14:31 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, thêm địa phương thứ 8 nhiễm dịch

Minh An (tổng hợp) | 14:40 06/03/2019

(THPL) - UBND huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Hợp Thanh, đây là tỉnh thứ 8 tại Việt Nam dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.

Theo báo Lao động, ngày 5/3, nhận được thông tin nghi vấn có dịch tả lợn Châu Phi tại hộ chăn nuôi của ông Mai Xuân Trường ở đội 3, xóm Cát, xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Hòa Bình đã đến tiến hành kiểm tra dịch bệnh.

Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. (Ảnh: Báo Nông nghiệp)

Qua kiểm tra, tổng đàn lợn hiện có của gia đình ông Trường là 15 con (12 con lợn thịt, 3 con lợn nái); trong đó, 12 con lợn bị ốm, 3 con lợn chết. Cơ quan thú y đã mổ để lấy bệnh phẩm của 3 con lợn chết để phân tích, xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Toàn bộ đàn lợn của gia đình ông Mai Xuân Trường đã phải tiêu hủy theo quy định.

Như vậy, Hòa Bình là tỉnh thứ 8 bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Hiện UBND xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và thực hiện các nội dung chống dịch theo kế hoạch của UBND huyện.

Tại các tỉnh đang có dịch từ trước như Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục hoành hành rộng trên địa bàn khiến hàng nghìn con lợn bị nhiễm mới và phải tiêu hủy.

Theo Tri thức trực tuyến, trước đó, sáng 4/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng dự hội nghị có Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng NN&PTNT, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp cũng có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái. Đề xuất này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua.

Để ngăn chặn dịch bệnh có khả năng lây nhiễm từ bên ngoài, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan Thú y lấy trên 6.000 mẫu xét nghiệm bệnh dịch đối với các loại lợn, nhằm kiểm soát dịch chặt chẽ.

Theo công văn của Bộ Nông nghiệp, dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào nước ta khả năng do lây qua đường biên giới. Việt Nam có chung đường biên giới với chiều dài 1.000 km, có nhiều cửa khẩu và hàng trăm đường mòn, lối mở với các hoạt động của cư dân biên giới. Việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp Tết vừa qua có thể là nguyên nhân.

Bên cạnh đó, việc chăn nuôi ở nước ta hiện nay phần lớn là nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao. Các hộ chăn nuôi chưa có ý thức vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn nuôi sạch sẽ, virus bệnh dễ xâm nhập. 

Tính đến ngày 3/3, hơn 4.200 con lợn nhiễm bệnh tại 7 tỉnh thành, tổng khối lượng bị tiêu hủy là gần 300 tấn. Địa phương có số lợn nhiễm dịch nhiều nhất là Hưng Yên với 57 ổ dịch được phát hiện, 2.323 con lợn đã được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Minh An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu