22:15 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cuộc chiến chống ma túy: Cần sự quyết liệt từ gia đình và nhà trường

08:04 17/06/2021

(THPL) - Ma túy là vấn nạn không chỉ của một quốc gia mà còn là vấn đề nóng bỏng của toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Ma túy là nỗi đau của nhiều gia đình và cũng là nỗi kinh hoàng của toàn xã hội.

Vì đâu tội phạm ma túy vị thành niên gia tăng?

Nhắc đến ma túy, trước đây, người ta chỉ biết đến thuốc phiện, heroin, thuốc lắc... thì nay ma túy đá, ma túy tổng hợp được biết đến nhiều hơn. Hậu quả của tệ nạn ma túy gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội. Ma túy là nguyên nhân dẫn đến đại dịch HIV/AIDS của thế giới và hàng loạt các loại tội phạm khác như: trộm cắp, cướp của giết người, gây rối trật tự công cộng. 

Tình hình tệ nạn ma túy cũng như vấn đề người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Số người nghiện tăng bình quân khoảng hơn 10 ngàn người/năm, số vụ việc liên quan tới người sử dụng ma túy trái phép như trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, tự sát, giết người... gia tăng về cả số vụ và tính chất nghiêm trọng.

Sự giáo dục của gia đình và nhà trường trong công cuộc đẩy lùi tội phạm ma túy vị thành niên là vô cùng bức thiết. 
Nhà trường phải trở thành pháo đài ngăn chặn ma túy, học sinh, sinh viên

Theo số liệu tại Việt Nam trong đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 11.200 vụ, bắt giữ gần 16.000 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 235 kg heroin, gần 1,6 tấn và 850.000 viên ma túy tổng hợp. Số vụ vi phạm pháp luật về ma túy, số đối tượng bị phát hiện bắt giữ trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 9,46% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều vụ việc buôn bán, tàng trữ và vận chuyển ma túy những năm gần đây đã và đang gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội. 

Không ít thanh thiếu niên vì sự đua đòi, sĩ diện đã dại dột thử để rồi sa ngã vào tệ nạn ma túy lúc nào không hay. Vì vậy, sự giáo dục của gia đình và nhà trường trong công cuộc đẩy lùi tội phạm ma túy vị thành niên là vô cùng bức thiết. Đặc biệt là công tác giáo dục tác hại của ma túy cho giới trẻ. Nhà trường phải trở thành pháo đài ngăn chặn ma túy, học sinh, sinh viên, giáo viên phải là những người nhận diện đúng, nhận thức đầy đủ và tự có sức đề kháng, không bị cám dỗ về ma túy và đặc biệt vai trò của phụ huynh, gia đình là rất quan trọng.

Thực tế, có rất nhiều gia đình coi nhẹ việc quản lý, giáo dục con cái, thậm chí ruồng bỏ, né tránh trách nhiệm khi con em mình sa ngã. Có gia đình lại quá nuông chiều, khi phát hiện con mình nghiện ma túy thì lại tìm cách bao che, dung túng. Độ tuổi vị thành niên, học sinh là nhóm dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo sa vào các tệ nạn xã hội trong đó có ma túy. Nguyên nhân của tình trạng trên là một số thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình nên dễ bị lôi kéo và tìm đến ma túy nhằm giải tỏa buồn chán, tìm cảm giác mạnh. Một bộ phận khác là do tò mò, đua đòi, thích cái mới lạ, dễ bị rủ rê, lôi kéo sử dụng ma túy tổng hợp.

Gia đình và nhà trường phải “hợp tác” đẩy lùi ma túy

Qua điều tra xã hội học trên đối tượng sử dụng ma túy tại các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An... cho thấy, tỷ lệ lớn thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp không có giấy khai sinh, không có sổ hộ khẩu, không đi học. Có tới hơn 50% thanh, thiếu niên gia đình không đầy đủ, trọn vẹn. Nhiều trong số đó cũng sống trong gia đình bị bạo hành, lạm dụng tình dục, gia đình không hạnh phúc.

Vì vậy, việc giáo dục của gia đình được xem là tiền đề đầu tiên để hình thành nhân cách của những đứa trẻ. Nhưng nhìn lại hiện thực xã hội khi cuộc sống đang bị cuốn theo kinh tế khiến cho nhiều bậc làm cha làm mẹ trở nên vô tâm, thờ ơ trong việc quản lý, giáo dục con em mình. Những đứa trẻ mới lớn trở nên cô đơn trong hành trình trưởng thành của mình.

Đôi khi, một số bạn trẻ vì không biết tác hại của ma túy mà chỉ vì một lần ham vui, tò mò thử cảm giác mạnh cùng bạn bè là đẩy bản thân vào vũng bùn nhơ nhớp của cái chết trắng. Ngoài ra, nhiều gia đình, cha mẹ trở nên bế tắc khi con cái bước đến tuổi cập kê hoặc giáo dục con em mình một cách phản khoa học. Cụ thể, nhiều cha mẹ chỉ biết cấm con không được làm cái này, cái kia nhưng không giảng giải cụ thể tác hại của nó. Với tâm lý hiếu thắng, tò mò nhiều bạn trẻ đã cố tìm hiểu và thử sử dụng ma túy rồi không thể thoát ra được.

Gia đình và nhà trường cần phải chung lưng đấu cật tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy

Ngoài ra, nguyên nhân khác là nhận thức sai lệch về tác hại của ma túy tổng hợp. Nhiều thanh thiếu niên cho rằng, ma túy tổng hợp không gây nghiện và tác hại không đáng kể. Điều này, gây ra những hệ quả khó lường. 

Đồng thời, sự quản lý, dạy dỗ của gia đình cũng ảnh hưởng đến nhận thức của một số bộ phận thanh thiếu niên. Sự buông lỏng quản lý, không hợp tác khi phát hiện con em mình sử dụng ma túy đã tiếp tay cho con em mình sa ngã. Đồng thời, tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường,... tổ chức sử dụng ma túy trái phép khiến cho giới trẻ dễ dàng tiếp cận với loại tệ nạn này và gây khó khăn cho việc quản lý, xử lý loại tệ nạn này.

Khi đã sử dụng ma túy, sự phát triển thể chất, tâm - sinh lý, trí tuệ, nhân cách của các em sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng kể từ thời điểm các em dính vào ma túy, các em không chỉ không thể tiếp thu kiến thức mà còn bị hạn chế việc tiếp nhận rất nhiều kỹ năng cần thiết trong suốt cuộc đời về sau. 

Điều này đồng nghĩa với cơ hội hòa nhập cuộc sống, cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ rất hạn chế so với những người khác. Chính từ những lý do này mà việc phòng ngừa lạm dụng ma túy trong trường học ở nhiều quốc gia trên thế giới luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Thay vì để thực trạng tội phạm ma túy vị thành niên ngày càng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp rồi mới khắc phục bằng biện pháp cai nghiện, xử lý pháp luật thì chúng ta hãy chủ động nâng cao kỹ năng phòng, chống loại tội phạm này. 

Trong đó, gia đình thực sự là tổ ấm cho các em lớn khôn và trưởng thành, không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội. Nhà trường phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý.

Hơn bao giờ hết, gia đình và nhà trường cần phải chung lưng đấu cật tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy và cung cấp kiến thức, kỹ năng cho thế hệ trẻ để bảo vệ bản thân trước hiểm họa của ma túy. Bằng các phương pháp truyền thông khác nhau giúp cho thế hệ trẻ tập trung học tập, nâng cao nhận thức hiểu biết về tác hại, hiểm họa khôn lường của ma túy. 

Giáo dục giới trẻ trao dồi lối sống đạo đức, luôn đề cao cảnh giác để không bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vào các việc làm phạm pháp, kể cả việc sử dụng và buôn bán ma túy. Đồng thời, tham gia phát hiện tố giác, phối hợp tốt với các ban ngành hữu quan để có các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng, vận động người nghiện tự nguyện đi cai nghiện tại các trung tâm và giúp đỡ sau cai tái hòa nhập cộng đồng.








PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu