22:13 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội phát triển

Phương Linh (tổng hợp) | 14:50 01/06/2020

(THPL) - Sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 45, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.

Ở phiên họp thứ 44 trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã bàn về nội dung này và đồng ý với 6 cơ chế đặc thù cho Hà Nội, gồm: nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ; cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng;

Cho phép thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội; cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công.

Cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước) để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương; Quốc hội giao cho HĐND TP Hà Nội quyết định về cơ cấu ngân sách sử dụng cho giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ.

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên 45 (Nguồn: Quochoi.vn)

Theo báo An ninh thủ đô, còn tại phiên họp sáng nay, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ truởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, UBND thành phố Hà Nội đề xuất bổ sung thêm 3 nội dung, gồm:

Thứ nhất, HĐND TP Hà Nội được bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí. Dự kiến các khoản phí đỗ xe, phí môi trường sẽ có mức tăng cao.

Thứ hai, ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất.

Thứ ba, ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Trong đó, về nội dung bổ sung các khoản phí, Chính phủ đề xuất cho thành phố Hà Nội được thực hiện thí điểm: Thu phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí; Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí… Các khoản thu tăng thêm ngân sách thành phố được hưởng 100%.

Theo báo Hà Nội mới, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban nhất trí với các đề nghị nêu trên của Chính phủ. Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành Nghị quyết đặc thù về tài chính - ngân sách cho thành phố Hà Nội và nhất trí việc trình dự thảo Nghị quyết lên Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ chín với quy trnh, thủ tục thông qua tại một kỳ họp.

Đồng tình với việc ban hành Nghị quyết, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ các địa phương khác cùng phát triển thì trách nhiệm của cả nước đối với Hà Nội phải xứng tầm, thể hiện sự quan tâm thích đáng hơn với Thủ đô.

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số vấn đề, như: Thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí; cho phép thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; cho phép thành phố Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc cho phép tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí đối với các loại phí không nên để mức trần là 1,5 lần mà mức tăng cụ thể do HĐND thành phố quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm, việc tăng mức thu phí, lệ phí không chỉ bổ sung nguồn thu ngân sách mà còn để tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng Thủ đô văn minh thanh lịch. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nên tăng phí, lệ phí tòa án.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu quan điểm không nên khống chế mức tăng 1,5 lần. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý để Hà Nội hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp và hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bỏ trần tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí (trừ lệ phí tòa án). Về một số nội dung khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội nhằm tạo cơ chế, nguồn lực chủ động phát triển Thủ đô, đồng thời thực hiện tốt những nội dung quy định trong Luật Thủ đô. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí bổ sung Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ chín.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội dự kiến có hiệu lực thi hành từ 1/8/2020, được áp dụng cho đến khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012 nhưng không quá ngày 1/8/2025.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu