 giờ 30 phút) lại trở nên náo loạn hơn bởi các chàng trai, cô gái mua hoa quả như cà chua, táo… để ném vào người nhau gây nên cảnh hỗn loạn cho phiên chợ.

Theo truyền thuyết kể lại, vào thời vua Lê, đúng mùng 6 tết, có một vị tướng bị giặc đuổi qua đây. để tránh bị phát hiện bị tướng đã ra lệnh cho quân sỹ cùng dân làng họp chợ.

Khi quân giặc chạy đến, thấy đông người chúng tưởng đây chỉ là một phiên chợ quê bình thường nên mất cảnh giác. Do thấy quân giặc sơ ý, vị tướng liền phát lệnh tấn công, địch bất ngờ không kịp trở tay và bị tiêu diệt.

Để tưởng nhớ vị tướng đã có công dẹp giặc, cứ vào mùng 6 Tết hàng năm, người dân lại nô nức họp chợ. Tại đây, không chỉ “choảng" nhau, người ta còn ném cà chua vào nhau để lấy may cho một năm mới. Mọi người cũng vì thế mà không hề cáu gắt dù người có bị bẩn, ướt nhưng trong lòng vẫn mang niềm vui, niềm hy vọng cho một năm mới gặp nhiều may mắn với một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Duy Duẩn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu