06:41 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Chống buôn lậu thuốc lá và những bất cập của các văn bản pháp luật

14:13 13/12/2016

(THPL)- Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, một trong các nội dung các đại biểu thảo luận ở tổ nhiều là về nội dung chống buôn lậu thuốc lá nói riêng và ngăn chặn buôn lậu nói chung, được quy định tại điều 190 và 191 dự thảo BLHS 2015.

Những bất cập trong các văn bản luật

Việc chống buôn lậu thuốc lá từ trước đến nay được coi như cuộc chiến chưa bao giờ có hồi kết, nó thường diễn ra trong tình trạng lúc thì bùng nổ mạnh mẽ, khi thì trầm lắng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng sự thiếu đồng nhất của các văn bản pháp luật  được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng. Điều này đang gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý cũng như tạo kẽ hở để các đối tượng buôn lậu thuốc lá hoành hành.

Điều 190, 191 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về tội sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, theo đó căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự dựa trên giá trị hàng phạm pháp tối thiểu 100.000.000 đồng. Tuy nhiên trong thực tế cho thấy, việc thực hiện đã có quá nhiều bất cập, đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Trước hết, nếu tính giá trung bình 15.000 đồng/bao thì mức vi phạm phải đạt đến 6.700 bao và đây được coi là con số quá lớn, ít khi xảy ra trong bối cảnh kinh tế xã hội không có quá nhiều biến động.

Với cách tính này, phải thành lập Hội đồng định giá với sự tham gia đại diện của nhiều cơ quan chức năng có yêu cầu khảo sát giá, xem xét tài sản, nghiên cứu thông tin liên quan đến tài sản định giá và tổ chức họp định giá… Những thủ tục phức tạp này đã dẫn đến quá trình xử lý trên thực tế gặp phải rất nhiều khó khăn; gây mất nhiều thời gian, công sức cho những đơn vị trực tiếp giải quyết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận cho biết: Thời gian qua, tại tỉnh Ninh Thuận có nhiều vụ buôn lậu thuốc lá được cơ quan điều tra bắt giữ và xử lý. Trong quá trình xử lý, cơ quan điều tra đã yêu cầu cơ quan tài chính định giá nhưng đã bị từ chối với lý do hàng lậu không có trong biểu giá để định giá. Công an tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị với ông Cương xin ý kiến của Ủy ban Tư pháp. Sau đó, ông Cương đã nhận được sự trả lời của cơ quan này với nội dung: Căn cứ vào giá trên thị trường, nhưng việc này cũng không thể thực hiện được vì không ai chạy ra bà bán hàng thuốc lá ngoài đường mà hỏi giá bao thuốc lá là bao nhiêu để làm căn cứ định giá. Không ai làm như thế và cũng không ai dám làm như thế, bởi nếu có tranh chấp xảy ra thì giá trị định giá ai chịu trách nhiệm? 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận: Hàng lậu không có biểu giá thì định giá thế nào? (Ảnh internet) 

Đại biểu Triệu Tuấn Hải, đoàn Lạng Sơn và Nguyễn Văn Hiển, đoàn Lâm Đồng cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, hàng cấm là những mặt hàng cấm lưu thông trên thị trường nên các cơ quan chức năng không có căn cứ để định giá trị. Từ trước đến nay, khi các cơ quan điều tra, kiểm soát, tòa án đề nghị cơ quan chức năng định giá hàng cấm là các tang vật trong các vụ án thì đều được trả lời là không có cơ sở để định giá dẫn đến không giải quyết được các vụ án này.

Còn Luật Đầu tư năm 2014 có quy định “Kinh doanh sản phẩm thuốc lá” là “Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”. Như vậy đã coi kinh doanh thuốc lá lậu là loại hình kinh doanh có điều kiện và đã áp dụng các quy định giống như sản xuất thuốc lá trong nước. Điều này vô hình chung đã tạo kẽ hở pháp lý cho các hoạt động buôn lậu thuốc lá lách luật thực hiện.

Tại Công văn số 06/TANDTC – PC ngày 26/1/2016 của Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ đạo xét xử: Chỉ xét xử các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu nếu có yếu tố qua biên giới và ngừng xét xử hình sự đối với các hành vi này trong nội địa. Do vậy, rất nhiều vụ bắt giữ thuốc lá lậu trong nội địa đã không chứng minh được có yếu tố có qua biên giới nên gây ra đình trệ hoàn toàn.

Thời gian qua, những bất cập của các quy định nêu trên vô hình chung đã gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý của các cơ quan chức năng. Dựa vào những kẽ hở đó cùng với mức siêu lợi nhuận, các hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn cứ tiếp diễn với mức độ ngày càng tinh vi và manh động hơn.

Hệ thống văn bản cần thống nhất quan điểm

Ngược lại với những bất cập của các văn bản trên thì tại Chỉ thị 30/CT – TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định 124/2015/NĐ – CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ; Chỉ thị số 04/CT – BCT ngày 24/3/2015 của Bộ Công Thương đã thể hiện quan điểm đấu tranh chống nạn buôn lậu thuốc lá quyết liệt và mang tính răn đe cao. Cụ thể tại Nghị định 124/2015 quy định: Xử lý hình sự đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu dựa trên số lượng từ 500 bao trở lên (theo Nghị định 185 là từ 1500 bao mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Ngoài ra, các mức xử phạt khác cũng nâng cao hơn nhiều. Thời gian qua, những văn bản này đã tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý, cũng như được coi là đòn giáng mạnh mẽ vào các đối tượng hoạt động buôn lậu thuốc lá.

Theo ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam: Từ đầu năm 2016 đến nay, hoạt động buôn lậu thuốc lá trên toàn quốc lại bùng phát mạnh với những diễn biến phức tạp. Điển hình vụ chủ lô thuốc lá lậu ở Long An đã huy động 11 người cùng nhiều ghe máy đuổi theo cướp lại tang vật là thuốc lá nhập lậu và đánh chết cán bộ quản lý thị trường, hoặc vụ xe con chở đầy thuốc lá lậu gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy ở Tp. Hồ Chí Minh. 

Buôn lậu thuốc lá rầm rộ, công khai tại khu vực giáp ranh Campuchia (Ảnh internet)

Nhận định về các văn bản pháp luật hiện nay, ông Cường cho biết: “Do việc phải giám định giá nên sẽ dựa vào ý chí chủ quan của các cán bộ định giá, làm nhanh hay chậm là tùy vào họ, từ đó dễ dẫn đến tiêu cực, vụ án không xử được”. Ông cho rằng “Đây là yếu tố kỹ thuật cản trở chủ trương, có lợi cho các đối tượng buôn lậu. Còn theo quy định tại Nghị định 124/2015, cứ quy định từ 500 bao trở lên làm căn cứ xử lý hình sự thì thật rõ ràng, cụ thể, rất dễ thực hiện, tính răn đe cao, qua đó tạo thuận lợi cho việc thực thi đạt hiệu quả. Nếu qui định như Bộ Luật Hình sự năm  2015 lấy giá trị hàng phạm tội làm căn cứ xử lý hình sự thì rất khó thực hiện”.

Để cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả, cần nhiều giải pháp, trong đó, sự thống nhất trong quan điểm xử lý từ các văn bản pháp lý được coi là một yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, sự mâu thuẫn về quan điểm xử lý từ các văn bản pháp lý vô hình chung đã cản trở nhau, gây khó khăn trong quá trình thực thi, từ đó giảm hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Sơn Tùng 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu