11:08 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đề xuất tăng mức hỗ trợ cho lao động ra nước ngoài làm việc

Lâm Tới (T/h) | 11:07 03/07/2021

(THPL) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ dự thảo về tăng mức hỗ trợ cho người lao động, thân nhân của người lao động từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước

Báo Người lao động đưa tin, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất hỗ trợ cho thân nhân của người lao động bị chết hoặc mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài, mức 30 triệu đồng/trường hợp, tăng bằng 3 lần so với mức trước đây. Mức hỗ trợ này có thể bù đắp mức trượt giá hằng năm giai đoạn 2007-2020 (khoảng 40%) và bảo đảm phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng của giai đoạn tiếp theo.

4 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 34.912 lao động

Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất hỗ trợ cho người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc, mức cụ thể: người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 1/2 thời hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/trường hợp và người lao động có thời gian làm việc thực tế từ 1/2 thời hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài trở lên, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/trường hợp.

Dự thảo đề xuất hỗ trợ cho người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng và người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài, mức cụ thể: người lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 1/2 thời hạn hợp đồng, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/trường hợp và người lao động có thời gian làm việc thực tế từ 1/2 thời hạn hợp đồng trở lên, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp.

 Dự thảo cũng đề xuất hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động gồm: Hỗ trợ cho người lao động chi phí ăn, ở trong thời gian người lao động chờ giải quyết tranh chấp với người sử dụng lao động, chuyển chủ sử dụng theo quy định hoặc phải về nước trước thời hạn mà không phải lỗi của người lao động, mức 500.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 10 triệu đồng/người. Hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý trong trường hợp tranh chấp lao động phức tạp giữa người lao động hoặc nhóm lao động với người sử dụng lao động, tối đa bằng 25 triệu đồng cho 1 vụ việc phát sinh tranh chấp. Nội dung này giúp hỗ trợ trực tiếp và kịp thời cho người lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp khi ở nước ngoài.

Để tạo điều kiện cho người lao động phải về nước trước hạn vì lý do khách quan sớm ổn định cuộc sống, ngoài hỗ trợ trực tiếp cho người lao động khi gặp rủi ro, sau khi về nước nếu người lao động có nhu cầu hỗ trợ học nghề để tìm việc làm, được Quỹ hỗ trợ chi phí đào tạo nghề có thời hạn dưới 3 tháng, mức bằng 70% chi phí đào tạo thực tế của khóa học nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/lao động.

Tạp chí Kinh tế và Dự Báo, dẫn số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong tháng 4/2021, Việt Nam có 5.371 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường Đài Loan có 4.722 lao động.

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy, trong tháng 4/2021, cả nước có 5.371 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 1.506 lao động nữ) gồm các thị trường: Đài Loan có 4.722 lao động (trong đó có 1.474 lao động nữ); Nhật Bản có 177 lao động (trong đó có 24 lao động nữ); Hàn Quốc có 154 lao động nam; Singapore có 48 lao động nam; Trung Quốc có 150 lao động (01 lao động nữ); Serbia có 47 lao động nam và các thị trường khác.

Như vậy, tính chung 04 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 34.912 lao động (trong đó có 13.528 lao động nữ) đạt 38,79% kế hoạch năm 2021. Trong đó thị trường: Nhật Bản có 18.355 lao động (8.135 lao động nữ); Đài Loan có 15.055 lao động (5.255 lao động nữ); Trung Quốc có 415 (1 lao động nữ); Hàn Quốc có 289 lao động nam; Hungary có 204 (61 lao động nữ); Rumania có 202 lao động (28 lao động nữ); Singapore có 129 lao động nam; UAE có 43 lao động (40 lao động nữ) và các thị trường khác.

Lâm Tới (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu