00:01 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đề xuất xử lý hình sự đối với kinh doanh đa cấp trái phép

| 09:59 24/05/2017

(THPL) - Bộ Công Thương cho biết, sẽ đề xuất đưa tội “kinh doanh đa cấp trái phép” vào Bộ luật Hình sự nhằm ngăn chặn tình trạng dân nghèo bị "vòi bạch tuộc" đa cấp tấn công.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thực tế cũng cho thấy, đóng góp của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tạo ra thu nhập và việc làm không rõ ràng.

Cụ thể, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp nếu chia đều cho gần 640.000 người tham gia hệ thống thì thu nhập bình quân của người tham gia bán hàng đa cấp là không đáng kể, chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/người/năm.

Kinh doanh đa cấp trái phép có thể bị xử lý hình sự
Hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép có thể sẽ bị xử lý hình sự. (Ảnh minh họa: internet)

Trong mạng lưới hàng ngàn người tham gia bán hàng đa cấp, chỉ có một tỷ lệ nhỏ bán hàng thực sự, số còn lại hầu như không tham gia bán hàng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có doanh thu rất cao nhưng tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/doanh thu rất nhỏ. Đóng góp của các doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước không đáng kể, chủ yếu đến từ thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả, không phải từ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hoạt động bán hàng đa cấp xuất hiện những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự và cuộc sống của người dân nên Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Công Thương lập các đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật trong quản lý thực phẩm chức năng của các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, nhiều đối tượng vẫn sử dụng phương thức này để huy động tài chính, mời gọi đầu tư hay để tiếp thị các sản phẩm vô hình như tiền ảo. Sở dĩ có tình trạng này là do tội “kinh doanh trái phép” đã được bỏ trong Bộ luật Hình sự.

Vì vậy, khi phát hiện được hành vi, các cơ quan chức năng cũng không thể xử lý bởi không có căn cứ để xử lý. Chỉ đến khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, hậu quả đã phát sinh mới có thể vào cuộc để xử lý theo tội lừa đảo.

Để có cơ sở xử lý các hành vi đa cấp trái phép, Bộ Công Thương sẽ trình Quốc hội bổ sung tội danh "kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp" vào Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) để có căn cứ xử lý các hành vi kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp.

“Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với chủ trương bổ sung tội danh về vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật Hình sự 2015. Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay.

Vào sáng nay (24/5), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bước vào phiên họp thứ 3 với các nội dung xoay quanh Luật Hình sự (sửa đổi). Trình bày trước nghị trường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết trong quá trình hoàn thiện dự thảo, đa số đại biểu đã kiến nghị bổ sung 1 điều luật mới về tội phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh đa cấp trái phép.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu và theo đề nghị của Chính phủ, Luật Hình sự (sửa đổi) đã bổ sung điều 217a về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp như sau:

1. Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:

a) Đã bị xử phạt vi hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Quy mô mạng lưới người tham gia từ 100 người trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Anh Tuấn (t/h)

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu