11:41 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cụ bà 90 tuổi vá xe trên phố Hà Nội và câu chuyện ý nghĩa ngày 8/3

| 13:28 07/03/2017

Lấy chồng từ năm 16 tuổi, cho đến nay cụ bà Nguyễn Thị Vân (88 tuổi, Hà Nội) chưa từng một lần được tặng món quà lãng mạn nào từ người chồng của mình trong ngày 8/3.

Cụ bà Nguyễn Thị Vân (88 tuổi, Hà Nội) từng được nhiều người biết đến qua hình ảnh một cụ bà tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn hăng say lao động, sửa vá săm xe máy trên đoạn đường Đê La Thành đã hơn 20 năm nay.

Cụ Vân bên những đồ nghề vá xe của mình trên con phố Đê La Thành.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ bà Nguyễn Thị Vân cho biết quê gốc của cụ ở Hà Nam, sau khi lấy chồng cùng quê, hai người lên Hà Nội làm công nhân. Cuộc sống nơi thành phố vất vả, khi các con khôn lớn hai cụ đã đến tuổi về hưu. Dù thế, hai cụ không muốn ngồi ở nhà chơi nên bàn nhau làm nghề vá săm xe máy ở vỉa hè trên đường Đê Là Thành.

Cụ Vân cho biết, cụ có bốn người con, các con của cụ đều đã lập gia đình. Con trai lớn của cụ năm nay đã 65 tuổi và cháu lớn nhất cũng vừa tròn 43 tuổi.

Cũng theo chia sẻ của cụ Vân, vợ chồng cụ làm nghề sửa xe từ năm 1997, tính đến nay cũng đã hơn 20 năm. Dù tuổi đã cao, không ít lần con cái khuyên hai cụ nên nghỉ ngơi để chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên cụ vẫn một mực: "Tôi đi làm để đỡ buồn cộng thêm vận động cho khỏe người, cho đỡ lẫn vì tôi cũng đã già cả rồi”.

Cứ 5h sáng hàng ngày cụ Vân lại ra ngồi ở góc phố này.

Khi hỏi về cụ ông, cụ Vân không giấu nổi sự buồn bã: "Cách đây 6 năm, cụ ông đã bỏ tôi mà đi sang thế giới bên kia. Hồi đó tôi buồn, hụt hẫng lắm, các con cháu nói không cho tôi làm nữa nhưng vì nhớ công việc nên tôi vẫn quyết tâm đi làm. Ngày nào mưa hay nắng, nóng hay lạnh tôi cũng ra đây từ 5h sáng đến 17h chiều”.

Kể về tình yêu của mình, cụ Vân cho biết mình và chồng (cụ Trương Văn Năng) lấy nhau từ năm 16 tuổi. Hai người khác làng nhưng thuở đó biết nhau qua đường mai mối "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Nghe lời cha mẹ về làm dâu nhà người, hai cụ sau đó bàn bạc nhau lên Hà Nội sinh sống, làm ăn như bao cặp vợ chồng khác.

Cụ bà nhớ lại về tình yêu của mình với cụ ông.

Tình yêu của chúng tôi ngày xưa khác lắm, không dám nhìn thẳng vào mắt nhau, cũng không dám nắm tay nhau chốn đông người. Ngày xưa chúng tôi đến với nhau do bố mẹ mai mối, vậy nhưng vẫn sống với nhau đến đầu bạc”, cụ Vân hóm hỉnh.

Làm vợ sau đó làm mẹ, cũng như bao người phụ nữ khác, cụ Vân cũng từng trải qua rất nhiều khó khăn, nhưng cụ cảm thấy hạnh phúc khi luôn có chồng bên cạnh yêu thương: “Ngày xưa chúng tôi có bao giờ nói lời yêu nhau đâu, về ở với nhau là cái duyên nợ, nuôi con vất vả trăm bề, nhưng thời ngày xưa nuôi con dễ hơn, thế nhưng mới đầu không quen tôi cũng thường hay khóc, may có ông ấy ở bên động viên nên được an ủi phần nào”.

Cụ Vân cho hay, tình yêu của cụ ngày xưa khác với tình yêu của giới trẻ bây giờ.

Sống với nhau hơn nửa đời người, nhưng trong các ngày lễ, trong đó có ngày 8/3, cụ Vân chưa bao giờ nhận được bất kỳ món quà nào từ chồng. Khi hỏi lý do vì sao cụ Vân cười: “Thời chúng tôi yêu nhau nó khác lắm, với lại đã là vợ chồng sao cần câu nệ quà cáp, miễn sống với nhau có tình có nghĩa thì đã là món quà quý giá nhất rồi. Tôi cũng không quan tâm hay để ý ngày đó là ngày gì, coi đó là một ngày bình thường như bao ngày khác nên cũng không cảm thấy tổn thương”.

Cụ Vân chưa từng nhận được món quà nào từ cụ ông nhưng không cảm thấy buồn.

Ngày 8/3 là ngày tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam, ấy vậy mà khi nghe câu chuyện của cụ bà Nguyễn Thị Vân, chúng tôi như hiểu hơn, thấm thía hơn về tình nghĩa vợ chồng. Với họ, không cần quà cáp đắt tiền, không cần những bông hoa hay những lời tỏ tình lãng mạn, điều mà họ luôn dành cho nhau, coi như quy tắc “bất di, bất dịch” chính là tình yêu chân thành. Đó là điều mà trong cuộc sống hiện đại có đôi khi những người trẻ vô tình lãng quên...

 Theo Người Đưa Tin

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu