05:03 ngày 13/11/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đề xuất chính sách ưu đãi đặc biệt cho người mua nhà ở là tài sản công

12:58 10/11/2024

Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng đề xuất không áp dụng bảng giá đất mới đối với các hộ dân đã nộp hồ sơ mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước trước ngày 31/10, nhưng vẫn đang chờ phê duyệt.

Theo Vnexpress, bảng giá đất điều chỉnh của TP HCM có hiệu lực từ 31/10 và quy định rằng tiền chuyển quyền sử dụng nhà ở cũ (với các hồ sơ từ trước 5/7/1994 và từ 5/7/1994 đến 19/1/2007) sẽ được tính theo bảng giá tại thời điểm ký hợp đồng mua bán. Điều này có nghĩa là bảng giá đất mới sẽ được áp dụng với các trường hợp đủ điều kiện. Tuy nhiên, theo Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (HMCIC) thuộc Sở Xây dựng TP HCM, việc áp dụng bảng giá đất mới với những trường hợp đã nộp hồ sơ đăng ký mua nhà nhưng chưa được phê duyệt có thể gây thiệt thòi đáng kể cho người dân, vì các mức giá hiện tại cao hơn bảng giá cũ nhiều lần, khiến chi phí tăng gấp 4-7 lần so với trước đây.

Dãy nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP HCM, tháng 10/2024. (Ảnh: Vnexpress)

"Sẽ rất bất công nếu áp bảng giá đất mới cho những người dân đã nộp hồ sơ từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết vì vướng mắc thủ tục," đại diện HMCIC nhận định.

Theo quyết định về bảng giá đất điều chỉnh của TP HCM, các hồ sơ nộp trước thời điểm bảng giá mới có hiệu lực vẫn sẽ áp dụng tính nghĩa vụ tài chính tại thời điểm nộp. Do đó, HMCIC đề nghị UBND TP HCM xem xét và không áp dụng bảng giá mới cho những trường hợp nộp hồ sơ trước 31/10 nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.

Theo Tạp chí Bất động sản Việt Nam, tính đến ngày 27/10, TP HCM đã tiếp nhận 841 đơn xin mua nhà cũ thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng chỉ có 9 trường hợp được duyệt mua, còn 832 đơn chưa được phê duyệt. Hiện TP HCM có khoảng 10.000 địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đang cho thuê hoặc bỏ trống. Với các nhà đang cho thuê, thành phố sẽ bán cho những người đang sử dụng là đối tượng có công hoặc cán bộ Nhà nước, song thủ tục để mua lại nhà thuộc sở hữu Nhà nước vẫn rất phức tạp.

Một ví dụ là dãy nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên đường Hai Bà Trưng (quận 3, TP HCM), xây dựng từ năm 1978, thuộc quyền sở hữu của Xí nghiệp Chế biến Hạt điều Lạc Long Quân, sau đó được bố trí cho cán bộ công nhân của xí nghiệp thuê. Từ năm 2016, các hộ dân tại đây đã nộp đơn xin mua lại nhà, và đến năm 2022, TP HCM xác nhận đây là tài sản công và đồng ý bán cho 17 hộ dân theo quy định. Tuy nhiên, sau 8 năm chờ đợi, các hộ dân này vẫn chưa được duyệt mua nhà.

Tiến Minh (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu