10:51 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Đà Nẵng “mở” cơ chế tiến cử cán bộ lãnh đạo trẻ dưới 35 tuổi

10:58 15/02/2017

(THPL) – Theo đề án về xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực trẻ vừa được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh phê duyệt, những cán bộ trẻ có năng lực, độ tuổi dưới 35, sẽ được tiến cử vào làm việc tại nhiều cơ quan, ban, ngành chủ chốt trên địa bàn thành phố.

Theo Đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, tiêu chuẩn của các cán bộ đều phải có độ tuổi 35 trở xuống, chuyên môn tốt nghiệp đại học chính quy công lập hoặc tốt nghiệp bậc đại học trở lên tại một số cơ sở đào tạo ở nước ngoài được Bộ GDĐT công nhận; kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên, khả năng ngoại ngữ B1 châu Âu; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, có thành tích tiêu biểu, uy tín tại nơi công tác.

Lãnh đạo trẻ được kỳ vọng sẽ đáp ứng những yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. (Ảnh minh họa - Internet)
Tiêu chuẩn quan trọng là các cán bộ này phải công tác ít nhất từ 5 năm trở lại tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc TP. Đà Nẵng…

Đề án cũng nêu rõ, người tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi này là các lãnh đạo Thành ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận đoàn thể, bí thư quận ủy, huyện ủy…

Trong suốt thời gian làm việc, người tiến cử sẽ chịu trách nhiệm giám sát, giúp đỡ những cán bộ trẻ này. Nếu cán bộ trẻ đó nỗ lực phấn đấu phát triển tốt, người tiến cử được biểu dương, khen thưởng.

Ngược lại, người tiến cử phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu cán bộ trẻ do mình tiến cử không nỗ lực phấn đấu, quá trình công tác có sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật Đảng.

Bên cạnh công tác tạo nguồn, giao việc cho cán bộ thử thách thì phải có vị trí, môi trường để cán bộ rèn luyện, thử thách. Lãnh đạo Đà Nẵng cũng yêu cầu ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu tăng thêm chức danh phó bí thư ở các quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy, chức danh phó giám đốc ở các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và những nơi có điều kiện.

Những người được đào tạo là lãnh đạo, quản lý hiện đang giữ các chức vụ tại cấp thành phố từ phó, trưởng phòng và tương đương trở lên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền sở, ban ngành… Cấp quận, huyện từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên của các cơ quan Đảng, chính quyền ban ngành…

Từ những cán bộ đã được tiến cử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu thập thông tin, lấy ý kiến tham khảo của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cán bộ công nhân viên nơi cán bộ đang công tác, sinh hoạt đánh giá, phân loại để đào tạo, bồi dưỡng định hướng phát triển. Công việc này được thực hiện thường xuyên, trước, trong và sau khi cán bộ được giao nhiệm vụ thử thách.

Trên cơ sở đánh giá cán bộ, xem xét và đề nghị đưa ra khỏi Đề án những cán bộ không có triển vọng phát triển, thiếu tinh thần cầu tiến hoặc chưa hoàn thành thử thách nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chọn lựa bổ sung cán bộ khác thay thế.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng về sự cần thiết của Đề án, ông Trần Đình Hồng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết: 
Sau Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2005-2010, Ban Thường vụ Thành ủy có chủ trương và đề nghị các Thành ủy viên tiến cử cán bộ trẻ có triển vọng phát triển để Thành ủy quan tâm theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ trẻ có cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, công tác cán bộ trẻ còn một số mặt hạn chế. Rõ nhất là tỉ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy chưa bảo đảm theo quy định. Cơ cấu cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp, chưa có tính kế thừa. Trong khi đó, Đà Nẵng đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực và kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thảo Nguyên (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu