22:18 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đắk Nông: Công ty C.P Việt Nam cần chung tay với người chăn nuôi để xử lý triệt để môi trường

Nguyễn Phong | 20:32 21/01/2020

(THPL) - Thời gian qua, THPL nhận được nhiều phản ánh của các hộ gia đình có hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt cho chi nhánh Cty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam tại Đắk Nông. Hầu hết những đơn thư này đều thể hiện việc các hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại nhỏ gặp khó khăn về vấn đề xử lí chất thải trong chăn nuôi heo thịt làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường ...

Đắk Nông là một tỉnh miền núi phía Nam của khu vực Tây Nguyên, được hình thành dựa trên cơ sở hợp nhất một số địa bàn của hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắc, là một tỉnh mới với điều kiện tự nhiên và xã hội có tính chất đặc thù. Trong những năm qua, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội, Ủy ban nhân dân cùng các Sở, nghành của tỉnh đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để mời gọi các doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sự nghiệp chung. Tuy nhiên, thơi gian gần đây, theo người chăn nuôi phản ánh, doanh nghiệp chăn nuôi là Chi nhánh Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam tại Đắk Nông (C.P Việt Nam tại Đắk Nông) đã cố tình "vin" vào các điều khoản có trong hợp đồng hợp tác chăn nuôi, đẩy hết khó khăn về vấn đề môi trường cho đối tác.

Hợp đồng giữa C.P Việt Nam tại Đắk Nông và các hộ dân

Lần theo đơn thư của người dân, PV đã có mặt ở hầu khắp các huyện, thị của tỉnh Đắk Nông theo danh sách do người dân và các cơ quan chức năng cung cấp. Tại các địa phương này, điểm chung mà chúng tôi nhận thấy là hầu hết các hệ thống chuồng trại mà C.P Việt Nam tại Đắk Nông hợp tác đầu tư đều có quy mô vừa và nhỏ, năng lực chăn nuôi từ xấp xỉ 500 đến 1.500 con. Các chuồng trại này do người dân phải tự bỏ tiền ra xây dựng trong các khu đất của gia đình, do vậy đa phần các khu chuồng trại đều nằm trong hoặc rất gần các khu dân cư nên ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi. Để đầu tư được một khu chuồng nuôi được 1.000 con heo, người nuôi phải bỏ ra số tiền khoảng 1,2 tỷ đến 1,5 tỉ đồng chưa bao gồm chi phí cho hệ thống xử lí chất thải. Để có được số tiền này, hầu hết người chăn nuôi đều phải thế chấp tài sản là nhà cửa và đất đai của mình.

Sẽ không có gì đáng bàn trong bản hợp đồng mang tính chất dân sự giữa hai bên nếu như văn bản:” Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt”, phía C.P Việt Nam tại Đắk Nông ghi rõ trong Điều 1 và Điều 5.2 nghĩa vụ của người chăn nuôi phải chịu trách nhiệm về hồ sơ tác động môi trường và đầu tư hệ thống xử lí chất thải đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật. Nếu minh bạch trong hợp đồng thì dĩ nhiên C.P Việt Nam tại Đắk Nông phải trao đổi để người chăn nuôi lường trước khó khăn này. Nhưng ở đây vấn đề chất thải và xử lí chất thải không được đề cập trong hợp đồng, không nghiệm thu khi thả heo giống. Chỉ khi heo thải ra thì người nuôi mới ngã ngửa trước vấn đề phát sinh và trước sự đã rồi họ không thể không đầu tư xây dựng hệ thống xử lí dù chi phí phát sinh là rất lớn. Và dĩ nhiên, việc đầu tư thêm này rất khó đạt được các yêu cầu mà các cơ quan chuyên môn về môi trường đề ra.

Khu vực xử lý chất thải chưa đạt chuẩn

Trao đổi với PV, ông T.X.N, một chủ trại nuôi ở huyện Đắk Song cho biết; "Chúng tôi hoàn toàn không thấy C.P Việt Nam tại Đắk Nông yêu cầu xây dựng và ngay cả trong bản vẽ thiết kế thi công chuồng trại cũng hoàn toàn không có hạng mục này. Việc đầu tư hệ thống Bioga và hầm rút rất tốn kém thời gian và công sức nhưng cũng không được lâu dài vì túi chứa rất dễ bục, chất thải vẫn rò rỉ ra ngoài.

Trong giai đoạn hiện nay, giá heo hơi đang đạt mức trên 70.000đ/1kg nhưng thực tế người chăn nuôi chúng tôi chỉ nhận về từ 3.000đ đến 4.000đ/kg heo hơi xuất chuồng. Mỗi lứa heo 1.000 con nuôi trong 5 tháng với đủ loại chi phí từ củi, điện, lưới ngăn ruồi, hệ thống làm mát, hệ thống sưởi úm heo, thuê nhân công, lãi ngân hàng và rất nhiều khoản chi khác chúng tôi chẳng còn lại được bao nhiêu. Và nếu như các cơ quan quản lí nhà nước kiểm tra, giám sát phát hiện sai phạm và ra các biên bản xử phạt vi phạm hành chính nữa thì thử hỏi lấy gì để đóng phạt”. 

Đây cũng là phản ánh chung của rất nhiều hộ đang chăn nuôi gia công cho C.P trên địa bàn. Bà V.T.N còn cho biết thêm: 'Vẫn biết là dính phải quả đắng nhưng chúng tôi biết làm sao khi nông sản thì bấp bênh, trông vào chăn nuôi thì khó khăn như thế. Chú (tức PV) thấy trong bản hợp đồng, phần nghĩa vụ của bên B kín 1 trang giấy mà quyền lợi thì chỉ có 2 dòng. Chúng tôi nông dân ít học nên có biết bị người ta gái các điều khoản như vậy đâu. Rất nhiều vấn đề bức xúc nhưng điều quan tâm nhất của chúng tôi là vấn đề môi trường, chúng tôi rất sợ bị phạt, bị cấm nuôi.”.

Ngày 10/3/2020 PV đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc chi nhánh C.P Việt Nam tại Đắk Nông. Qua trao đổi, ông Trí cho biết: "Quan điểm của C.P là đi cùng, hỗ trợ và chia sẻ với người chăn nuôi những khó khăn vướng mắc để cùng phát triển. Bản thân tôi là người đứng ra đề xuất nhiều khoản hỗ trợ đặc biệt cho người chăn nuôi dựa trên kết quả hiệu suất nuôi của từng hộ. Những công trình phụ trợ như hồ ngâm vôi khử trùng với số tiền tương đối lớn chúng tôi sẵn sàng chi trả nếu như trại nào làm theo đúng quy chuẩn công ty đưa ra. Ngoài ra còn nhiều hỗ trợ khác đối với người chăn nuôi được chia theo các lần thanh toán. Do việc đề xuất thưởng phải qua nhiều khâu xét duyệt mất thêm thời gian nên có đôi lúc chậm thanh toán chứ hoàn toàn không có chuyện gây khó dễ hay khuất tất gì nên bà con cứ an tâm”.

Về câu hỏi: tại sao không nêu rõ bên nào chịu trách nhiệm hồ sơ liên quan đến môi trường trong các điều, khoản của hợp đồng? Không quy định rõ bắt buộc chủ trại phải xây dựng hệ thống xử lí chất thải hợp chuẩn mới được giao con giống? Tại sao trong bản vẽ thiết kế thi công không có trang nào, bản vẽ nào thể hiện quy mô, kết cấu của công trình xử lí chất thải? Ông Trí cho biết, đã trao đổi với chủ trại chăn nuôi trách nhiệm liên quan đến thủ tục, giấy phép về môi trường chứ không thể hiện trong hợp đồng. Trong quá trình chủ trại thi công, ông cũng cử người đến hướng dẫn cách thức xây dựng khu vực xử lí chất thải mặc dù vấn đề này không thể hiện trên hồ sơ, bản vẽ.

"Chúng tôi đã có sai khi các chủ trại chưa hoàn thành xây dựng hệ thống Bioga mà vẫn giao con giống cho họ. Việc làm này xuất phát từ sự thông cảm với người chăn nuôi khi đã đầu tư xây chuồng trại số tiền lớn nếu chờ hoàn thiện theo quy chuẩn thì sẽ khó khăn về tài chính và quá mất thời vụ. Việc này cũng chỉ diễn ra trong vài lứa, sau đó phải xây dựng đảm bảo chúng tôi mới giao nuôi”, ông Trí thừa nhận.

 Thiết nghĩ, CP Việt Nam là một thương hiệu về lĩnh vực chăn nuôi lâu đời, ít nhiều tạo được lòng tin, uy tín với đối tác thì cần xem xét lại những điểm chưa hợp lý trong quá tình hợp tác để đảm bảo quyền và lợi ích cho đối tác, tránh việc đổ hết mọi khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là khâu xử lý môi trường. Có như vậy thì mới xứng tầm của một thương hiệu lớn và không tạo ra những khiệu nại, phàn nàn từ người chăn nuôi trong suốt thời gian qua.

Nguyễn Phong

TAG:
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu