23:21 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN
Quảng Ninh:

Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

Lê Quân | 21:12 13/12/2023

(THPL) - Sáng ngày 13/12, Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308 - 2023) đã diễn ra long trọng dưới chân núi Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức. 

Tham dự Đại lễ tưởng niệm có lãnh đạo Giáo hội phật giáo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, cùng đông đảo chư tăng, phật tử, du khách thập phương. Đại lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và thành kính.

Các đại biểu, phật tử, du khách thập phương đã ôn lại về cuộc đời, sự nghiệp trị nước an dân, sự nghiệp Hoằng dương Phật pháp sáng lập dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Lãnh đạo Giáo hội phật giáo Việt Nam thắp hương tưởng nhớ, tri ân công ơn Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là người có vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với đời, ngài là vị vua anh minh kiệt xuất, đã lãnh đạo nhân dân 2 lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông - một đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Sau khi nhường ngôi báu cho người kế vị, ngài đã dành tâm huyết để xây dựng và thực thi kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân, để xây dựng, mở mang đất nước.

Với đạo, ngài là Thiền sư đắc đạo, là người sáng lập và lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm - nền Phật giáo thống nhất riêng có của người Việt Nam. Với tấm lòng vì dân, với nhãn quan của một vị vua minh triết, một nhà sư giác ngộ, ngài chủ trương xây Đạo để nuôi dưỡng, phát huy nhân tâm thuận hòa trong trăm họ, xây dựng, bồi đắp tính độc lập, sức tự cường, vun bồi sự hòa hợp trong thế gian, hòa hợp vua - tôi, hòa hợp cha - con, hòa hợp vợ - chồng, hòa hợp trong gia đình, hòa hợp quốc gia… Tư tưởng ấy là cội rễ làm nên sức mạnh lâu bền của dân tộc, theo thời gian đã trở thành truyền thống của người Việt Nam.

Đại lễ tưởng niệm có lãnh đạo Giáo hội phật giáo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, cùng đông đảo chư tăng, phật tử, du khách thập phương.

Đặc biệt, Đại lễ 715 ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn năm nay gắn với khánh thành Cung trúc Lâm Yên Tử được xây dựng tại bến xe Giải Oan cũ thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí. Đây là công trình văn hóa tâm linh có giá trị to lớn với tổng diện tích xây dựng giai đoạn I hơn 6000m², chất liệu bê tông kiên cố, kiến trúc hoành tráng, phần thờ tự và nội thất bằng chất liệu gỗ sơn son thếp vàng mang bản sắc văn hóa dân tộc, hài hòa với quần thể Trung tâm văn hóa lễ hội Trúc Lâm và quần thể di tích danh thắng Yên Tử.

Công trình có sức chứa 5.000 nghìn người, là nơi tôn vinh giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, là nơi tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và các hoạt động văn hóa Phật giáo. Đặc biệt, nguồn kinh phí xây dựng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa do Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh vận động và nguồn công đức của Phật tử tại chùa Yên Tử với khoảng 250 tỷ đồng.

Cung Trúc Lâm Yên Tử tựa lưng vào dãy núi Yên Tử có chùa Hoa Yên, Tháp Tổ, chùa Đồng. Mặt hướng khê giao thủy tụ, lại có núi bình phong trước mặt tả thanh long hữu bạch hổ, thực thể thế phong thủy hiếm có.

Cung Trúc Lâm Yên Tử là nơi tôn vinh giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Công trình có dấu ấn văn hóa của nhà Trần, của Phật giáo Trúc Lâm tạo điểm nhấn cho khu di tích danh thắng Yên Tử kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Sau khi hoàn thành thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh sẽ sử dụng từ đó lan tỏa được những giá trị của văn hóa, phật giáo Trúc Lâm."

Trước đó, tối ngày 12/12, cũng tại Cung Trúc Lâm Yên Tử đã diễn ra lễ an vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc phỉ thúy. Lễ an vị có sự tham gia của nhiều chức sắc quan trọng từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cùng hàng ngàn tăng, ni, phật tử đến từ khắp cả nước.

Theo Ban Tổ chức, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông quý giá không chỉ bởi giá trị của ngọc bích phỉ thúy mà còn bởi sự trau chuốt, công phu của những nghệ nhân điêu luyện, cùng tấm lòng biết ơn những công lao vô lượng của Phật Hoàng của các Phật tử.

Bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được chế tác bằng đá quý với kích thước bằng kích thước với phiên bản của tượng Phật Hoàng trong Tháp tổ trên non thiêng Yên Tử. Bức tượng cổ này được tạo tác vào thời Lê Trung hưng và được coi là một điển hình mẫu mực trong nghệ thuật điêu khắc tượng Phật Đại Việt thế kỷ 17.

Cùng với lễ an vị bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, đêm qua còn có lễ cúng Phật, thỉnh Tổ và nhiễu Bảo tháp Phật hoàng tại chùa Hoa Yên, Yên Tử.

Lê Quân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu