11:16 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Chùa Bổ Đà: Giấc mơ thêm lần lỗi hẹn

Ngân An | 11:37 25/01/2019

(THPL) - “Bắc Bổ Đà – Nam Hương Tích” là câu nói truyền miệng trong dân gian. Đây là câu nói được nhiều người nhắc tới khi nói về chùa Bổ Đà. Ngôi chùa ra đời từ thế kỷ XI và là một trong những trung tâm Phật giáo lâu đời và lớn nhất thuộc thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam.

Nằm ẩn mình dưới rặng núi, sau cánh đồng rộng, con đường nhỏ, lối vào chính ngôi chùa với hai bên là tường chình bằng đất, mộc mạc cao hơn đầu người. Điểm đặc biệt duy nhất này là riêng có ở chùa Bổ Đà so với hàng vạn ngôi chùa khác ở Việt Nam và khiến cho vãn khách chỉ cần bước chân qua vòm cổng nhỏ là trần ngập cảm giác yên bình và cách biệt. Mọi ồn ào, trần bụi dường như đã phần nào được rũ sạch.  

 

Chùa nằm ẩn mình dưới rặng núi, sau cánh đồng rộng, con đường nhỏ.

Núi Bổ Đà nằm ở bờ Bắc sông Cầu, thuộc vùng đất Tây Nam của Bắc Giang, trải dài chừng 2000m bao bọc lấy hai thôn: Thượng Lát, Hạ Lát của xã Tiên Sơn. Thôn Thượng Lát ở phía Đông núi, còn thôn Hạ Lát ở phía Tây núi. Trong sơn phận núi Bổ Đà nổi lên các ngọn đền Thượng, ngọn chùa Cao, ngọn chùa Khám, ngọn Phượng Hoàng, ngọn Trúc Lát, ngọn Con Voi và ngọn Bàn Cờ Tiên. Chùa tọa lạc trên ngọn núi Bổ Đà thuộc địa phận xã Tiên Lát, huyện Việt Yên. Chùa được xây dựng lớn từ thời Lê, (bao gồm cả chùa Tứ Ân nên còn có tên là Tứ Ân tự có tên chính là chùa Quán Âm núi Bổ Đà, và thường được dân trong vùng gọi tắt là chùa Bổ.

Sách Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí cũng ghi: “Núi Bổ Đà là ngọn núi bậc nhất của huyện Việt Yên. Bắt đầu từ Thái Nguyên qua Yên Thế... Nhiều ngọn liên tiếp quây quần, bỗng nổi lên núi Bổ Đà, vừa cao vừa to. Trong đó lại gọi riêng ngọn núi cao nhất là núi Phượng Hoàng. Những ngọn thấp hơn một chút là núi Yên Ngự, núi Kim Quy. Núi có chùa Tam Giáo, có miếu Thạch Tướng Quân”. Chùa Bổ Đà được xây dựng ở nơi cảnh quan thiên nhiên lý tưởng của dãy Bổ Đà sơn vừa có núi, có sông, địa thế phong thuỷ giao hoà, không gian u tịch mà thanh vắng là điều kiện lý tưởng để tu thiền học đạo.

Chùa Bổ Đà được xây dựng ở nơi cảnh quan thiên nhiên lý tưởng của dãy Bổ Đà sơn vừa có núi, có sông, địa thế phong thuỷ giao hoà, không gian u tịch mà thanh vắng là điều kiện lý tưởng để tu thiền học đạo.

Chùa Bổ Đà có từ thời Lý (thế kỷ XI), được đại trùng tu vào thời Lê Trung hưng - niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX); là một trong những trung tâm Phật giáo lớn thuộc thiền phái Lâm Tế, một trong những ngôi chùa độc đáo cổ kính và lớn nhất vùng đất Kinh Bắc. Đây cũng là nơi các vị tổ sư thuyết pháp đào tạo các tăng ni. Các bản khắc gỗ dùng để in ấn kinh sách ngày nay còn lưu lại bao gồm nhiều bản kinh luật Đại thừa, như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký qui...để phục vụ cho việc đào tạo truyền bá kinh Phật. Bộ bản khắc này đã được công nhận là bảo vật quốc gia và là bộ bản khắc gỗ kinh Phật có niên đại lâu đời nhất ở Việt Nam.

Thượng toạ Thích Tục Vinh.

Thượng toạ Thích Tục Vinh cho biết, tại núi Phượng Hoàng, chùa Cao được tiền tổ đặt tại vị trí mắt phượng hoàng còn chùa Tứ Ân được xây tại vị trí ức của Phượng Hoàng. Về phong thuỷ, đặt chùa Tứ Ân tại ức phượng hoàng sẽ giúp cho các tăng, ni tu học thông minh và đạt được nhiều thành tựu. Có lẽ cùng vì vậy trải qua nhiều trăm năm thăng trầm và biến cố, Bổ Đà tới nay vẫn là một trong rất ít những ngôi chùa còn lại hiện nay chưa bị đô thị hoá xâm lấn mặc dù Bổ Đà là “Nôi của phái Lâm Tế ở Việt Nam” và nơi đây đã đào tạo hàng nghìn vị tăng, ni tu học. Hiện nay Sơn Môn Bổ Đà có hơn 700 chùa khắp các Tỉnh, Thành phố trên cả nước.   

Nghe đã lâu nhưng phải đến những ngày cuối năm cận kề này mới có duyên được thấy. Trong khuôn viên chùa, sư trụ trì Thích Tục Vinh tiếp chúng tôi và ân cần giới thiệu về kho mộc bản, vườn tháp, chùa Cao, sự tích Thạch Linh Thần Tướng ...

Sư trụ trì Thích Tục Vinh có dáng vẻ chân chất và ít nói. Trong lời nói còn ẩn chứa vẻ u tịch và vương một nối buồn. Bước qua đống gạch ngói đổ nát, ông chỉ cho chúng tôi cây đa lớn được các tiền tổ trồng đánh dấu vị trí xây tam quan chùa đã hơn 300 năm tuổi.  Cây đa này cùng với cây vối trong chùa cũng đã được công nhận là cây di sản.

Thượng toạ Thích Tục Hoà, người đã tu học tại Bổ Đà từ năm 13 tuổi, năm nay 63 tuổi đang trụ trì tại chùa Vân Cốc (thuộc Sơn môn Bổ Đà) cho biết, chùa Bổ Đà được một số nhà nghiên cứu cho rằng “nét độc đáo của chùa là không có tam quan” nhưng không phải như vậy. Từ xa xưa, việc xây dựng chùa triền nói chung không phải làm một lần là xong. Cách đây nhiều trăm năm, địa thế núi rừng hoang vi hiểm trở, tiền bạc để xây dựng cũng không phải muốn là có được mà phải tích cóp rồi đóng góp của phật tử và nhân dân trong vùng, tức là mỗi ngày làm một ít, mỗi năm làm một ít. Việc chùa Bổ Đà không có tam quan mà một số người cho rằng “là nét độc đáo” thực ra là là do chưa làm được chứ không phải không muốn làm hoặc kiến trúc của nó như vậy.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, cách đây hơn 100 năm, các nhà sư tu tập tại chùa cùng phật tử đã từng tiến hành xây dựng tam quan cho chùa Bổ Đà. Khi đó đường xá cũng như vận tải rất khó khăn, gỗ xây chùa được vận chuyển về từ phía Bắc, theo đường sông. Khi kéo bè gỗ dùng để xây dựng tam quan về đến khu vực Đáp Cầu, bè va vào đá ngầm và vỡ. Một phần gỗ trôi xuôi vớt được đã dùng xây chùa Đáp Cầu (Bắc Ninh). Một phần lớn gỗ được vớt lên xây cổng tam quan của chùa Yên Ninh (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Các nhà sư khi đó đã cho dựng một bia đá, văn tự. Bia đá có nội dung thể hiện cổng tam quan của chùa Yên Ninh được xây dựng theo thiết kế của các nhà sư tại chùa Bổ Đà và chính từ những khối gỗ lẽ ra là để xây dựng tam quan chùa Bổ Đà. Hiện nay, bia đá này vẫn nằm ngay trước tam quan của chùa Yên Ninh (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).

Trải qua gần 10 thế kỷ, Chùa Bổ Đà cũng là nơi tu hành của 19 vị quan các triều đại. Trong nhiều thế kỷ, không gian chùa luôn sửa chữa, mở rộng. Mới đây, nhà chùa cũng xây thêm tam quan và cổng bảo vệ. Tuy nhiên điều đáng tiếc là do nóng vội với việc tôn tạo, xây dựng nhằm bảo vệ Chùa cũng như tạo thêm cơ sở vật chất tạo thuận lợi cho khách thập phương viếng thăm chùa nên Nhà chùa đã làm sai một số quy định. Đứng bên đống gạch, ngói đổ nát do phải hạ giải công trình xây dựng cổng chùa. Sư thầy Thích Tục Vinh không giấu nổi vẻ nghèn nghẹn qua giọng nói, ông mong rằng các ngành, các cấp, các cơ quan quản lý sớm giúp Nhà chùa có giải pháp cho vấn đề trên khi ngày lễ hội và năm mới đã cận kề.

Những tưởng người tu hành tìm về cõi Phật có thể vượt qua được hỷ, nộ, ái, ố nhưng không phải vậy. Trong nghèn nghẹn của xúc động ông đọc cho chúng tôi nghe bài thơ của phó chủ tịch huyện Việt Yên, ông Nguyễn Đại Lượng:

“Chùa chiều khói tỏa hương bay

Hao hao một bóng tăng gầy thẩn thơ

Tam quan lỗi hẹn giấc mơ

Bi ai sao vẫn vẩn vơ chốn này?!”

Không gian bên trong lưu giữ sách xưa. 

Trao đổi với báo chí, ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết: “Việc xây dựng tam quan chùa Bổ Đà đã được các đơn vị chức năng của tỉnh phối hợp với nhà chùa làm hồ sơ xin phép và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận từ năm 2016. Việc xây dựng tam quan là cần thiết trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của quần thể di tích chùa Bổ Đà. Trước đây khi chưa có tam quan, khách đến chùa chỉ có một lối vào nhỏ hẹp duy nhất. Vào ngày lễ nhiều người chen lấn hàng giờ đồng hồ mới vào được chùa.”

Tam quan mới xây dựng có cổng thông với tam bảo của chùa sẽ giúp du khách vào chùa thuận tiện hơn. Việc xây dựng cổng tam quan chùa Bổ Đà là mong muốn của các tiền tổ chùa Bổ Đà từ hàng trăm năm trước, không chỉ đáp ứng nguyện vọng của các tăng ni, phật tử mà còn góp phần trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của khu di tích này. Hy vọng các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu sẽ sớm giúp chùa Bổ Đà tìm ra giải pháp hợp lý cho công việc nói trên.

           

Ngân An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu