14:45 ngày 11/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Độc đáo Lễ hội “Ăn mừng cuối năm” của người đồng bào Xê-Đăng tại Kon Tum

13:57 03/02/2022

(THPL)- Lễ hội “Ăn mừng cuối năm” (Lễ hội Hút Tríp Pleh) của đồng bào Xê-Đăng (nhánh Ka Dong) ở thôn Đăk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) với ý nghĩa mong muốn nhân dân có một cuộc sống ấm no, được nhiều lúa, nhiều mì bắp và xin trời đất phù hộ cho con cháu, bản làng được bình yên, xin cho mùa năm sau được bội thu, ấm no và quan trọng là mọi người cùng chung vui uống rượu, mừng được thêm một mùa bội thu (tức là thêm tuổi mới).

Lễ hội “Ăn mừng cuối năm” (theo tiếng địa phương là Hút Tríp Pleh) của đồng bào Xê-Đăng (một nhánh của người Ka Dong) thường được tổ chức hàng năm sau mùa thu hoạch, cầu mong trời đất phù hộ cho con cháu, bản làng được bình yên, xin cho mùa năm sau được bội thu, ấm no. Phong tục và nét độc đáo trong Lễ hội “Ăn mừng cuối năm” của đồng bào Xê-Đăng đã được Già làng A Lào, 83 tuổi, ở thôn Đăk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum kể cho chúng tôi nghe.

Già làng A Lào cùng những người phụ nữ đảm đang trong buôn làng quây quần bên kho thóc để lấy lúa làm Lễ “Ăn mừng cuối năm”

Già làng A Lào, kể: “Hàng năm, cứ đến tháng 12, đồng bào Xê-Đăng hứng khởi tập trung thu hoạch mùa màng trong năm và cầu mong cho một vụ mùa mới được bội thu, ấm no. Để đáp lại trời đất, cả làng tổ chức Lễ hội “Ăn mừng cuối năm”.

Sau khi cắt lúa, thu hoạch mùa màng xong, bà con trong buôn làng sẽ đưa tới kho thóc. Khoảng 1 tháng sau, Già làng cùng những người phụ nữ đảm đang trong buôn làng sẽ quây quần bên kho thóc. Khi đó, Già làng sẽ đại diện cho buôn làng xin trời đất cho người phụ nữ dân tộc Xê-Đăng đảm đang mở kho lúa lấy lúa giã gạo để nấu cơm làm lễ cúng xin trời đất cho phép từ nay về sau khi lấy lúa làm giống hoặc lấy lúa để ăn thì không phải làm lễ nữa. Lúc này, lúa sẽ được đưa vào một chiếc gùi được đan bằng tre và những người phụ nữ đảm đang trong buôn làng sẽ có nhiệm vụ giã gạo.

Những người phụ nữ Xê-Đăng biểu diễn đàn Đinh Tút 

Tiếp đó, Già làng cùng các vị cao niên trong làng sẽ sửa soạn mâm lễ vật, như: đầu heo, rượu ghè và các sản vật khác… cúng xin trời đất phù hộ cho con cháu, bản làng được bình yên, mạnh khỏe. Xin cho mùa rẫy năm sau được bội thu để dân làng được ấm no và quan trọng là mọi người cùng chung vui uống rượu mừng được thêm một mùa rẫy (tức là thêm tuổi mới).

Già làng A Lào, cho biết: “Trước khi nghi thức Lễ hội “Ăn mừng cuối năm” diễn ra thì những người phụ nữ Xê-Đăng đảm đang trong buôn làng sẽ đi tới các con sông, suối để xúc cá và hái rau dớn để ăn mừng trong ngày cuối năm và sẽ được nghỉ ngơi trước khi chuẩn bị cho một mùa rẫy mới. Còn những người đàn ông Xê-Đăng to, khỏe trong buôn làng sẽ lên rừng chặt đọt mây để ăn mừng, uống rượu ghè trong ngày cuối năm và chuẩn bị rèn dao, rựa, rìu để chuẩn bị phát nương, rẫy cho mùa rẫy mới”.

Người đồng bào Xê-Đăng, quan niệm rằng: “Sau khi Già làng cúng xin trời đất xong thì Già làng cùng những người lớn tuổi trong làng sẽ được dùng lễ vật trước, để cảm tạ trời đất cho một vụ mùa bội thu và xin trời đất phù hộ cho con cháu được ấm no, bản làng được bình yên và vụ mùa sau sẽ bội thu hơn nữa”.

Già làng A Lào và những người trong buôn làng biểu diễn cồng chiêng 

Tiếp đó mọi người trong buôn làng sẽ mang xôi, thịt, rượu ghè của gia đình ra nhà rông (hội trường thôn) cùng chung vui, ăn mừng, uống rượu ghè, trình diễn đàn Đinh Tút, đánh cồng chiêng, đốt lửa và múa xoang…

Lễ hội “Ăn mừng cuối năm” là lễ hội có từ xa xưa, từ thời tổ tiên, ông bà để lại. Khi Già làng được đồng bào buôn làng tín nhiệm, bầu làm Già làng thì luôn có trách nhiệm truyền lại văn hóa tốt đẹp này cho con cháu, để thế hệ mai sau tiếp tục gìn giữ và phát huy lễ hội truyền thống tốt đẹp của buôn làng đồng bào Xê-Đăng.

Ngày nay, Lễ hội “Ăn mừng cuối năm” vẫn được giữ gìn, bảo tồn và phát huy như một nét Lễ hội độc đáo của người đồng bào Xê-Đăng (nhánh Ka Dong), với ý nghĩa là mong muốn nhân dân có một cuộc sống ấm no, được nhiều lúa, nhiều mì bắp và xin trời đất phù hộ cho con cháu, bản làng được bình yên, xin cho mùa năm sau được bội thu, ấm no. Lễ hội cũng là dịp để những người trong buôn làng quây quần, gặp gỡ nhau để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, canh tác. Đồng thời, khơi dậy tinh thần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tương thân, tương ái, chia sẻ những khó khăn của các hộ gia đình cùng sinh sống trên địa bàn.

PV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu